27/10/2021 19:51 GMT+7

Muốn vác ba lô lên đường, lại... bỏ xuống vì muôn vàn trở ngại

DƯƠNG QUÁN HẠ
DƯƠNG QUÁN HẠ

TTO - Mong muốn được lên Đà Lạt uống cà phê, check in ở những nơi lãng mạn, ăn những món ngon trước đây quá dễ dàng thì bây giờ khó khăn và xa xôi quá.

Muốn vác ba lô lên đường, lại... bỏ xuống vì muôn vàn trở ngại - Ảnh 1.

Giai đoạn hiện tại, đi du lịch chưa hề dễ dàng

Tôi đã trải qua 5 tháng liên tục gần như chỉ quanh quẩn trong nhà, ra vào với bốn bức tường. 150 ngày chưa nhìn thấy sân bay, không được nghe tiếng loa quen thuộc của hãng hàng không gọi hành khách boarding.

Sau những tháng ngày bị trói chân, có lẽ chưa khi nào mong muốn được lên đường, được đi chơi lại trở nên mãnh liệt hơn thế.

Ba lô đã sẵn sàng, tâm thế còn sẵn sàng hơn, nhưng khi bắt đầu lên kế hoạch, đặt vé, liên hệ khách sạn, tôi thấy có quá nhiều trở ngại khiến việc đi du lịch lúc này quá khó khăn, gần như bất khả thi.

Vé máy bay đắt đỏ và thủ tục lằng nhằng

Vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội đã lên cao tới mức ngạc nhiên, từ 2,5 - 3,7 triệu đồng/ chiều, vé khứ hồi sẽ có giá khoảng 5 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, để lên được máy bay thì tôi còn phải có kết quả âm tính với COVID-19 (lại phát sinh thêm chi phí), ký cam kết, khai báo y tế, thậm chí một số nơi còn yêu cầu giấy xác nhận của địa phương đồng ý cho vào.

Muốn vác ba lô lên đường, lại... bỏ xuống vì muôn vàn trở ngại - Ảnh 2.

Xe cộ chưa thông

Xe khách liên tỉnh đã được phép chạy lại ở một số tuyến nhưng yêu cầu về giãn cách ghế ngồi, các nhà xe không được chạy toàn bộ công suất, cộng thêm mỗi địa phương lại yêu cầu một kiểu nên số lượng xe chạy rất ít.

Một vài tỉnh như Lâm Đồng, Gia Lai, Tuyên Quang… chưa cho phép xe khách chạy lại. Tôi ở TP.HCM, muốn đi Đà Lạt chơi lắm nhưng vé máy bay quá đắt, lại không được đi xe khách. Tôi bắt buộc phải đi theo tour của một số công ty tour với chi phí khá cao và chương trình đã được định sẵn. Mong muốn được lên Đà Lạt uống cà phê, check in ở những nơi lãng mạn, ăn những món ngon trước đây quá dễ dàng thì bây giờ khó khăn và xa xôi quá.

Nhiều khách sạn chưa mở lại

Mặc dù đã chấp nhận việc vé máy bay đắt, phải đi xe riêng, phải test nhanh COVID-19, nhưng ngày 25-10, khi liên hệ để đặt phòng một số khách sạn, nhà nghỉ, homestay quen ở Đà Lạt, tôi đều nhận được câu trả lời: "Rất xin lỗi bạn, chúng tôi chưa mở cửa. Bạn vui lòng chờ đến khi có quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền".

Đi chơi nhưng không có chỗ ở thì khách du lịch phải xoay xở như thế nào? Không phải ai cũng có điều kiện và sức khỏe để có thể mang lều trại đi và cắm trại ở các khu vực công cộng. Ví dụ đơn giản là nếu bạn ở TP.HCM và muốn đi Vũng Tàu chơi thì cũng chỉ được sáng đi tối về, vì không có khách sạn để ngủ lại qua đêm.

Quán xá đóng cửa

Khi tôi đi chơi, ngoài việc thưởng thức cảnh đẹp, thưởng thức ẩm thực địa phương là một phần không thể thiếu. Tuy nhiên, không chỉ TP.HCM chưa cho các hàng quán phục vụ tại chỗ, mà gần như các địa phương nổi tiếng về du lịch trong nước đều như vậy. Nếu muốn ăn uống thì phải mua về.

Đi chơi mà không được thưởng thức đặc sản địa phương, không được cùng bạn bè quây quần nói chuyện rôm rả trong quán xá, phải xách túi đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh ngồi trên xe vì khách sạn cũng không có mà ở, thì tôi sẽ chọn việc ở nhà thay vì đi chơi mà khổ sở như vậy.

Dịch COVID-19 đã thay đổi toàn bộ thói quen, xu hướng du lịch. Rồi chúng ta cũng sẽ phải thích nghi với những điều kiện an toàn mới. Hy vọng các khó khăn trở ngại về giao thông, lưu trú sẽ sớm trở lại bình thường và thông suốt để tôi có thể xách ba lô lên đi bất cứ lúc nào.

Mục tiêu hàng đầu của người Việt khi du lịch sau đại dịch là... ẩm thực Mục tiêu hàng đầu của người Việt khi du lịch sau đại dịch là... ẩm thực

TTO - Mặc dù đặt nhu cầu đảm bảo an toàn lên hàng đầu, du khách Việt vẫn e ngại việc tuân thủ những quy định quản lý an toàn nghiêm ngặt có thể ngăn cản họ tận hưởng chuyến đi của mình một cách trọn vẹn.

DƯƠNG QUÁN HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên