13/08/2021 17:14 GMT+7

Muốn nhận hỗ trợ phải... về quê xác nhận

HÀ QUÂN - VŨ THỦY
HÀ QUÂN - VŨ THỦY

TTO - Phấn khởi vì sẽ được nhận hỗ trợ sớm nhưng đọc qua thủ tục, anh Long thấy quy định phải về quê xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ ở quê phiền hà, nguy cơ lây bệnh cao và có lấy được thì cũng tốn kém tiền đi lại.

Muốn nhận hỗ trợ phải... về quê xác nhận - Ảnh 1.

Nhiều lao động tự do đã được hỗ trợ 1,5 triệu ở Hà Nội, nhưng đa số là người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn - Ảnh: HÀ QUÂN

TP Hà Nội đang triển khai hỗ trợ người dân theo nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng). Tuy nhiên nhiều lao động tự do vẫn gặp khó khăn trong hoàn thành thủ tục, nhất là những người tạm trú trên địa bàn.

Giữa dịch bệnh, làm sao về quê xin xác nhận?

Anh Nguyễn Duy Long, thợ cắt tóc tạm trú phường Trung Tự (quận Đống Đa), cho hay tổ dân phố nơi anh ở đang lập danh sách hỗ trợ lao động tự do theo nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng).

Phấn khởi vì sẽ được nhận hỗ trợ sớm nhưng đọc qua thủ tục, anh Long thấy quy định phải về quê xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ ở quê phiền hà, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao và có lấy được thì cũng phát sinh chi phí đi lại. Anh Long nói nhiều người cùng làm nghề cắt tóc như anh cũng không thể về quê vì xa và hiện không có xe khách về quê như Quảng Bình, Thanh Hóa...

Còn anh Vũ Thái Hoàng, tạm trú phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, chia sẻ anh mất việc nhân viên bán quần áo từ tháng 5. Những ngày ở nhà, anh được một người bạn gửi bài báo về lao động tự do như anh sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.

Lên UBND phường, anh được cán bộ giải thích về gặp tổ trưởng tổ dân phố để xác minh trước. Tin vào việc mình đã có tạm trú lại không có hợp đồng lao động, anh Hoàng cầm sẵn đơn xin xác nhận đến gặp tổ trưởng tổ dân phố. 

Tuy nhiên, bác tổ trưởng nói anh không thuộc đối tượng hỗ trợ theo danh sách kê khai lao động tự do trên địa bàn, “nguyên tắc phải dựa vào văn bản hướng dẫn”, “hỗ trợ khó khăn cho những người có tạm trú, hộ khẩu nhưng phải thuộc đối tượng theo danh sách”.

“Khi trúng đối tượng thì sẽ được hướng dẫn thủ tục kèm theo. Qua nhiều cầu, nhất là phải về địa phương xác nhận đúng đối tượng không lĩnh tiền ở địa phương rồi lên Hà Nội để được cấp tiền. Hoặc muốn lĩnh tiền ở địa phương thì phải lên Hà Nội đóng dấu xác nhận không cấp rồi mang về địa phương”, vị tổ trưởng dân phố giải thích.

Muốn nhận hỗ trợ phải... về quê xác nhận - Ảnh 2.

Thủ tục kê khai tờ khai mà anh Vũ Thái Hoàng nhận được từ tổ dân phố - Ảnh: HÀ QUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thu Trang, trưởng Phòng lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) quận Thanh Xuân, cho hay toàn bộ đối tượng lao động tự do mất việc theo chỉ thị 17 của Hà Nội là được hưởng chính sách, chứ không cần quy định nhóm ngành nghề (trừ mục Hà Nội cho phép hoạt động). Người dân khó khăn trong đi lại sẽ được tổ dân phố phát và thu tờ khai nhận hỗ trợ kèm xác minh thường trú/tạm trú.

Như vậy, anh Hoàng thuộc danh sách nhận hỗ trợ. Dù vậy, anh Hoàng vẫn tâm tư: "Nhà mình ở trên Thái Nguyên. TP Hà Nội đang hạn chế người dân ra đường, mình không có giấy đi đường nên không về quê xin giấy xác nhận được. Mình mong Nhà nước giải quyết bằng cách liên hệ địa phương để xác nhận thông tin hoặc giảm bớt thủ tục".

Toàn phường Thanh Xuân Trung có 27 tổ dân phố và chỉ bắt đầu nhận hồ sơ của lao động tự do từ ngày 25-8 trở đi, sau khi Hà Nội kết thúc giãn cách, việc này khiến tiền hỗ trợ đến người dân có thể kéo sang tháng 9.

Muốn nhận hỗ trợ phải... về quê xác nhận - Ảnh 3.

Anh Vũ Thái Hoàng và nhiều người bạn mong muốn đơn giản hóa thủ tục khi nhận hỗ trợ vì 1,5 triệu đồng của Nhà nước rất ý nghĩa với họ lúc này - Ảnh: HÀ QUÂN

Chỉ cần CCCD/CMND và được địa phương xác nhận tạm trú

Trong khi đó, TP.HCM đang triển khai hỗ trợ lao động tự do theo nghị quyết 68 rất “thông thoáng”. Hiện người dân chỉ cần CCCD/CMND và được địa phương xác nhận tạm trú. 

Cụ thể, lao động tự do được tổ dân phố, ấp lập danh sách gửi phường thông qua hội đồng xét duyệt công khai tại ấp, khu phố rồi gửi lên huyện thẩm định. Sau đó, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển về cho người dân khó khăn.

Việc đơn giản hóa thủ tục xuất phát từ bài học nghị quyết 42 (gói 62.000 tỉ đồng) khi nhiều lao động không thể về quê xin "Giấy xác nhận không được nhận sự hỗ trợ của địa phương nơi đăng ký thường trú".

Ông Vòng A Lộc - một tổ trưởng tổ dân phố tại quận Tân Phú, TP.HCM - chia sẻ: “Năm ngoái, vì phải có giấy xác nhận chưa nhận ở địa phương nơi thường trú nên nhiều người bỏ không nhận. Năm nay bỏ bớt thủ tục người dân vui mừng phấn khởi, bớt kêu ca vì đã nhận được sự hỗ trợ đúng lúc của Nhà nước. Nay, tổ trưởng là người trực tiếp lập và đề xuất danh sách lao động tự do nhận hỗ trợ luôn cho bà con”.

Tại tọa đàm trực tuyến "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội" ngày 12-8, bác sĩ Nguyễn Thu Giang, phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng, cho biết nhiều lao động tự do khó xin giấy xác nhận ở địa phương. Bà Giang đề xuất tờ cam kết ghi rõ "nếu nhận hỗ trợ 2 lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật" và cơ quan chức năng hoàn toàn kiểm soát được người dân qua CCCD/CMND.

Tiếp thu ý kiến, ông Nguyễn Hồng Dân, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho hay: "Nhiều người băn khoăn thủ tục rườm rà. Nhưng đó là yêu cầu bắt buộc để tránh tình trạng lao động ngoại tỉnh đã lĩnh ở Hà Nội sau đó về quê vẫn khai lại, tiếp tục nhận hỗ trợ tại nơi thường trú. Sở sẽ tiếp thu ý kiến về quy trình thủ tục và đề xuất kịp thời với UBND để rút gọn thủ tục, tháo gỡ kịp thời vướng mắc".

Theo hướng dẫn của Hà Nội, lao động tự do phải làm đơn theo mẫu nhận hỗ trợ, photo CMND/CCCD kèm hộ khẩu thường trú. Nếu là lao động tạm trú phải có thêm xác nhận tình trạng cư trú và xác nhận tại nơi đăng ký thường trú. Hồ sơ giải quyết từ 6 - 10 ngày.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đến 6h ngày 12-8 cho thấy thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với kinh phí 7,75 tỉ đồng.

Hà Nội công khai số đường dây nóng 0243.834.4643 hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng Hà Nội công khai số đường dây nóng 0243.834.4643 hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng

TTO - Ngày 12-8, ông Nguyễn Hồng Dân, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội, đã công khai số đường dây nóng giải đáp nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng) trước nhiều ý kiến thắc mắc về gói an sinh này, đặc biệt là lao động tự do.

HÀ QUÂN - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên