14/05/2016 09:13 GMT+7

Muốn TP.HCM vươn lên, phải nhận diện rào cản

NGUYỄN VĂN HÙNG (nguyên phó vụ trưởng Vụ 4 Văn phòng Chính phủ)
NGUYỄN VĂN HÙNG (nguyên phó vụ trưởng Vụ 4 Văn phòng Chính phủ)

TTO - Bên cạnh những mặt tích cực được coi là thành tựu đổi mới đáng tự hào trong những năm vừa qua, TP.HCM cũng đang đứng trước nhiều thách thức to lớn trên con đường khẳng định vị trí tiên phong.

 

Ngoài những thách thức khách quan về “chiếc áo hẹp” chưa tạo điều kiện cho TP tiếp tục bứt phá phát triển nhanh, cũng cần nhận diện những thách thức từ chính nội sinh của TP.

Trong khoảng 10 năm gần đây, biểu hiện rõ nhất có lẽ là việc hàng loạt công trình cấp bách và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân TP, dù “nghén” quá lâu mà vẫn “không sinh được” như các bệnh viện (cơ sở 2) Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi đồng và thảo cầm viên mới ở Củ Chi...

Trì trệ hơn, dù gần chục năm trước khi Hà Nội có những cây cầu vượt thép, TP.HCM đã có những dự án như thế tại ngã tư Bảy Hiền và Hàng Xanh nhưng đã bị “bỏ ngăn kéo” để rồi lại đi sau Hà Nội trong giải pháp cải thiện giao thông đô thị này.

Cũng lĩnh vực hiện đại hóa hạ tầng giao thông, việc trang bị hệ thống biển báo - đèn tín hiệu hiện đại trên các tuyến đường lớn Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng... cũng vẫn đi sau Bình Dương... Phải chăng ở đây đã có sự chưa quyết liệt trong điều hành để thúc đẩy các dự án?

Ngay trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, dù được xem là thành công lớn cũng không hẳn đã yên tâm được. Như câu chuyện Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc là một ví dụ. Nếu như ngày đầu đặt chân vào thị trường VN Samsung chọn TP.HCM để bỏ vốn khởi phát thì gần đây địa phương họ đầu tư rất lớn lại là hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên chứ không phải TP.HCM, cũng là điều đáng suy nghĩ!

Cũng vẫn là câu chuyện đánh mất vị thế, dù ngành nông nghiệp TP.HCM từng tự hào dẫn đầu cả nước về chăn nuôi bò sữa nhưng hiện nay các trang trại bò sữa hiện đại nhất lại xuất hiện tại Nghệ An, Gia Lai, còn mô hình bò sữa hộ gia đình tiên tiến nhất lại có ở tỉnh Sơn La.

Cũng vậy, dù từng đi đầu về cải cách thủ tục hành chính với mô hình “một cửa” đình đám một thời nhưng nay ngôi vị dẫn đầu dịch vụ hành chính công lại thuộc về tỉnh Quảng Ninh.

Những biểu hiện chựng lại, một số mặt bị tụt hậu của TP.HCM thể hiện rõ qua chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tụt hạng những năm gần đây.

Trong hoàn cảnh cạnh tranh gay gắt toàn cầu, các địa phương trong nước cũng vươn lên rất mạnh mẽ, để có giải pháp hữu hiệu nhằm vươn lên vị trí hàng đầu như khát vọng của lãnh đạo và người dân TP.HCM, việc nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan những tồn tại, thách thức cũng là yêu cầu chính đáng và cấp bách.

 

NGUYỄN VĂN HÙNG (nguyên phó vụ trưởng Vụ 4 Văn phòng Chính phủ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên