28/08/2017 09:42 GMT+7

Mường La gượng dậy sau lũ

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Hơn ba tuần trôi qua sau trận lũ dữ lịch sử đêm 2-8, chính quyền huyện Mường La và bà con nơi đây vẫn từng ngày khắc phục hậu quả, bắt đầu lại cuộc sống mới.

Gia đình chị Tòng Thị Quán (bản Hốc) được ưu tiên lên ở nơi tái định cư sớm nhất. Trong nhà, chồng chị là anh Cà Văn Hưởng bị lũ cuốn trôi trong cơn lũ dữ, đến nay vẫn chưa tìm thấy - Ảnh: HÀ THANH
Gia đình chị Tòng Thị Quán (bản Hốc) được ưu tiên lên ở nơi tái định cư sớm nhất. Chồng chị là anh Cà Văn Hưởng bị lũ cuốn trôi trong cơn lũ dữ, đến nay vẫn chưa tìm thấy - Ảnh: HÀ THANH

Con đường tỉnh lộ 109 bị nước lũ làm hư hỏng đang phải thay thế bằng con đường đất. Trạm, trường, nhà ở đều được lắp ghép tạm, song bà con Mường La vẫn cùng nhau gượng dậy, tái thiết cuộc sống.

Làm lại từ đầu

Ông Nguyễn Thành Công - bí thư Huyện ủy Mường La - cho biết chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục thiệt hại sau lũ, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Đặc biệt lập 6 điểm tái định cư mới và mời các chuyên gia Viện Địa chất, Viện Thủy lợi đánh giá, xác định phạm vi 6 điểm tái định cư mới không nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trước mắt, dựng nhà lắp ghép cho dân với diện tích 42m2, bó nền xung quanh với kinh phí 70 triệu đồng, bố trí hai giường đôi bằng sắt cho bà con và mỗi nhà có một téc nước sạch.

Đồng thời lập kế hoạch, hỗ trợ giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi da xanh, sơn tra, xoài, nhãn, cỏ chăn nuôi gia súc, sắp tới cố gắng hỗ trợ mỗi hộ bị thiệt hại một con bò, hai con dê.

Tại điểm tái định cư bản Hốc, dự kiến có 57 hộ dân có nhà bị mất sẽ chuyển về sinh sống. Hiện huyện Mường La đã dựng 10 ngôi nhà lắp ghép cho bà con, ưu tiên các gia đình có người chết và mất tích.

Bên cạnh nhà lắp ghép, chính quyền cũng triển khai phương án xây trường học lắp ghép cho điểm Trường tiểu học Nặm Păm bị xã cuốn trôi và đã xây dựng xong nhà lắp ghép y tế xã Nặm Păm.

Bác sĩ Lò Văn Lán - trưởng trạm trạm y tế xã Nặm Păm - cho biết sau lũ xuất hiện bệnh cảm, sốt, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ...

Trung tâm đã huy động cán bộ y tế cắm bản, trực tiếp điều trị cho nhân dân bị bệnh, tuyên truyền vệ sinh môi trường... nên dịch bệnh sau lũ đã giảm so với trước đó.

Hiện trạm y tế xã tạm ổn định chỗ ở nhà lắp ghép, có thể tiếp tục khám chữa bệnh cho bà con.

Đây là diện tích đất đồi tái định cư của 57 hộ dân bản Hốc bị cuốn trôi nhà cửa sau cơn lũ dữ. Chính quyền huyện triển khai nhanh phương án xây dựng nhà lắp ghép cho bà con - Ảnh: HÀ THANH
Diện tích đất đồi tái định cư của 57 hộ dân bản Hốc bị cuốn trôi nhà cửa sau cơn lũ dữ. Chính quyền huyện triển khai nhanh phương án xây dựng nhà lắp ghép cho bà con - Ảnh: HÀ THANH
Mỗi ngôi nhà lắp ghép có diện tích 42m2 bằng khung thép, mái lợp tôn có trần chống nóng - Ảnh: HÀ THANH
Mỗi ngôi nhà lắp ghép có diện tích 42m2 bằng khung thép, mái lợp tôn có trần chống nóng - Ảnh: HÀ THANH
Bác sĩ Lò Văn Lán, trưởng trạm Trạm y tế xã Nặm Păm đang kiểm tra lại số thuốc được cấp phát. Sau lũ trạm y tế xã bị cuốn trôi hoàn toàn, hiện đã dựng tạm nhà lắp ghép y tế để chăm lo sức khỏe cho bà con ngay tại trung tâm xã - Ảnh: HÀ THANH
Bác sĩ Lò Văn Lán, trưởng Trạm y tế xã Nặm Păm, kiểm tra lại số thuốc được cấp phát. Sau lũ trạm y tế xã bị cuốn trôi hoàn toàn, hiện đã dựng tạm nhà lắp ghép y tế để chăm lo sức khỏe cho bà con ngay trung tâm xã - Ảnh: HÀ THANH

"Mình phải tiếp tục sống"

May mắn được bốc thăm đầu tiên, ông Quàng Văn Yên (40 tuổi, bản Hốc) đưa vợ con và bố già yếu lên sinh sống và cho cháu lên ở nhờ. 

“Lũ cuốn trôi nhà, mất hết trâu bò, may mắn người thoát ra được. Nay Nhà nước làm nhà cho mình, cho hàng xóm nên mình thấy đỡ buồn. Có nhà, có đất rồi anh em sẽ tập trung hết sức mạnh để phát triển kinh tế như cũ. Mình tin 8 - 10 năm nữa sẽ hồi phục được cuộc sống như trước”, ông Yên bày tỏ.

Ông Yên cũng khẳng định đã có nhà, có đất nên sẽ vận động con cháu đi học, không được bỏ học mà phải cùng nhau vượt qua khó khăn.

Với số tiền hỗ trợ trước mắt 20 triệu đồng, ông đã mua một con bò, mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng mua con trâu để bắt tay làm lại từ đầu. Với diện tích nương ngô còn lại, ông chuyển đổi sang trồng cây bưởi, mận hậu, cây nhãn.

Gia đình chị Tòng Thị Quán (23 tuổi, bản Hốc) được ưu tiên lên chỗ tái định cư mới để sinh sống. Chồng mất tích trong cơn lũ dữ để lại một mình chị và hai đứa con thơ dại, cuộc sống vô cùng khó khăn.

“Mình ôm con chạy ra trước, chồng chạy sau nhưng nước lên nhiều rồi, chạy không kịp nên bị trôi theo nhà. Chồng mất tích, mình buồn không muốn sống nữa, nhưng phải nghĩ cho hai đứa con. Nay Nhà nước dựng tạm nhà cho ở rồi, mình phải tiếp tục sống” - chị Quán trải lòng.

Trước mắt gần như hoàn thành xong 10 nhà lắp ghép. Đây là những hộ dân mất nhà được bốc thăm lên sống ở nơi tái định cư đầu tiên - Ảnh: HÀ THANH
Trước mắt gần như hoàn thành xong 10 nhà lắp ghép. Đây là những hộ dân mất nhà được bốc thăm lên sống ở nơi tái định cư đầu tiên - Ảnh: HÀ THANH
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, chính quyền huyện còn trao cho mỗi hộ gia đình một téc nước sạch để sử dụng - Ảnh: HÀ THANH
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, chính quyền huyện còn trao cho mỗi hộ gia đình một téc nước sạch để sử dụng - Ảnh: HÀ THANH
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên