Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Tháng 4-2021, bà N.T. (TP.HCM) đã đóng tiền cọc 20 triệu đồng để con xét tuyển vào ngành thiết kế ứng dụng sáng tạo tại ĐH RMIT Việt Nam. Cùng lúc đó, con của bà dự thi năng khiếu, xét tuyển bằng điểm học bạ THPT vào ngành thiết kế một trường đại học công lập tại TP.HCM.
"Con tôi không muốn đóng tiền cọc ở ĐH RMIT Việt Nam vì sợ trúng tuyển nhưng không nhập học sẽ bị mất tiền. Tuy nhiên, tôi vẫn đóng vì lo chẳng may con không trúng tuyển vào trường đại học công lập đã chọn" - bà T. nói.
Không nhập học sẽ mất tiền
Theo bà T., sau khi có kết quả thi IELTS với điểm khá cao, con của bà đã được ĐH RMIT Việt Nam gọi điện mời nhập học. Bà T. đã đến trường này tìm hiểu thông tin. Khoản tiền cọc đã được nhân viên của trường tư vấn đầy đủ, nếu trúng tuyển mà không nhập học sẽ không được hoàn trả. Nhân viên này cũng nói rằng điểm của con bà T. rất tốt nên có thể chờ bên trường đại học công lập khác.
"Mình đã được tư vấn và hướng dẫn đầy đủ nên giờ con trúng tuyển trường đại học công lập, không học ĐH RMIT thì chấp nhận mất cọc thôi" - bà T. nói.
Một trường đại học khác cũng yêu cầu thí sinh đóng tiền cọc là Trường ĐH FPT. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển nếu đăng ký giữ chỗ thì nộp phí 4,6 triệu đồng, không đăng ký giữ chỗ thì không phải nộp khoản phí này. Thí sinh đăng ký giữ chỗ online và gửi bản chụp biên lai nộp tiền gửi cho trường.
Trường thông báo ưu tiên các thí sinh có đăng ký giữ chỗ, hoàn tất các hồ sơ sớm cho tới khi hết chỉ tiêu. Phí giữ chỗ không được hoàn trả, nếu thí sinh đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh nhưng không nhập học hoặc thôi học sau khi đã nhập học. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh sẽ được hoàn trả toàn bộ phí giữ chỗ. Phí giữ chỗ sẽ được chuyển thành phí nhập học khi thí sinh trúng tuyển và nhập học.
Thông tin đặt cọc chỗ học gởi cho thí sinh
"Hạn chế hồ sơ ảo"
Lý giải về việc thu phí đặt cọc giữ chỗ học, bà Nguyễn Thụy Hoài Trâm - giám đốc marketing và tuyển sinh toàn cầu Đại học RMIT Việt Nam - cho biết: khi nộp đơn vào học tại Đại học RMIT Việt Nam, sinh viên mới sẽ được thông báo và giải thích rõ tất cả các khoản phí bắt buộc bao gồm phí xét hồ sơ 2 triệu đồng và phí đặt cọc cho chương trình liên thông đại học - đại học - sau đại học là 20 triệu đồng.
Trong đó, phí đăng ký 2 triệu đồng không được hoàn lại. Sau khi nhận được thư mời nhập học, sinh viên có thể lựa chọn thanh toán khoản đặt cọc 20 triệu đồng để chính thức chấp nhận thư mời nhập học.
Việc thanh toán phí đặt cọc coi như xác nhận sinh viên sẽ tiếp nhận chỗ học và trường sẽ giữ chỗ cho chương trình học sinh viên đã chọn. Nếu sinh viên đáp ứng các điều kiện đầu vào về học thuật và tiếng Anh, khoản tiền đặt cọc này sẽ được khấu trừ vào học phí học kỳ đầu tiên sinh viên đã đăng ký học.
Phí đặt cọc có thể được hoàn trả trong trường hợp sinh viên đã nhận được thư mời nhập học có điều kiện nhưng không đáp ứng được các điều kiện về học thuật và tiếng Anh, hoặc nếu nhà trường hủy đợt khai giảng của ngành sinh viên đã chọn. Như vậy, thí sinh đủ điều kiện nhưng không nhập học sẽ không được trường trả cọc giữ chỗ.
Trong khi đó, đại diện Trường ĐH FPT cho biết: theo đề án tuyển sinh của trường, các thí sinh có chứng nhận SchoolRANK đảm bảo ngưỡng chất lượng của Trường ĐH FPT (đạt Top 50 SchoolRank) và tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học. Chỉ thí sinh đạt ngưỡng chất lượng mới được nộp hồ sơ tuyển sinh.
Việc nộp phí giữ chỗ là tùy chọn, không bắt buộc khi thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào Trường ĐH FPT. Các thí sinh đều nhận lại khoản phí giữ chỗ này khi nhập học, hoặc không học nếu như có lý do chính đáng.
Quy trình tuyển sinh của Trường ĐH FPT dựa vào ngưỡng chất lượng đặc thù, dựa trên sự lựa chọn tự nguyện có trách nhiệm của thí sinh, và ngưng nếu như nhận đủ hồ sơ như một giải pháp nhằm hạn chế hồ sơ ảo. Điều này giúp trường tiết kiệm nguồn lực, kết thúc tuyển sinh sớm, hạn chế tuyển vượt chỉ tiêu khi thông tin tuyển sinh mang tính xác thực cao hơn.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một cán bộ Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT có nắm thông tin về việc thu phí của Trường ĐH FPT và đã tham khảo Bộ Tài chính về việc thu phí này.
Theo đó, trong định mức kinh tế kỹ thuật, trường có quyền đưa mức phí này vào khoản thu của trường và phải có thỏa thuận trước với người học. Trường đã thông báo trước mức phí này và thí sinh chấp nhận nên cũng coi như đó là một thỏa thuận giữa hai bên.
Giao dịch dân sự
Theo luật sư Lê Bá Thường - giám đốc Công ty Luật Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM), việc đặt cọc giữ chỗ đăng ký xét tuyển giữa người học và nhà trường được xem như một giao dịch dân sự.
Do đó, việc trường và thí sinh có thỏa thuận với nhau về việc thí sinh phải đặt cọc tiền để giữ chỗ xét tuyển và phí giữ chỗ được chuyển thành phí nhập học khi thí sinh nhập học chính thức không trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Đồng thời, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quy định nhiệm vụ của các trường trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường.
Như vậy, việc trường nếu có công bố trước điều kiện phụ là thí sinh phải đặt cọc giữ chỗ khi tham gia xét tuyển để đảm bảo việc xét tuyển chính xác theo nhu cầu học thật của thí sinh thì việc trường thu tiền đặt cọc giữ chỗ xét tuyển là hợp lý.
Tổ chức đánh giá năng lực cho thí sinh không thi tốt nghiệp
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh không thể thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và đợt 2, Bộ GD-ĐT đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực cho các thí sinh này. Đây là nội dung công văn, do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn ký, gửi hai đại học trên vào ngày 23-7.
Thí sinh thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021 - Ảnh: HOÀNG AN
Theo Bộ GD-ĐT, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại một số địa phương, căn cứ vào điều kiện thực tế, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 trong các ngày 7 và 8-7-2021, đợt 2 sẽ tổ chức trong các ngày 6 và 7-8-2021.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh thuộc diện F0 hoặc diện phải cách ly theo dõi, thí sinh ở một số địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 không thể tham dự kỳ thi đợt 1, đợt 2.
Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh trên, Bộ GD-ĐT đề nghị các ĐH quốc gia chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Kỳ thi được thực hiện theo một số nguyên tắc: thông báo, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh có nguyện vọng tham gia dự kỳ thi đánh giá năng lực. Thời gian tổ chức thi phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và tuân thủ quy định phòng chống dịch tại các địa phương.
MINH GIẢNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận