Vì trong vụ này có việc tham mưu, thỏa thuận, cấp phép xây dựng trước đây cho Mường Thanh Khánh Hòa xây “vượt trần” trái quy định pháp luật đều được tỉnh cho làm. Hay khi Mường Thanh vi phạm lấn chiếm đất vượt diện tích ngoài dự án hơn cả ngàn mét vuông thì tỉnh cũng không xử lý.
Ngược lại, đại diện tỉnh Khánh Hòa còn cùng với đại diện Mường Thanh ra trung ương xin cho xây lên trên 40 tầng. Và hiện nay, lãnh đạo tỉnh lại còn đang xin Thủ tướng để điều chỉnh “xóa trần” quy hoạch TP Nha Trang. Như vậy, có thể nói là đã có hiện tượng “thông nhau” rồi.
Nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh quy hoạch, “xóa trần” xây dựng TP Nha Trang như tỉnh đang đề xuất thì coi như Mường Thanh và một số dự án đã được chấp thuận cho xây vượt trần trái quy hoạch, trái pháp luật đều sẽ được “lọt lưới”.
Theo tôi, đối với các tầng đã xây “vượt trần” phải được xử lý kiên quyết. Luật pháp không cho phép và UBND tỉnh Khánh Hòa không thể “vượt quyền” Thủ tướng Chính phủ trong việc cho “vượt trần”.
Còn trường hợp các tầng đã lỡ cho xây “vượt trần” và Mường Thanh đã xây hoàn chỉnh, bán cho người dân rồi thì sao? (như chỗ khách sạn, căn hộ Mường Thanh Centre ở 60 Trần Phú, TP Nha Trang).
Nếu tỉnh “xin” và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tồn tại như một dạng “cá biệt” thì cũng phải xử lý, thu hồi toàn bộ số tiền đã bán các căn hộ đó để sung công quỹ, đầu tư cho hạ tầng phục vụ cộng đồng.
Bởi vì đó là tiền làm trái quy định pháp luật mà có.
Phương án đúng nhất, theo tôi, là bắt buộc tháo dỡ theo đúng quy định, chỉ được 40 tầng, để giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Nếu việc phá dỡ hoặc việc thu hồi tiền bán các căn hộ “vượt trần” mà doanh nghiệp bị thiệt hại (do làm theo giấy phép đã cấp trái quy định pháp luật) thì doanh nghiệp có thể kiện ra tòa để giải quyết.
Cả ông “cho” lẫn ông “xin” đều phải chịu trách nhiệm về việc “xin - cho” trái pháp luật đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận