25/08/2012 07:47 GMT+7

Mương không tưới được ruộng

DANH LÊ
DANH LÊ

TT - Sau gần 10 năm chờ đợi, khi công trình thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh (Phú Yên) hoàn thành thì người dân lại thất vọng bởi hệ thống mương nằm sâu dưới mặt ruộng nên không cấp nước được.

D52vZyWb.jpgPhóng to

Mương nước quá thấp không thể tưới ruộng được - Ảnh: Danh Lê

Dự án này do Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) thiết kế. Sau khi thi công hệ thống kênh chính tây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao hệ thống kênh nhánh (mương nội đồng) cho UBND huyện Sông Hinh làm chủ đầu tư, với 51 tuyến, tổng chiều dài 21km, tưới cho hơn 1.000ha đất nông nghiệp, vốn đầu tư 15 tỉ đồng.

Mương tưới thành... mương thoát

Ông Nguyễn Thái Hưng - phó chủ tịch UBND xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) - cho biết khi mới triển khai thi công, người dân đã thấy những điểm bất hợp lý và kiến nghị lên UBND xã Sơn Giang, xã đã có ý kiến với huyện nhưng dự án vẫn cứ triển khai. Đến tháng 7-2012, khi công trình được đưa vào sử dụng thì mương nằm sâu dưới mặt ruộng. Trong sáu gói thầu chỉ có gói thầu số 6 tưới được cho khoảng 70ha, còn lại gần như không phát huy tác dụng. “Không chỉ không cấp được nước tưới, cách làm mương âm sâu dưới mặt ruộng rất dễ xảy ra tình trạng bồi lấp, xói lở khi mưa lớn xảy ra” - ông Hưng lo lắng.

Tại khu vực thôn Lộc Giang, tuyến kênh T42 đầu tư hơn 1 tỉ đồng nhưng chỉ tưới được cho diện tích khoảng 3.000m2, cuối tuyến nước đổ thẳng ra suối và gây ngập úng. Các tuyến mương T1, T20-3, T20-5, T32-6 thì trong cảnh mương nằm dưới sâu, mặt ruộng trên cao. “Làm mương kiểu này không phải là mương tưới mà là mương thoát nước ra suối” - ông Trần Văn Phương, xã Sơn Giang, bức xúc.

Không hỏi ý kiến người dân

Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân thôn Phước Giang, cho rằng: “Lẽ ra khi thiết kế, Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 phải lấy ý kiến của nhân dân và chính quyền trong vùng hưởng lợi dự án, tuy nhiên họ đã không làm vậy. Khi tiếp nhận dự án này, huyện Sông Hinh cũng không điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong thiết kế dẫn đến công trình thi công xong không phát huy tác dụng, gây lãng phí”.

Giải thích về điều này, ông Phạm Văn Hải - trưởng Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Sông Hinh, đơn vị được giao trực tiếp quản lý và triển khai dự án xây dựng 51 tuyến kênh nội đồng - cho biết thiết kế là do Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 làm trước đó nên khi triển khai không sửa được. “Hiện nay khi đưa vào sử dụng thấy bất cập, chúng tôi đang phối hợp với UBND xã đánh giá lại hiệu quả từng tuyến và kiến nghị các biện pháp khắc phục” - ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Cao Kim Bái - phó Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 - cho rằng công trình này được thuê tư vấn thiết kế, nhưng do tuyến kênh mương quá nhỏ lại đi qua nhiều vùng đất đồi dốc nên việc thiết kế chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, trong quyết định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bàn giao gói thầu kênh mương nội đồng cho UBND huyện Sông Hinh làm chủ đầu tư có nói rõ: “Trong quá trình thi công, nếu những tuyến kênh nào trong thiết kế chưa phù hợp về cao trình thì huyện kiến nghị điều chỉnh trong phạm vi nguồn vốn 18 tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bàn giao”. “Chủ đầu tư là UBND huyện Sông Hinh khi triển khai công trình phải có trách nhiệm trong vấn đề này để công trình phát huy tác dụng. Để thi công xong mà công trình không hiệu quả thì trách nhiệm điều chỉnh thuộc về chủ đầu tư là huyện Sông Hinh” - ông Bái khẳng định.

Ông Lê Tấn Hổ - bí thư Huyện ủy Sông Hinh - cho biết đã có văn bản chỉ đạo Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Sông Hinh phối hợp với địa phương rà soát các tuyến kênh mương để đánh giá lại năng lực tưới của từng tuyến, đồng thời nghiên cứu lại phương án thiết kế để các tuyến mương đảm bảo cung cấp nước tưới cho khắp các cánh đồng.

DANH LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên