17/01/2020 07:02 GMT+7

Mứt Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Các loại mứt làm từ hoa quả được rao bán rầm rộ trên mạng. Trong đó, nhiều sản phẩm như mứt kiwi, xí muội, nho xanh được quảng cáo hàng ngoại nhập cao cấp, hàng Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc "đội lốt".

Mứt Trung Quốc đội lốt hàng Việt - Ảnh 1.

Người dân chọn mua mứt tết - Ảnh: NG.TRÍ

Các loại mứt này chủ yếu được đóng thành gói 1,5-3kg, hoặc thùng từ 5 đến 30kg tùy loại, được nhập về số lượng lớn và tiêu thụ mạnh thời gian gần đây. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thừa nhận rất khó kiểm soát chất lượng mứt, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm có nhãn mác, có nguồn gốc rõ ràng.

Đà Lạt có mứt kiwi?

Rao bán hàng chục loại mứt trái cây với đủ màu sắc bắt mắt, một trang mạng tại TP.HCM khẳng định "tất cả là hàng Việt Nam". Sản phẩm được bán lẻ theo ký với giá 50.000-95.000 đồng/kg. Riêng mứt kiwi và mứt nho có đến 2 chủng loại với giá thấp nhất 65.000 đồng/kg.

Một số trang mạng cũng rao bán hàng chục loại mứt, được khẳng định là hàng Việt Nam, như kiwi Đà Lạt giá 80.000-95.000 đồng/kg, xí muội và mứt mơ Đà Lạt giá từ 40.000-60.000 đồng/kg tùy loại, mứt nho xanh không hạt Ninh Thuận giá 80.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, hàng Đà Lạt và Ninh Thuận rất hiếm khi có loại này. Bà Minh - tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) - cho biết Đà Lạt không trồng kiwi, và đến thời điểm này, sản phẩm mứt Đà Lạt chỉ mới có các loại như khoai lang, bí, dâu, hồng...

"Kiwi tươi nhập khẩu được bán ra với giá cũng phải 130.000 đồng/kg, mơ Việt Nam có giá 40.000-50.000 đồng/kg, đào 40.000-50.000 đồng/kg. Trong khi đó, để làm ra 1 kg mứt, cần khoảng 2kg hàng tươi, thậm chí hơn. Vì thế, nếu hàng Việt Nam hoặc hàng cao cấp không thể có giá đó", bà Minh khẳng định.

Theo bà Nguyễn Hữu Nhật Kha (chuyên bán hàng đặc sản Ninh Thuận tại TP.HCM), nho xanh Ninh Thuận chủ yếu là giống nho có hạt, giá trung bình 65.000-85.000 đồng/kg. "Ngay tại Ninh Thuận, sản lượng nho xanh cũng không nhiều nên không thể dùng làm mứt với lượng lớn", bà Kha nói.

Chỉ là mứt Trung Quốc "đội lốt"

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một địa chỉ chuyên bán sỉ mứt các loại tại TP.HCM thừa nhận trong 15 loại mứt trái cây được đơn vị này bán ra, có khoảng 9 chủng loại là hàng Trung Quốc. Trong đó, phổ biến nhất là mứt kiwi, đào, xí muội, mơ, chanh non cốm, táo tàu...

Theo vị này, nếu hàng được đóng theo bịch lớn hàng chục ký (hàng xá) có giá bán 25.000-40.000 đồng/kg tùy loại, riêng mứt kiwi 80.000 đồng/kg. Ngược lại, nếu hàng có nhãn mác và đóng 1,5-2kg/bịch, giá bán cao gần gấp đôi. Tuy vậy, theo vị này, do nhu cầu tăng nên giá các sản phẩm này cũng đã tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với hơn một tháng trước.

Đặc biệt, các sản phẩm giá rẻ đã "cháy hàng", chủ yếu được các đầu mối từ các địa phương đến lấy để đưa về tiêu thụ. "Mứt Trung Quốc trôi nổi, không bao bì nên giá rẻ hơn nhiều. Tuy vậy, do tâm lý e ngại với hàng Trung Quốc nên nhiều người bán giới thiệu đây là sản phẩm Việt Nam hoặc sản phẩm nhập khẩu kiểu chung chung chứ không thừa nhận đó là hàng Trung Quốc", vị này khẳng định.

Tương tự, theo một đầu mối chuyên nhập khẩu mứt tại Q.1, ngoài giá "bao rẻ", mứt dưới dạng hàng xá của Trung Quốc được nhiều khách hàng ưa chuộng nhờ chủng loại đa dạng với hơn 20 loại, màu sắc đẹp. 

"Hơn tuần qua, cửa hàng bán hơn 500kg mứt Trung Quốc, tăng gấp 5 lần ngày thường. Giờ đơn vị chỉ đủ mứt bán theo khay với 30.000-60.000 đồng/khay tùy loại, không bán sỉ theo ký nữa", vị này cho biết.

Trong đó, các gian hàng mứt tại chợ An Đông (Q.5), Bến Thành (Q.1) cũng đã nhộn nhịp hơn hẳn nhờ lượng khách bắt đầu đi mua hàng tết. Theo các tiểu thương, tiêu thụ mạnh nhất vẫn là mứt dừa (giá 80.000 - 100.000 đồng/kg), mứt gừng (100.000-120.000 đồng/kg), chưa kể các loại mứt hồng, mứt bí và mứt trái cây... Phần lớn các loại mức này đều được đựng vào một bịch khá lớn trong tình trạng "3 không": không bao bì, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ.

Nguy cơ mất an toàn từ mứt có màu lòe loẹt

Theo BS Trần Thị Minh Hạnh - trưởng khoa dinh dưỡng & tiết chế Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP.HCM), mứt nằm trong nhóm thực phẩm nguy cơ mất an toàn cao do việc tạo độ dai giòn và tạo màu. Do đó, người tiêu dùng không nên chọn các sản phẩm mứt có màu đậm.

"Những sản phẩm có màu đậm, lòe loẹt có nguy cơ dùng các phụ gia cấm sử dụng trong thực phẩm hoặc dùng phụ gia cho phép nhưng liều lượng vượt ngưỡng quy định. Tốt nhất nên dùng sản phẩm có màu tự nhiên", bà Hạnh khuyến cáo.

Khó kiểm soát chất lượng mứt

Theo ông Vũ Dương Lâm - phó ban quản lý chợ An Đông, chỉ những mặt hàng có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm mới được phép kinh doanh tại chợ này. Tuy vậy, ông Lâm thừa nhận rất khó kiểm soát chất lượng mặt hàng mứt do sản phẩm này được đựng trong bao lớn trước khi được tiểu thương chia nhỏ ra để bán nên không có nhãn hiệu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - cho biết nếu mứt Trung Quốc được nhập về và bán đúng quy định thì phải chấp nhận. "Việc kinh doanh mứt trên mạng khó quản lý. Người dân cần chọn mứt có tem nhãn rõ ràng" - ông Linh cho biết, đồng thời khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm tra mặt hàng này tại các khu chợ sỉ ở TP.HCM và các làng nghề, khu phố chuyên kinh doanh mặt hàng này ở Hà Nội.

Doanh nghiệp Trung Quốc vào tầm ngắm gian lận xuất xứ hàng Việt Nam Doanh nghiệp Trung Quốc vào tầm ngắm gian lận xuất xứ hàng Việt Nam

TTO - Nhiều doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc có vốn Trung Quốc đã nhập khẩu linh kiện rồi lắp ráp đơn giản thành hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ để hưởng ưu đãi thuế.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên