Vợ chồng bà Phượng, con gái cùng đứa cháu gái tranh thủ "chạy" cho kịp đơn hàng dịp cận Trung thu - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Giáo xứ Phú Bình hàng chục năm trước đã được biết đến với "làng lồng đèn", và đến nay vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp Trung thu về.
Từ đầu khu vực giáo xứ Phú Bình, rất dễ để bắt gặp các nhóm thợ từ lành nghề đến tay ngang đang hí hoáy, thúc giục nhau hoàn tất những chiếc đèn lồng cuối cùng của mùa trung thu năm nay.
Làm không xuể đơn hàng mới, vợ chồng anh Nguyễn Hưng Thịnh phải thuê thêm một nhóm thợ 6 người cùng phụ. Ngay từ sớm, tất cả đã tất bật công việc. Anh Thịnh chuyên chẻ tre, còn mọi người mỗi người một việc, như cắt thép buộc, làm khung, cắt giấy, dán hồ…
Phương Thanh (sinh viên năm 3 Trường ĐH học Công nghệ TP.HCM, con gái anh Thịnh) được giao phụ trách công đoạn trang trí cuối cùng. Hàng trăm chiếc lồng đèn giấy kiếng ông sao được nên hình, hoàn thiện.
Đèn lồng giấy kiếng truyền thống vẫn thu hút các em nhỏ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Theo nghề truyền thống của cha ông đã được hơn 30 năm nay, nhưng vợ chồng anh Thịnh phải mở thêm một quầy bún, phở mới đủ nuôi hai con ăn học. "Mình vì xót nghề cha ông nên phải theo, nhưng tính chuyện nối nghiệp cho tụi trẻ sau này thì e khó. Ngồi đau lưng, lời lãi chả bao nhiêu, mỗi năm làm có được 1 -3 tháng thế này thì cũng rất khó níu chân thanh niên" - anh Thịnh nói.
Đến mùa "sáng trăng", ban ngày Hồng Huệ (20 tuổi, ngụ Tân Phú) phụ làm đèn lồng, đêm đi phụ bán quán ốc. Năm nay, chị mang theo con nhỏ chưa đầy hai tuổi đến tiệm để đỡ tiền gửi trẻ. Mỗi ngày, tùy vào lượng hàng khách đặt, Huệ nhận được từ 120.000 đến 200.000 đồng. "Chắt cóp chút ít thì cũng đỡ được tiền trọ tháng, bỉm sữa của con", chị tâm sự.
Hơn 5 năm rời Tiền Giang cùng chồng lên TP.HCM lập nghiệp với nghề bán khoai dạo, chị Nga (35 tuổi) thành thợ làm lồng đèn "bán chuyên". Mỗi dịp Trung thu về, chị Nga lại tìm đến các chủ quen xin phụ làm. Mỗi chiếc đèn lồng hoàn thiện, chị được trả 1.000 đồng.
"Nghe 1.000 đồng thì ít, nhưng sáng đi gửi con rồi bày khoai ra bán, ai mua thì bán, không thì ngồi làm đèn, ngày 200 cái cũng được 200.000 đồng cũng đỡ chứ bộ" - chị Nga nói.
Vừa bán, chị Nga tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập - Ảnh: CÔNG TRIÊU
"Đến Phú Bình, hỏi nhà Phượng làm lồng đèn giấy kiếng, ai cũng biết". Đó là lời giới thiệu của cô Ngọc Phượng (ngụ làng Phú Bình), hộ gia đình làm đèn lồng giấy kiếng lâu năm ở làng này. Trung thu năm nay, nhà cô làm được khoảng trên 7.000 đèn lồng hình chim, gà, cá và bướm.
Theo cô Phượng, đầu mùa trung thu năm nay khách đặt hàng đèn lồng rất ít, mọi người trong làng cũng phải làm cầm chừng. Khi thị trường chạy, khách đặt nhiều thì các hộ gia đình mới dám bung sức ra làm.
"Đầu mùa có ai đặt đâu. Phía bà Hương quận 5 đặt 200 cái. Bà bên quận 10 đặt 500 cái. Thế mà gần cuối mùa, hết dịch COVID-19, người ta hối quá trời" - cô Phượng chia sẻ.
Đèn con gà giấy kiếng truyền thống - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đèn lồng giấy kiếng truyền thống được làm thủ công 100% - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Chồng cô Phượng tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng cuối - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ông Thịnh theo nghề làm đèn lồng truyền thống đã được hơn 30 năm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Hồng Huệ đưa con, cháu đến xưởng làm thêm để tăng thu nhập - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đèn "ông sao"... - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Thương lái đến làng Phú Bình mua hàng tấp nập trong những ngày cận Trung thu - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Một anh tài xế công nghệ vì muốn làm đèn lồng tặng con nên ghé tiệm anh Thịnh mua 2 khung sườn đèn lồng ngôi sao - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Hai bố con cùng vui trung thu - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Những ngày này, phố đèn lồng (Q.5) luôn tấp nập người mua bán, vui chơi - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận