"Muốn trị quan nhỏ, trước hết phải trị quan to"

TTCT 01/05/2004 20:05 GMT+7

TTCN - Là vụ trưởng làm việc tại bộ phận thường trực Trung ương 6 (lần 2), tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy có nhiều duyên nợ với các đề án nghiên cứu về tham nhũng. Sau hai cuộc khảo sát mới đây về chống tham nhũng tại Trung Quốc và Thái Lan, ông đã dành cho TTCN một cuộc trò chuyện cởi mở.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy

* Mấy năm qua, Trung Quốc được đánh giá đã tích cực tìm nguyên nhân và xử lý tận gốc các nguyên nhân tham nhũng, có những bước cải cách thể chế quan trọng, xóa bỏ dần các môi trường phát sinh tham nhũng. Việt Nam rút ra được gì từ những kinh nghiệm chống tham nhũng này?

- Đúng ra không phải bây giờ Trung Quốc mới quan tâm nhiều đến chống tham nhũng. Thời kỳ đầu, ông Đặng Tiểu Bình chủ trương “dùng luật trị nước” đã thể hiện rõ sự quan tâm lớn đến nhiệm vụ này, nhưng “dùng luật trị nước” theo kiểu phương Tây cũng không hiệu quả. 

Các nước phương Tây vốn có hiến pháp từ rất lâu đời, trên cơ sở đó hệ thống pháp luật của họ cứ thế hoàn chỉnh và dân tự giác tuân theo. Khi thực thi, ông Giang Trạch Dân thấy rằng “dùng luật trị nước” chưa đủ, phải bổ sung “ba giảng - ba chú trọng” (giảng học tập, giảng chính trị, giảng chính khí)… Họ cũng nhận thấy nếu chưa chú trọng giáo dục đạo đức thì sẽ không bao giờ thành công, lúc ấy mới bắt đầu đưa ra khái niệm “đức trị” song song với “pháp trị” và thực hành tư tưởng “ba đại diện”. 

Đối với tham nhũng, Trung Quốc trừng trị rất mạnh. Người ta cũng đặt ra chuyện kê khai tài sản, người dân giám sát… nhưng thực tế vẫn loanh quanh ở phần “ngọn”. Tuy nhiên “ngọn” hay “gốc” ở đây còn được hiểu là phần “nổi” và phần “chìm” của tham nhũng...     

 * Năm 2002, số tiền những cán bộ lãnh đạo ở Trung Quốc tham nhũng là 850 tỉ nhân dân tệ, chiếm 10% GDP, vượt gấp đôi GDP của Trung Quốc trong thập kỷ 1960.

* Tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay có thể làm giảm 0,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm. 

* Theo số liệu chưa đầy đủ, hằng năm cán bộ, đảng viên dùng tiền nhà nước ăn chơi xa xỉ mất 200 tỉ nhân dân tệ, trong đó riêng tiền massage của các quan chức cũng lên tới trên 100 tỉ nhân dân tệ.

Nguồn: Tham luận tại cuộc tọa đàm về một số kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc tại Hà Nội, tháng 4-2004


* Việc Trung Quốc tập trung hình thành các “trung tâm quốc gia” như trung tâm mua sắm, trung tâm đấu thầu… giúp gì trong nỗ lực xóa bỏ các môi trường phát sinh tham nhũng? 

- Đó là một trong những bước tiến tới xóa bỏ môi trường phát sinh tham nhũng. Các trung tâm này sẽ xem xét việc đầu tư có cần thiết hay không, đầu tư như thế nào, đấu thầu ra sao… Nhưng vì thành lập và hoạt động chưa lâu, hiệu quả của các trung tâm này chúng tôi chưa rõ. 

Đối với VN, tôi e tiêu cực sẽ có thể bắt đầu ngay từ các trung tâm này. Lại sinh thêm một anh “độc quyền”, cái gì “tôi” làm cũng phải trình “anh”. Đúng, trung tâm này ra đời có mặt tốt là sẽ hạn chế tình trạng lộn xộn, mạnh ai nấy làm, nhưng cuối cùng nó sẽ dẫn đến một kiểu độc quyền, đúng hơn là một dạng “siêu quyền”, “siêu bộ”… Theo tôi, những mô hình này cũng đáng nghiên cứu, nhưng phải nghiên cứu  đồng bộ, bởi vì đã thành lập các trung tâm như thế có vẻ giống như các sở kế hoạch đầu tư của ta hiện nay – nếu không cẩn thận thì tiêu cực lại chính từ đây mà ra.   

* Những năm qua Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản pháp luật qui định rất cụ thể, chi tiết nhằm hạn chế cán bộ, công chức cửa quyền, nhũng nhiễu dân...    

- Trung Quốc có tới cả ngàn luật và luật nào cũng rất chi tiết, cụ thể. Trong khi đó, luật của VN mình ra rất chậm, có người nhận xét VN muốn “dùng luật trị nước” có lẽ phải mấy chục năm sau. Trung Quốc sở dĩ làm nhanh có lẽ vì họ rất quan tâm việc này; hơn nữa họ chú ý tới việc học tập các nước, kể cả Mỹ, từ đó kế thừa và đổi mới một cách uyển chuyển. Các học thuyết đưa ra nếu thấy chưa ổn lại tiếp tục bổ sung...

Mấy năm nay, chúng ta cũng có 19 điều qui định đảng viên không được làm, thế nhưng theo dõi, kiểm soát việc thực hiện cũng đã khó. Trung Quốc vừa qua đưa ra điều lệ giám sát nội bộ của Đảng với 47 điều chi tiết. Ngoài ra còn có 178 điều trong điều lệ xử lý kỷ luật của Đảng. Như vậy cho thấy công tác xây dựng và thể chế luật pháp của Đảng, Nhà nước Trung Quốc rất nhanh, rất cụ thể. 

* Một lãnh đạo Trung Quốc từng nhận định “dù luật có hoàn chỉnh, nếu con người không có thói quen tôn trọng pháp luật, sống theo pháp luật thì cũng không kiềm chế được tham nhũng”.   

- Đúng là luật pháp chỉ như một bức tường, nếu vượt qua là phạm pháp, nhưng không phải không có người vượt qua. Vấn đề ở đây, theo tôi, chính là giáo dục con người. Một giáo viên tốt sẽ không vòi tiền của học sinh. Một anh cảnh sát giao thông tốt dứt khoát không lấy tiền mãi lộ. Nếu chỉ dựa vào luật pháp mà không chú ý đến việc dạy con người phải tuân theo luật pháp, phải xấu hổ khi vượt ra khỏi bức tường đạo đức, như vậy là chưa thành công. Khi tiến hành đổi mới, nhiều người ấu trĩ cho rằng cơ chế thị trường và lợi ích sẽ tự điều tiết đạo đức. Thực tế không như vậy!  

* Quan điểm chống tham nhũng của Trung Quốc đề cao vấn đề “quan đức” (đạo đức cán bộ). Điều này được cụ thể hóa như thế nào trong các giải pháp chống tham nhũng mà Trung Quốc đang thực hiện?

- Ông Giang Trạch Dân nhấn mạnh “pháp luật và đạo đức là hai bộ phận quan trọng bảo vệ trật tự xã hội và qui phạm tư tưởng, hành vi của con người”. Rồi “nắm hai tay, hai tay đều phải rắn”, tay pháp luật và tay đạo đức. “Lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa”, pháp trị chỉ là những biện pháp tức thời trực tiếp, còn lâu dài và bền vững phải là đức trị. “Lấy pháp trị thân, lấy đức trị tâm”, bản thân những con người cụ thể, những tổ chức cụ thể phải lấy pháp để trị mới hiệu quả, còn cái nền tảng, cái quan trọng là tâm của nó thế nào thì phải dùng đức.      

“Quan đức” - phẩm chất của người làm quan - được xem là giữ vị trí chủ đạo trong chất lượng hệ thống tổ chức xã hội. Lãnh đạo Trung Quốc chủ trương “trị dân trước hết phải trị quan, muốn trị quan nhỏ trước hết phải trị quan to, quan đứng đầu”. Đây là những quan điểm rất hay, đáng để học tập.

Để giữ gìn “quan đức”, Trung Quốc yêu cầu đảng viên phải kê khai tài sản, chịu sự giám sát của tổ chức đảng và quần chúng, xây dựng chế độ liêm chính… Điều quan trọng là họ làm rất mạnh, rất cụ thể, có cơ chế duy trì kết quả, gần giống như quan điểm “bốn không” của Singapore (làm cho quan chức nhà nước “không dám”, “không thể”, “không cần” và “không muốn” tham nhũng). 

* Trung Quốc đề ra việc kê khai, kiểm tra tài sản, kinh tế trước khi cán bộ nghỉ hưu hoặc chuyển vị trí công tác, đặc biệt không giải trình được nguồn gốc tài sản cũng bị coi là vi phạm và bị xử lý. Điều này có khả thi đối với VN? 

- Không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Thái Lan, rồi nhiều nước cũng thực hiện kê khai như vậy. Ở ta mặc dù đã có qui định nhưng nhiều nơi vẫn có người chưa hiểu kê khai tài sản để làm gì, có tác dụng gì. Thực chất anh cứ tự giác kê khai đi, tôi lưu vào hồ sơ. Chỉ có hai trường hợp xảy ra: nếu anh kê khai đúng và tài sản chính đáng thì tốt, không nói làm gì, nhưng nếu kê khai sai hoặc ít đi, nay mai nhân dân phát hiện không phải như thế, có nghĩa là anh khai gian và anh “bị” rồi. Khi anh giàu có đột biến, có thể giải trình là do “ăn nên làm ra” mà có. Vậy họ sẽ yêu cầu anh giải trình “ăn nên làm ra” thế nào mà lại có thêm số tài sản ấy, lúc đó nếu không giải trình được thì anh cũng “chết”. 

Rõ ràng kê khai tài sản nhà đất là rất có tác dụng và cần thiết. Trung Quốc mới thực hiện vài năm gần đây; đồng thời cũng nhấn mạnh trường hợp không giải thích được số tài sản phát sinh, chỉ có thể có khả năng: hoặc là anh làm ăn bất chính (như buôn gian bán lận, buôn bán ma túy chẳng hạn), hoặc giàu lên nhờ chức vụ, nhờ tham nhũng… và sẽ bị xử lý.

* Ông vừa nói “bức tường” luật pháp vẫn có người muốn vượt qua, muốn “xé rào” để trục lợi. Có cách nào để họ không thể vượt qua được?   

- Cán bộ tham nhũng có thể phân thành hai loại: loại thừa hành như công an, kiểm sát, cán bộ thu thuế… tuy tham nhũng tràn lan nhưng chưa phải là lớn; quan trọng hơn cả là những cán bộ tham mưu. Tham mưu một chủ trương có thể ảnh hưởng đến cả một tỉnh, một khu vực, một quốc gia, chẳng hạn tham mưu điều chỉnh giá có thể ảnh hưởng tới thị trường cả nước. 

Hai lĩnh vực tham mưu quan trọng nhất, theo tôi, là tham mưu về chủ trương đường lối, chính sách kinh tế và tham mưu về công tác cán bộ. Trung Quốc chủ trương “cứu cán bộ trước khi họ phạm tội”. Một cán bộ ở vị trí có nguy cơ dễ phát sinh tham nhũng thì luân chuyển. Việc luân chuyển được tiến hành thường xuyên, bình thường, không thể một ông vụ trưởng tổ chức cứ mãi ở ghế vụ trưởng, một ông cục trưởng cục thuế cứ mãi là lãnh đạo cục thuế… Cứu cán bộ, tôi cho đó cũng là một trong những cách bảo vệ cán bộ. Ai chẳng có “mụn”, điều quan trọng là đừng để cái “mụn” đó trở thành “ung thư”. Trung Quốc vừa qua đã làm khá tốt điều này. 

* Một trong những đặc trưng của tham nhũng được các chuyên gia Trung Quốc đúc kết  là “chợ đen quyền lực, bán quan có giá”. Còn ở VN, dư luận kêu ca nhiều về nạn “bốn chạy”, trong đó có chạy chức, chạy quyền. Có vụ nào thật sự đã được phát hiện, xử lý?

- Việc chạy chức, quyền ở Trung Quốc thật sự là có thì họ mới nhận định như vậy, tuy nhiên chạy như thế nào thì cũng chưa có những con số cụ thể. Dân gian gọi là “đi đêm” giống như trong đánh bài tam cúc, mà đã “đi đêm” thì không phát hiện được. 

* Một trong những kênh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng rất quan trọng là dựa vào nhân dân, tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát cán bộ đảng viên. Thế nhưng để người dân thật sự có thể giám sát, phát hiện sai phạm của cán bộ  lại là cả một vấn đề xem ra rất khó?

- Chúng tôi đang xây dựng đề án dựa vào nhân dân, phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và các địa phương xây dựng một cơ chế để người dân có thể tham gia giám sát tham nhũng. Chúng tôi đã và sẽ có các đoàn đi khảo sát tại các địa phương, cơ sở để có những cơ chế khả thi. Từ nay đến tháng 8-2004, chúng tôi sẽ có kết quả tổng hợp bước đầu. Theo tôi, có thể xem đây là một biện pháp đột phá, khắc phục sự trì trệ trong công tác tự phê bình và phê bình. Nếu không, sẽ không biết dựa vào đâu...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận