Danh sách thủ phạm dài dằng dặc: stress, bệnh lý thực thể (khớp, tim mạch, dạ dày...), tâm thần (trầm cảm, lo âu, sa sút trí tuệ…), sinh lý (mãn kinh, mãn dục…), rối loạn nhịp sinh học, lạm dụng thuốc kích thích, tác dụng phụ thuốc men… Trong đó, “có sừng có mỏ” vượt thời gian vẫn là stress. Đây cũng là nguyên do khiến mất ngủ đang được trẻ hóa với tốc độ phi mã.
Mất ngủ: vãng lai và kinh niên
Cần phân biệt mất ngủ vãng lai- từ một cú stress thi cử, thăng chức, lạ nơi lạ chỗ, hàng xóm tra tấn karaoke- với chứng mất ngủ kinh niên. Phân định chủ yếu qua thời gian (dưới và trên 4 tuần), có hay không liên quan đến các chứng bệnh kể trên.
Chẩn đoán mất ngủ cần căn cứ vào nhiều đặc điểm nhận dạng, chứ không khơi khơi dựa vào vài ba lần trằn trọc. Cơ bản các chỉ điểm là: khó ngủ (trên 30 phút mới vào giấc được), chập chờn hay choàng tỉnh giữa đêm, thức giấc sớm (thường trước 5 giờ sáng) và không ngủ lại được, ngủ dậy cảm thấy mệt mỏi, uể oải; hoặc “kịch sàn” khi người bệnh nhắm mắt để đó suốt đêm.
Muôn hình vạn trạng lý do
- Màn hình ánh sáng xanh theo chân “cách mạng 4.0” là đám lính mới gây mất ngủ, đặc biệt với giới trẻ.
- Tiểu đêm gây mất ngủ theo kiểu cơ học nhất, nhưng lại là khổ nạn của người gìa, người bị thận yếu, thận hư, khó ở tiền liệt tuyến, bàng quang kích thích...
- Tiểu đường ân oán với chứng mất ngủ cả đầu vào và đầu ra. Ăn nhiều, sụt cân nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều là tứ chứng kinh điển của bệnh tiểu đường; nhưng đến giai đoạn cuối thì tiểu đêm được “bán cái” sang suy thận.
- Người bệnh cao huyết áp chính chủ hay trằn trọc đã đành, nhưng có khi còn phải trắng đờ con mắt đi tiểu đêm vì dùng thuốc lợi tiểu- một trong những “công thần” điều trị bệnh tim mạch.
Hiểm họa sức khỏe liên hoàn
Mất ngủ một mình “cân” hết hàng loạt hiểm họa sức khỏe từ thể xác đến tinh thần. Không từ cả chuyện giường chiếu, vô sinh, hiếm muộn, ung thư, đột tử... Mất ngủ còn can dự đến cả năng suất lao động, bất ổn xã hội, thậm chí chất lượng giống nòi...
Đếm cừu, nhỏ mà có võ
Đếm cừu là phương pháp chữa mất ngủ cũ xì, thâm niên tương đương thân chủ của nó. Tùy duyên, nhiều người nhờ nó mà dỗ giấc thành công, nhưng cũng lắm người đếm mỏi miệng tới…sáng! Dẫu vậy, đây là phép chữa không xâm lấn, không tác dụng phụ, không tốn xu nào, luôn được khuyên dùng trước khi động tới thuốc men.
Cùng sứ mệnh với đám cừu còn có các kiểu chữa mẹo như tắm nước nóng, ngâm chân hay tự gây mê bằng cách nghe nhạc êm dịu, tiếng ru hời, tiếng mưa rơi, võng đưa kẽo kẹt… Không ít trường hợp chúng mang lại hiệu quả bất ngờ trong khi cả đống thuốc Tây, thuốc Tàu như nước đổ lá môn.
Ông Thiện, ông Ác
Serotonin, Melatonin là hai cái tên tầm “vi mô”, duyên nợ với giấc ngủ theo hai vai trò trái ngược- kiểu ông Thiện, ông Ác. Gần đây y học hiện đại ngày càng để mắt nhiều hơn đến hai “ông” trong việc phòng và chữa mất ngủ.
Tây y luôn chứng tỏ lợi hại trong điều trị mất ngủ với “ấn tiên phuông” giao cho các loại thuốc an thần (gọi chung các thuốc trấn an, giải lo âu, chống loạn thần, trầm cảm) với seduxen (diazepam), gardenal (phenobarbital), rotudin…Quá dễ để ngủ bằng vài viên thuốc an thần, nhưng khó xử kinh điển làm khó thầy thuốc lẫn bệnh nhân là vấn đề lệ thuộc thuốc và tác dụng phụ hại thần, thiệt gan, hỏng thận… Do vậy, Y học cổ truyền với cả kho dược thảo tràng giang đại hải lành hiền hơn thường được chọn gánh vác trọng trách, ít ra là sau khi Tây y hết phép!
Hàng ngàn loại cây, củ, quả có thể đảm đương việc “ru em vào mộng”, thành danh như tim sen, long nhãn, nhãn lồng, hoa thiên lý, hoa cúc,lạc tiên…
Tránh mất ngủ từ …miệng!
Mất ngủ có thể vào từ miệng, nên dinh dưỡng có một vai trò nhất nhì giúp ta tự vệ chứng mất ngủ. Việc cần làm ngay là loại bỏ các chất kích thích (cà phê, trà, chocolate, thuốc lá, rượu…). Vitamin B1 (gạo lức, đậu nành, măng tây, thịt tươi…), Magie (mồng tơi, rau dền, rau muống, chuối, bơ, hạt bí, hạnh nhân...), sữa chua, thực phẩm giàu chất xơ…là những cái tên văn võ toàn tài giúp an thần, giãn cơ, êm ruột làm bệ đỡ cho những giấc ngủ ngon.
Duy trì sinh hoạt hợp lý là cách chiến đấu với chứng mất ngủ không tốn hòn tên mũi đạn. Kiểu gì phải rèn “kỷ luật sắt”- ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Không dùng chất kích thích buổi chiều, đặc biệt trước đi ngủ. Tránh ngủ ngày, ngủ trưa cũng chỉ tầm 30 – 60 phút là vừa khéo. Thể dục, thể thao là “liều thuốc” an thần sáng cửa, tuy nhiên đừng ham quá sát giờ đi ngủ. Phòng ngủ thoáng đãng, ánh sáng vừa đủ, không quá nóng/lạnh là bà đỡ nhiệt thành cho giấc ngủ ngon. Và bỏ tất cả stress ngoài phòng ngủ. Thiền, yoga là giải pháp đáng cân nhắc trong cuộc chiến cân não chống mất ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận