26/09/2011 08:59 GMT+7

Muôn nẻo mưu sinh xứ Hàn - Kỳ 2: Nỗi đau đời thợ

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Với đa số lao động Việt, được đặt chân đến Hàn Quốc mưu sinh là một cơ may để đổi đời. Nhưng trong hành trình bươn chải nơi xứ người, không phải ai cũng toại nguyện về giấc mơ thoát nghèo. Có người đã bỏ mạng nơi xứ lạ, có người phải trở về quê nhà với tấm thân không lành lặn trên chiếc xe lăn.

zAuBpglI.jpgPhóng to
Đặng Hùng Phương điều trị tại Bệnh viện Keumsol (Busan) đã ba năm nay - Ảnh: Hữu Hạnh

Kỳ 1:

Chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện Keumsol ở thành phố Busan để được tận mắt chứng kiến bi kịch của một lao động Việt gặp rủi ro nơi xứ người.

Chuyện ở Keumsol

Tiếp chúng tôi trên giường bệnh là chàng thanh niên 26 tuổi Đặng Hùng Phương với ánh mắt vô hồn khó tả. Quê Phương ở thành phố Bắc Ninh, anh qua Hàn hồi tháng 2-2008, làm việc cho một hãng đóng tàu tại Busan. Đúng sáu tháng sau khi đặt chân đến đất Hàn, tai nạn ập đến. Đó là một ngày đen tối mà dường như Phương đã cố quên từ lâu. Gặng hỏi mãi anh mới chịu kể lại một cách rời rạc, run rẩy: “Lúc đó tôi đang làm việc trên boong tàu thì bất ngờ bị cần cẩu đập phải rồi ngã quỵ ngay tại chỗ. Sau khi đi cấp cứu, chụp hình mới biết mình bị gãy đốt xương sống thứ 12. Tương lai như sụp đổ...!”.

Sau vụ tai nạn đó Phương bị liệt nửa người. Những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ vỡ vụn. Tương lai của Phương chỉ còn lại là tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn nơi xứ người... Anh tâm sự: “Hai chân của tôi bây giờ mất hết cảm giác, không thể hoạt động được nữa. Hết hi vọng rồi, xem như buông xuôi theo số phận! Nhiều lúc buồn chán tôi đã nghĩ đến tự tử để chạy trốn... Cũng may là có anh em đồng hương, những người Hàn tốt bụng động viên, an ủi nên cũng nguôi ngoai được phần nào. Điều tôi sợ nhất là phải trở về quê nhà với một hình hài tàn phế. Liệu bố mẹ có chấp nhận mình không? Khi đi thì mong sẽ kiếm được tiền báo hiếu bố mẹ, ai ngờ bây giờ lại trở thành gánh nặng cho gia đình. Rồi tương lai sẽ đi về đâu...”.

Dù được bảo hiểm lo toàn bộ chi phí chữa trị, dù vẫn được công ty trả 70% lương hằng tháng, nhưng có lẽ những giá trị vật chất đó sẽ chẳng bao giờ bù đắp được những mất mát của đời anh. Ba năm tàn phế, ba năm đơn độc với nỗi đau thể xác và tinh thần nơi xứ người, Phương càng thấm thía hơn cái giá của sự đổi đời.

Không mẹ cha, không người thân thích, may cho Phương là có được một người phụ nữ Hàn tốt bụng chăm lo cho anh trong suốt thời gian qua. Phương nhờ chúng tôi ghi hình của Phương hiện tại ở bệnh viện để mang về cho bố mẹ như một bước thăm dò. Nhà Phương nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chưa đầy 5km. Căn nhà lọt thỏm trong khu tập thể của Công ty Xây dựng số 4 thuộc phường Vũ Linh.

Đây là lần đầu tiên bố mẹ Phương nhìn thấy hình hài con mình sau vụ tai nạn định mệnh. Vẫn khuôn mặt đó, nụ cười đó của cậu con trai út nhưng lời hứa về thăm gia đình của Đặng Hùng Phương đã ba năm rồi lỗi hẹn. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy guộc của người mẹ vì những đêm mất ngủ, vì những ngày dài chờ ngóng tin con. Người bố cố gắng gượng để kìm nén sự đau đớn, nhưng rồi ông cũng không cầm được nước mắt trước lời nhắn của đứa con trong đoạn clip: “Nếu một ngày nào đó con trở về, mong bố mẹ hãy chấp nhận con! Con xin lỗi bố mẹ vì đã không báo hiếu được ơn sinh thành...”.

Có một chuyện mà bố mẹ Phương vẫn giấu anh. Đó là tai nạn giao thông của bà Nguyễn Thị Xuân - mẹ Phương - xảy ra chỉ vài ngày sau khi nghe tin con trai bị nạn nơi xứ người. Cú ngã do bị tông xe và cú sốc về tinh thần đã khiến bà như quỵ ngã. Dù thế, suốt bao năm qua bà vẫn lặn lội đi hết chùa này đến chùa khác để khẩn cầu cho đứa con trai út nơi xứ Hàn sớm tai qua nạn khỏi.

Không biết những lời khẩn cầu của người mẹ đã ngoài 60 tuổi này có được linh ứng, chỉ biết rằng nỗi thấp thỏm về cậu con trai ở xứ người luôn giày vò bà mãi không nguôi. Lễ chùa, với bà không chỉ là gửi đi những lời cầu may, cầu an cho con trai và gia đình, đó còn là nơi duy nhất giúp bà cảm thấy lòng mình được thanh tịnh trước những sóng gió của gia đình.

Rủi ro làm thêm

Mục sư Nguyễn Thông - phó giám đốc Trung tâm phúc lợi xã hội thuộc Trung tâm Công giáo ở thành phố Busan, người đã giúp đỡ rất nhiều lao động VN khi gặp rủi ro - chia sẻ: “Người Hàn họ làm theo nguyên tắc, khi bị tai nạn thì họ đưa đến bệnh viện, còn các công đoạn còn lại họ phó mặc cho bên bảo hiểm lo. Họ không có thói quen thăm hỏi hay động viên tinh thần công nhân khi nằm điều trị, vì thế nhiều công nhân Việt cảm thấy sốc trước cách hành xử của giới chủ.

Thường mới nhìn vào thì ai cũng nói những ông chủ Hàn rất tốt, rất nhân đạo. Nhưng khi bước vào phân xưởng rồi thì để tìm một ông chủ như vậy không đơn giản. Thường 10 người thì chỉ có được 4-5 chủ xưởng tốt. Họ không quan tâm đến cá nhân và điều kiện sinh sống của công nhân. Có nhiều người họ đối xử rất tàn nhẫn. Tôi từng can thiệp một trường hợp công nhân Việt bị chủ Hàn dọa giết bằng cách nhốt xuống hầm rồi lấy cát lấp từ từ. Những trường hợp như thế thường rơi vào những công nhân đi làm thêm, không có hợp đồng lao động chặt chẽ”.

Dù nguyên nhân gì đi nữa, khi gặp rủi ro thì thiệt thòi luôn nằm về phía những người lao động. Nếu tai nạn xảy ra trong giờ làm việc chính thức thì còn được bảo hiểm bồi thường, có tiền để chữa trị thương tật. Bi kịch nhất là những người gặp phải rủi ro trong giờ đi làm thêm, hầu như họ chẳng có được quyền lợi gì cả khi rủi ro xảy ra... Biết thế nhưng họ vẫn phải tranh thủ đi làm thêm vào giờ nghỉ để mong sớm trả hết nợ nần, sớm có tiền lo cho tương lai...

Tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố Busan, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoài Thương, một công nhân bị giập tay trong giờ làm thêm đang điều trị tại đây. Quê Thương ở Cà Mau, anh đến Hàn Quốc từ năm 2009.

Anh cho biết: “Ngoài giờ làm chính theo hợp đồng, tôi còn đi làm thêm tại một xưởng máy dập. Chẳng may hệ thống tự động bị lỗi nên khi đút tay vào lấy sản phẩm ra thì bị máy dập đè xuống, tay tôi bị giập mất ba ngón.

Để có tiền trả nợ ở quê, nếu công ty chính không có việc để tăng ca thì anh em lao động bên này đều đi làm thêm ở ngoài để có thêm thu nhập. Người thì chỉ làm thêm thứ bảy, chủ nhật, có người làm thêm ca đêm sau khi đã xong việc ở công ty chính. Tai nạn lao động thường xảy ra với những người làm thêm ca đêm, do mệt mỏi, vì máy móc không được bảo trì đúng hạn. Nhiều người đi làm thêm không có hợp đồng lao động chặt chẽ còn bị giới chủ quỵt luôn cả tiền lương.

VhsgOSgW.jpgPhóng to
Nguyễn Hòai Thương, một lao động Việt Nam bị tai nạn trong lúc đi làm thêm đang điều trị tại bệnh viện Busan - Ảnh: Thế Anh

Với những người làm thêm thì khi xảy ra tai nạn không được hưởng chế độ bảo hiểm. Vừa rồi có một trường hợp là anh Trần Văn Hùng, người Nghệ An, đi làm thêm rồi bị té từ trên lầu xuống. Anh bị gãy cột sống, phải mổ nhiều lần nhưng công ty nơi anh làm thêm cũng lơ đi. Họ chỉ trả cho anh một khoản tiền hơn 10.000 đôla gọi là an ủi. Anh em trong cộng đồng người Việt phải kêu gọi quyên góp để giúp anh về nước...”.

_____________________

Một mảng nghề quan trọng cho thị trường lao động Hàn Quốc là làm việc trên biển. Điều gì chờ đợi người lao động Việt trên những con tàu lênh đênh giữa biển cả xứ người?

Kỳ tới: Rủi ro nghề biển

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên