Nhà nghiên cứu chia sẻ như thế tại cuộc giao lưu với bạn đọc ở Hội sách TP.HCM sáng 22-3, nhân tập sách của ông vừa ra mắt.
1.
Những mảnh sử rời tập hợp các bài viết trên nhiều đề tài với chất kết dính là tư duy và cảm hứng sử học.
Sách có nội dung trải rộng qua nhiều lĩnh vực, nhiều đề tài thú vị, hấp dẫn như: Nghiên cứu về dân tộc Kinh ở Quảng Tây, Từ "Nam phương ca khúc" đến lời ca Hồ trường, Dịch thuật sử học Việt Nam trong thế giới phẳng, Nước mắm trong những mảnh sử rời, Văn hóa biển qua thuyền cổ...
Như lời tâm sự đầu sách, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho rằng những bài khảo cứu trong quyển sách này "đối với tác giả, có thể coi đây là cuộc trải nghiệm rời rạc trong quá trình tự trau dồi qua sự tiếp cận ít ỏi vấn đề trong mênh mông lịch sử".
Trải nghiệm để có cảm nghiệm về cái mênh mông lịch sử ấy không phải chuyện giản đơn.
Buổi ra mắt sách với sự tham gia của nhiều sinh viên khoa sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kỳ thực mang hơi hướng một dịp tâm tình.
Ở đó, một nhà nghiên cứu độc lập vốn nặng lòng với sử học và sử liệu sẵn lòng trao đổi với các bạn trẻ quan tâm quanh những thắc mắc về cách đọc, dịch tài liệu sử học, cách ứng xử về việc sử dụng sử liệu Trung Quốc cho các công trình nghiên cứu lịch sử của ta...
Thật may là có nhiều bạn trẻ không ngán ngại trước những mênh mông lịch sử kia. Như một bạn trẻ cho biết bạn đang dịch lại một số đoạn của Đại Việt sử ký toàn thư, muốn hỏi thêm tác giả Phạm Hoàng Quân cách hiểu một số từ ngữ Hán cổ...
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân ký tặng sách cho các bạn trẻ tại Hội sách TP.HCM lần 10 - Ảnh: L.ĐIỀN
2.
Sinh viên ngành sử nên học thêm chữ Hán và chữ Pháp?
Trò chuyện với Tuổi Trẻ bên ngoài cuộc giao lưu, PGS.TS Lê Quang Trường - trưởng bộ môn Hán Nôm ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - nói: "Trước đây mấy năm, chương trình khoa sử có dạy Hán Nôm, nhưng đến khi thay đổi chương trình còn 120 tiết thì bỏ môn Hán văn cơ sở.
Hiện nay, có ý kiến từ khoa sử muốn khôi phục bộ môn Hán Nôm. Tôi nhận thấy sinh viên ngành sử và cả ngành Hán Nôm đều không mạnh trong công tác nghiên cứu do thiếu vốn Hán Nôm.
Có thể hình dung Hán Nôm hay chữ Pháp như một phương tiện nền để sinh viên nghiên cứu sâu, không riêng ngành sử mà ngành triết hay Hán Nôm đều cần.
Nếu nói đi học thêm chữ Hán hay chữ Pháp để mai này nghiên cứu sâu thì chỉ các sinh viên yêu thích công việc nghiên cứu sẽ thu xếp để tự bồi dưỡng cho mình, chứ các sinh viên đến trường học chỉ để lấy tấm bằng thì e rằng ít ai có nhiệt tâm làm điều đó".
Dù vậy, TS Lê Quang Trường cho biết bộ môn Hán Nôm đang soạn một chương trình bồi dưỡng kiến thức Hán Nôm theo môn loại cho sinh viên ngành sử và ngành triết.
"Có thể hình dung cách dạy theo từng nội dung như: các niên đại trong lịch sử Việt Nam với bảng Hán Nôm đối chiếu với quốc ngữ, rồi các nhân danh, địa danh hoặc tên sách, tên các đầu tài liệu viết bằng chữ Hán" - ông nói.
PGS.TS Trần Đức Cường (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):
Ý kiến khuyến khích các sinh viên ngành sử học thêm chữ Hán và chữ Pháp có ý đúng. Bởi thời phong kiến hàng nghìn năm, chữ Hán được nước ta dùng làm ngôn ngữ chính thức trong xã hội.
Vậy nên chữ Hán hiện nay vẫn được những người nghiên cứu lịch sử nước ta rất coi trọng. Bằng chứng rõ nhất là trong Viện hàn lâm Khoa học & xã hội Việt Nam có Viện nghiên cứu Hán - Nôm.
Trong thời kỳ rất dài, từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1945 nước ta bị người Pháp đô hộ, nên những tài liệu chữ Pháp về Việt Nam rất nhiều. Vậy nên sinh viên ngành sử nên học thêm chữ Hán và chữ Pháp là điều kiện cần thiết để tiếp xúc với các tư liệu lịch sử.
Nhưng không nên tuyệt đối hóa rằng không có những ngoại ngữ đó thì không nghiên cứu được lịch sử. Tất nhiên khi không biết ngoại ngữ sẽ hạn chế trong việc tiếp cận tư liệu.
V.V.TUÂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận