Là một bác sĩ, ngày nào anh T.C.D. - 50 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM - cũng mang theo một bình nước trà xanh đến nơi làm việc để uống. Anh cho rằng uống nước trà xanh sẽ giúp anh có một trí óc minh mẫn để làm việc và còn giúp anh khỏe mạnh, sống lâu. Vậy công dụng thật sự của lá trà xanh như thế nào?
Bảo vệ não khi bạn già đi
Ba Ngô Thị Bạch Yến - trưởng đơn vị điều trị - chăm sóc da và làm đẹp, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - cho hay trà có nguồn gốc từ cây chè, có tên khoa học là Camellia sinensis.
Theo y học cổ truyền, lá trà xanh có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, chống lão hóa, phòng chống bệnh tật, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường chức năng của não bộ, làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân...
Trà xanh không chỉ giúp tỉnh táo mà còn giúp tăng cường chức năng não. Thành phần hoạt chất quan trọng là caffeine, là một chất kích thích tuy không nhiều như cà phê, nhưng đủ để tạo ra phản ứng mà không gây ra hiệu ứng bồn chồn liên quan đến việc hấp thụ quá nhiều caffeine.
Caffeine có thể cải thiện các khía cạnh khác nhau của chức năng não, bao gồm tâm trạng, sự phản ứng và trí nhớ.
Tuy nhiên caffeine không phải là hợp chất tăng cường trí não duy nhất trong trà xanh. Nó cũng chứa axit amin L-theanine có thể làm tăng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh, có tác dụng chống lo âu. Nó cũng làm tăng dopamine và sản xuất sóng alpha trong não.
Trà xanh không chỉ có thể góp phần cải thiện chức năng não trong thời gian ngắn mà còn có thể bảo vệ não của bạn khi bạn già đi.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất catechin trong trà xanh có thể có nhiều tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh trong ống nghiệm và mô hình động vật, có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến ở người cao tuổi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách giảm cholesterol LDL, cải thiện lưu lượng máu. Những lợi ích này phần lớn là do đặc tính chống viêm của trà xanh.
Catechin là một loại polyphenol trong trà xanh, từ lâu được gọi là tannin. Có 4 loại catechin chính được tìm thấy trong lá trà: Epicatechin, epigallocatechin, epicatechin gallate và epigallocatechin gallate. Catechin có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, chống oxy hóa, kháng khuẩn, ngăn ngừa hôi miệng, ngăn ngừa ung thư…
Các axit amin là thành phần trong trà góp phần tạo nên hương vị độc đáo, đậm đà của trà. Trong số các axit amin này, hơn 60% là theanine, ngoài ra còn có các axit amin khác như glutamine, asparagin, arginine, serine…
Theanine giúp giảm huyết áp cao và bảo vệ các tế bào của hệ thần kinh trung ương. Các phép đo sóng não của những người đã tiêu thụ theanine cho thấy rằng có sự gia tăng các sóng α được tạo ra, đặc biệt khi một người ở trong trạng thái thư giãn.
Theo nghiên cứu, trà xanh có thể tăng cường đốt cháy chất béo và thúc đẩy trao đổi chất.
Saponin được tìm thấy trong tất cả các loại trà, và tạo ra bọt trong các loại trà như matcha. Lá chè chứa khoảng 0,1% saponin. Saponin có đặc tính chống nấm, chống viêm và chống dị ứng và đã được chứng minh là làm giảm huyết áp, ngăn ngừa béo phì và cúm.
Caffeine cũng có thể cải thiện hiệu suất thể chất bằng cách huy động các axit béo từ mô mỡ để sử dụng làm năng lượng.
Việc trà xanh có thể thúc đẩy tỉ lệ trao đổi chất trong thời gian ngắn, từ đó có thể giúp giảm cân.
Một số nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể hỗ trợ làm giảm nhẹ lượng đường trong máu. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người uống trà xanh có nguy cơ mắc các loại ung thư thấp hơn như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng.
Chất catechin trong trà xanh cũng có lợi cho sức khỏe răng miệng. Catechin có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây hình thành mảng bám răng. Nhưng nếu dùng quá nhiều trà có thể cản trở sự hấp thụ sắt đồng thời có thể gây xỉn màu răng.
Những lưu ý khi uống nước trà xanh
"Mặc dù uống trà hầu như được coi là an toàn cho người lớn nhưng vẫn có một số tác dụng phụ cần lưu ý. Hầu hết các tác dụng phụ của việc tiêu thụ trà xanh có thể tránh được bằng cách chỉ tiêu thụ một lượng vừa phải", bác sĩ Bạch Yến lưu ý.
Để tận dụng hết ưu điểm của trà xanh, hãy pha trà ở mức vừa phải, không quá đặc. Chỉ uống 1-2 tách trà xanh mỗi ngày là đủ. Nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ. Không nên để trà qua đêm, kể cả cho vào tủ lạnh.
Không nên uống cùng nước trà xanh với bất kỳ loại thuốc nào. Các chất có trong chè xanh khi "gặp" các hoạt chất trong thuốc sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm cho thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu.
Trà xanh có khả năng kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua, vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị. Tạo cảm giác cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu.
Nhiều người có thói quen uống trà xanh ngay sau khi ăn, điều này làm cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng vào cơ thể. Catechin trong trà xanh cũng có thể làm giảm sự hấp thụ sắt từ thực phẩm, tăng nguy cơ thiếu máu. Tốt nhất nên dùng trà xanh sau bữa trưa ít nhất 1 tiếng.
Mỗi người bình thường hằng ngày chỉ nên uống từ 2 - 3 tách trà
Thời gian lý tưởng nhất để uống trà xanh là một giờ trước và sau bữa ăn. Nếu bạn đang ăn kiêng và muốn kiểm soát sự thèm ăn thì nên uống trà xanh một giờ trước bữa ăn.
Mặc dù có một số tác dụng phụ cần lưu ý nhưng trà xanh được coi là an toàn khi sử dụng ở mức độ vừa phải. Mỗi người bình thường hằng ngày chỉ nên uống từ 2 - 3 tách trà (khoảng 500ml nước trà).
Nếu mắc bất kỳ căn bệnh nào khiến gặp phải các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận