26/06/2016 00:14 GMT+7

Mượn sân thượng làm vườn

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - 8 giờ/ngày là thời gian trung bình mà ông Honza Frinta gắn bó với khu vườn trên cao của mình ở đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Ông Honza Frinta và mảnh vườn trên sân thượng - Ảnh: T.H.
Ông Honza Frinta và mảnh vườn trên sân thượng - Ảnh: T.H.

Mượn khoảng 4m2 sân thượng của một phòng thí nghiệm cộng đồng (Fablab Sài Gòn), ông Frinta bắt đầu “sự nghiệp” làm nông với hai hệ thống thủy canh trồng rau, cà chua, dưa leo và đậu phộng.

Đến Việt Nam năm 2010, ông Frinta (người Cộng hòa Czech) là nhân viên kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia. Từ đầu năm nay ông gần như “dọn văn phòng” về khu vườn nhỏ này.

Có mặt lúc 9g sáng, ông thay nước đá để làm mát dung dịch dinh dưỡng được bơm vào hệ thống, chăm sóc giàn rau, kiểm tra nhiệt độ nước, độ pH, nồng độ chất rắn hòa tan... Mọi công việc kinh doanh được ông giải quyết tại chỗ qua điện thoại.

“Làm vườn là một sở thích mới tôi đang tận hưởng. Bạn có thể nhấc khay nhựa và quan sát bộ rễ phát triển từng ngày. Nhìn những cây rau lớn lên mới đẹp làm sao! - vừa nói ông Frinta vừa nâng niu những bẹ cải xanh mơn mởn - Cách trồng này vừa không cần đất vừa tiết kiệm nước, không gian, giảm thiểu chất thải. Quan trọng hơn là khi thu hoạch, bạn biết mình đang ăn thứ gì, được làm ra như thế nào”.

Ban đầu ông Frinta liên hệ một số công ty để hỏi giá cả hệ thống thủy canh, nhưng thấy đắt quá và kích thước giàn nhỏ nên ông quyết định tự làm. Lên mạng tìm hiểu, ông Frinta mua ống nước, mút xốp và tái sử dụng khung gỗ, kệ sắt để làm hệ thống thủy canh.

Mỗi ngày vài tiếng, vừa làm vừa sửa, hệ thống đầu tiên mất gần một tháng để hoàn thành, nhưng hệ thống thứ hai chỉ mất 5-6 ngày. Ông Frinta cho biết hai giàn thủy canh tốn gần 10 triệu đồng, chỉ bằng phân nửa số tiền mà các công ty đưa ra nhưng kích thước lớn hơn nhiều.

Hệ thống gồm nhiều ống trồng xếp tầng. Dung dịch dinh dưỡng được bơm từ thùng chứa tràn qua các ống nhưng không làm ngập, nước được sục khí liên tục giúp rễ cây phát triển cùng với hệ vi sinh vật được tạo ra trước đó.

Là một “nông dân” kỹ tính, ông Frinta có quyển vở ghi chép cụ thể thành phần, khối lượng khoáng chất được đưa vào nước. Với tầng ống thấp, ít ánh sáng, ông trồng rau; tầng ống cao, nhiều ánh sáng, ông trồng cà và dưa leo.

“Ba tôi ở quê nhà cũng có một mảnh vườn, nhưng bạn biết đó, trồng kiểu truyền thống phải khom cúi cả ngày, khá mỏi mệt. Trồng cây trên giàn bạn có thể đứng thẳng hoặc vươn cao, tôi thích vậy hơn. Vừa làm vườn vừa thư giãn, tôi cũng tận dụng khung gỗ người ta bỏ lại để làm xà tập thể dục” - ông Frinta hài hước chia sẻ.

Trong tuần qua, một số cây cà chua và dưa leo bị úa vàng, chậm lớn trong khi cải xanh vẫn phát triển bình thường, ông Frinta đang tìm hiểu nguyên nhân việc đó. “Không có gì nản cả, làm vườn là một thú vui. Cuộc sống cũng yên tĩnh, thanh bình hơn khi ở trên sân thượng. Tôi hi vọng nhìn thấy tất cả tòa nhà ở Sài Gòn được phủ xanh bằng những khu vườn tạo ra thực phẩm”.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên