10/04/2018 14:35 GMT+7

Muốn Facebook 'sạch' phải trả tiền?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới nhất của bà Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Công ty Facebook, đã hé lộ lựa chọn cho người dùng Facebook để thoát khỏi nỗi ám ảnh thông tin cá nhân bị khai thác.

Muốn Facebook sạch phải trả tiền? - Ảnh 1.

Bà Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Facebook - Ảnh: AFP

Trong chương trình Today Show của Đài NBC cuối tuần qua, người dẫn chương trình Savannah Guthrie đặt câu hỏi liệu có một tùy chọn nào khác cho những người dùng Facebook không muốn dữ liệu cá nhân của họ bị khai thác vào mục đích quảng cáo hay không. Bà Sheryl Sandberg trả lời: "Chúng tôi chưa có lựa chọn cho người dùng đứng ngoài hoạt động quảng cáo ở mức triệt để. Một lựa chọn như vậy sẽ phải trả tiền".

"Không có bữa trưa miễn phí"

Mặc dù hiện tại vẫn chưa có một chứng cứ đích xác nào cho thấy Facebook thực sự có kế hoạch giới thiệu tới người dùng lựa chọn xài Facebook "sạch" quảng cáo hoàn toàn, nhưng thừa nhận của bà Sandberg cho thấy một sự thật "trần trụi" là nguồn thu của Facebook phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc theo dõi thị hiếu cũng như thói quen hành vi của người dùng thông qua nền tảng mạng xã hội.

Và như vậy, việc cho phép người dùng bỏ lựa chọn bị khai thác thông tin cá nhân cũng đồng nghĩa với việc Facebook phải thay thế nguồn thu từ bán quảng cáo sang thu phí đăng ký sử dụng để bù đắp.

Không có gì bất ngờ trong quan điểm của bà Sheryl Sandberg. Cũng giống như Google, YouTube (thuộc sở hữu của Google), Facebook có nguồn thu nhập chính từ dịch vụ quảng cáo hiển thị theo ngữ cảnh, quảng cáo hướng tới các nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể.

Chính công nghệ quảng cáo này đã khiến Google và Facebook trở thành hai ông lớn dẫn đầu và thống lĩnh gần như trọn vẹn thị trường quảng cáo online và di động. Mà muốn đạt hiệu quả tốt ở công nghệ quảng cáo này, cả Google và Facebook đều phải triển khai tối đa mọi biện pháp để thu thập dữ liệu người dùng trên mọi phương diện, từ thói quen lướt web, đọc tin, thói quen mua sắm tới thời gian truy cập, các thao tác "like", "comment"...

Cũng không có gì bất ngờ khi bà Sandberg cho rằng nếu thực sự người dùng muốn sử dụng một phiên bản Facebook không bị khai thác thông tin người dùng, họ sẽ phải tính tới chuyện trả phí cho nó. Bởi cách làm này dường như là chuyện đương nhiên trong thế giới các ứng dụng và dịch vụ vốn được quảng cáo là "miễn phí" hiện nay.

Rõ ràng "không có bữa trưa nào miễn phí", và nếu người dùng hiểu rõ điều này, họ sẽ không quá sốc hay bất ngờ hoặc cảm thấy bị phản bội sau những bê bối vừa qua. Rất nhiều ứng dụng được cho là "miễn phí" hiện nay đều phải chọn cách hoặc chèn thêm quảng cáo để có nguồn thu phục vụ việc duy trì, phát triển ứng dụng hoặc yêu cầu người dùng cho phép họ truy cập danh bạ, hình ảnh, địa điểm để có thể sử dụng như các ứng dụng game, thời tiết, gọi xe... Nhiều ứng dụng có 2 phiên bản: phiên bản miễn phí kèm quảng cáo và phiên bản không quảng cáo nhưng thu phí với nhiều mức khác nhau theo tháng, quý hoặc theo năm.

Để giải quyết ổn thỏa vấn đề thông tin cá nhân, tôi cho rằng phải từ cả 3 phía: nhà nước phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ, bịt kín mọi "kẽ hở" để doanh nghiệp có thể lợi dụng; doanh nghiệp phải tôn trọng pháp luật, có lương tâm, đạo đức trong kinh doanh; và người dùng phải thông minh, sáng suốt và có hiểu biết về công nghệ

Luật sư Trần Hồng Phong

"Ý tưởng hay"

Đó là nhận định của luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn luật sư TP.HCM. "Tôi thấy ý tưởng người dùng phải trả phí để tài khoản của mình "sạch", không bị quảng cáo là một sáng kiến hay và cũng không có gì trái luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng, xét về tư cách là người sử dụng dịch vụ" - ông Phong nói.

Theo ông Phong, doanh nghiệp kinh doanh không "cho không" ai cái gì nếu không có lợi. Từ trước tới nay các mạng xã hội (như Facebook, Blogspot...) cho dùng miễn phí, nhưng đổi lại họ thu phí từ quảng cáo, từ khai thác cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng (gọi nôm na là Big Data). Những hãng như Facebook, Google hay Apple... rõ ràng đang có quá nhiều lợi thế, trong khi người dùng ít có lựa chọn.

"Tôi nghĩ rằng mỗi cá nhân một khi đã tham gia mạng xã hội miễn phí, tức là phải chấp nhận, chỉ là ở mức độ thấp hay cao thôi, việc bị lộ, bị khai thác thông tin. Đơn cử như qua việc sử dụng Gmail chẳng hạn, rõ ràng Google biết quá rõ về cá nhân bạn: từ sở thích cho đến đời sống tình cảm riêng tư, công việc kinh doanh... Nhưng liệu bạn có thể không dùng Gmail khi ai cũng dùng?" - luật sư Phong phân tích.

Facebook gửi thông báo tới tài khoản bị lộ thông tin

Theo thông báo của Facebook, ngày 9-4 giờ Mỹ, tất cả những tài khoản người dùng bị lộ thông tin trong vụ Cambridge Analytica sẽ nhận được thông báo. Facebook dự kiến đặt một đường link thông báo lên trên cùng trong bảng cấp tin (News Feed) của tất cả những tài khoản người dùng đã bị các ứng dụng bên thứ ba thu thập thông tin cá nhân. Thông báo đó cũng cho biết dữ liệu của người dùng có nằm trong số thông tin bị công ty phân tích dữ liệu chính trị Cambridge Analytica thu thập trái phép hay không.

Theo kế hoạch, ngày 11-4 ông chủ Facebook - tỉ phú Mark Zuckerberg - sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ về cách thức công ty này sử dụng dữ liệu người dùng.

Ai đã rời bỏ Facebook sau bê bối Cambridge Analytica?

TTO - Nhà đồng sáng lập Apple, kỹ sư Steve Wozniak, là nhân vật tiếng tăm mới nhất trong giới công nghệ vừa tuyên bố rời bỏ Facebook vì nỗi lo lộ thông tin cá nhân.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên