Trên thực tế đã có những trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh phải nhận bản án vì cố tình gian lận thuế.
Nâng khống chi phí đầu vào
Giữa tháng 3-2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) trong quá trình điều tra vụ án "mua bán trái phép hóa đơn" và "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" đã phát hiện thêm một vụ trốn thuế.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định ông P.V.B. (54 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã thành lập tám doanh nghiệp để xuất bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống cho các doanh nghiệp khác.
Trong đó, ông B. khai đã xuất bán khống 12 tờ hóa đơn GTGT cho Nguyễn Thị Kiều Ngân, kế toán Công ty cổ phần quảng cáo truyền thông TTC (Công ty TTC). Công ty này có trụ sở tại quận Bình Thạnh và do Lê Thị Thương (38 tuổi, ngụ quận 12) làm giám đốc.
Theo thỏa thuận, ông B. bán hóa đơn GTGT cho Ngân với giá trước thuế là 2,5%/hóa đơn, Ngân tiếp tục bán lại cho Thương với giá 4,5%/hóa đơn.
Sau đó, Ngân kê khai đầu vào 12 tờ hóa đơn GTGT khống trên cho Công ty TTC để được khấu trừ thuế GTGT và giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Làm việc với cơ quan điều tra, Thương thừa nhận đã mua khống 12 hóa đơn GTGT từ năm công ty. Mục đích là để tăng chi phí đầu vào, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và được khấu trừ thuế GTGT.
Bản giám định tư pháp của cơ quan thuế kết luận hành vi vi phạm của Công ty TTC là đã sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn lập khống) để hạch toán hàng hóa, dịch vụ đầu vào dẫn đến hành vi trốn thuế của những tờ hóa đơn trên với số tiền 509 triệu đồng. Trong đó thuế GTGT là 169 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 340 triệu đồng.
Ngày 31-8-2022, TAND quận Bình Thạnh đưa ra xét xử đối với Lê Thị Thương về tội trốn thuế.
Theo hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý thuế của Nhà nước, làm giảm thu ngân sách nhà nước, xâm hại đến đường lối phát triển kinh tế - xã hội và chính sách thuế.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử cũng xem xét bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo đã nộp lại 100 triệu đồng tiền trốn thuế, bị cáo là lao động chính trong gia đình và đang nuôi con nhỏ...
Sau khi cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Thị Thương 1 năm tù về tội trốn thuế nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm, đồng thời buộc bị cáo phải nộp lại tiền trốn thuế còn lại (409 triệu đồng) sung vào ngân sách nhà nước.
Cho đại sứ quán thuê nhà cũng tìm cách trốn thuế
Tháng 4-2021, TAND quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã tuyên phạt bà Nguyễn Thanh T. (75 tuổi, ngụ TP Hà Nội) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội trốn thuế.
Hồ sơ vụ án thể hiện bà T. là chủ sở hữu một căn nhà trên đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Bà T. sử dụng căn nhà này để kinh doanh, cho thuê theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Giữa năm 2016, bà T. cho một nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ký hợp đồng thuê căn nhà trên trong thời hạn ba năm để ở.
Theo hợp đồng, giá thuê là 4.300 USD/tháng nhưng phương thức thanh toán bằng tiền VNĐ và chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của bà T..
Sau khi hết hợp đồng, một nhân viên khác của Đại sứ quán Hoa Kỳ ký với bà T. bản gia hạn hợp đồng thuê nhà trước đó.
Thời hạn thuê là ba năm tính đến ngày 31-5-2022, những điều khoản khác của hợp đồng cũ bao gồm giá thuê không thay đổi.
Tuy nhiên, từ tháng 6-2016, khi kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ, bà T. lại sử dụng một hợp đồng thuê nhà khác ký với một người quốc tịch Anh tên Merrington Mai Khoi với giá thuê chỉ 1.000 USD/tháng, thời hạn thuê từ ngày 1-6-2016 đến 1-6-2017.
Bà T. thừa nhận biết rõ việc mình kê khai nộp thuế với doanh thu thấp hơn doanh thu thực tế nhằm mục đích trốn thuế, còn thông tin về ông Merrington Mai Khoi do bà tự nghĩ ra.
Tính đến ngày 31-12-2019, bà T. đã nhận chuyển khoản thanh toán tiền thuê nhà từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tổng cộng 17 lần với tổng số tiền 5,3 tỉ đồng.
Đến tháng 1-2020, bà T. mới thực hiện kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ theo hợp đồng và doanh thu thực tế đã ký với Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Theo kết luận giám định tư pháp của Cục Thuế TP Hà Nội, bà T. có hành vi trốn thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân với tổng số tiền gần 423 triệu đồng. Quá trình điều tra, bà T. đã nộp lại 300 triệu đồng khắc phục.
Ngoài mức án như trên, tòa còn buộc bà T. phải nộp thêm 123 triệu đồng trốn thuế còn lại.
Lập khống bảng lương để né thuế
TAND tỉnh Cao Bằng vừa xét xử các bị cáo Nguyễn Văn H., Lê Quang V. (cùng 35 tuổi, ngụ TP Hà Nội) và Lương Thúy M. (34 tuổi, ngụ tỉnh Cao Bằng).
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng A. do Nguyễn Văn H. là giám đốc và Lương Thúy M. là phó giám đốc kiêm kế toán. Còn Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng B. do Lê Quang V. làm giám đốc, Lương Thúy M. đồng thời làm kế toán cho công ty này.
Trong quá trình hoạt động, cả hai công ty đều có nhiều khoản chi phí không có chứng từ quyết toán. H. và V. đã chỉ đạo M. tìm chứng từ để bù vào các chi phí khác nên M. đã thu thập thông tin chứng minh nhân dân, căn cước công dân tại các cửa hàng photocopy để kê khống nhân công lao động với mục đích giảm số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải nộp.
Theo kết luận giám định thì Công ty A. phải nộp tăng thêm là 1,2 tỉ đồng, còn Công ty B. phải nộp tăng thêm là 976 triệu đồng.
Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến thiệt hại về thuế đối với hai doanh nghiệp là hơn 2 tỉ đồng. Quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.
Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo H. và V. mỗi bị cáo 550 triệu đồng, bị cáo M. bị phạt 500 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận