TTCT - Việc các đơn vị liên quan tự ý đưa tên các nhà khoa học vào dự án “nhận chìm” 1 triệu m3 bùn tại Bình Thuận khiến dư luận không khỏi băn khoăn: có hay không những dự án với cách làm tương tự như vậy? GS.TSKH Lê Huy Bá cung cấp thêm góc nhìn liên quan đến vấn đề này. Minh họa: Đức Trí Từ năm 1990-1991 bắt đầu nở rộ dịch vụ “báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM), đánh giá tác động môi trường chiến lược” (ĐMC), “thẩm định dự án”. Những bản báo cáo chạy theo lợi nhuận, chạy theo “lợi ích nhóm” mà đánh rơi tính khoa học, tính công và minh của nó cũng nở rộ từ đây. Nguyên nhân sâu xa của sự ra đời những ĐTM sơ sài, kém chất lượng như hiện nay trước tiên phải kể tới việc quy định chi trả cho ĐTM lại do chính chủ đầu tư, điều này không thể tránh khỏi bệnh “ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Người thực hiện ĐTM sẽ phải làm theo ý của chủ đầu tư, thậm chí phải “lobby” để được hội đồng khoa học (HĐ) thông qua. Nạn chia phần trăm, “phết phẩy” cũng nở rộ qua dịch vụ các HĐ này! “Mượn đầu heo nấu cháo”! Chính vì có ăn chia nên người ta thỏa thuận với nhau để thành lập HĐ, mà qua kết quả của HĐ là giúp chủ đầu tư “hóa giải” được những khó khăn về chất lượng công trình, ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây hại sinh kế người dân. Vì vậy mà chất lượng các buổi xét duyệt hay thẩm định của HĐ rất khiên cưỡng. Tất nhiên, kết quả chất lượng làm việc của HĐ sẽ là yếu kém. Các nhà khoa học chính trực sẽ phải lắc đầu: không theo họ thì mình sẽ bị cô lập, lần sau họ không mời mình nữa, mà hùa theo họ thì lương tâm cắn rứt. Mặt khác, trình độ chuyên môn của thành viên HĐ thường không cao hoặc có mà ở tầm “thâm thấp”, hoặc cũng có học hàm, học vị mà không đúng chuyên môn. Ví dụ: người có khả năng về địa chất thì lại được mời vào HĐ môi trường, người có chuyên môn hóa lại ngồi HĐ đa dạng sinh học, người có chuyên môn lâm nghiệp lại được đưa vào HĐ đánh giá tác động môi trường biển... Đáng buồn nhất là việc có một vài nơi lập HĐ giả mạo, mượn tên các chuyên gia theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, hay “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đây là lỗi hết sức tệ hại. Bên cạnh đó, cũng phải nói tới trào lưu ăn chia của “HĐ biến tướng” gần như phổ biến hiện nay, có thể coi đó là “căn bệnh trầm kha của thế kỷ”, sự ăn chia giữa các đối tác, giữa chủ đầu tư với tư vấn, với kiểm định... đã theo “luật bất thành văn”. Trong cuộc chơi này, nếu anh không theo sẽ bị bật ra khỏi guồng. Tất cả đều có móc xích với nhau. Nếu một thành viên thể hiện tính chính trực, lo ngại cho lợi ích nước nhà, lợi ích của dân mà lên tiếng thì ban tổ chức sẽ nhẹ nhàng cảm ơn chuyên gia đó và mãi về sau người này bị “mất hút vào dòng đời trôi nổi”. Thói thường, ban tổ chức thấy nhà khoa học nào không “ăn cánh” thì sẽ cô lập anh, “goodbye” anh ngay. Khi chọn êkip làm HĐ, ban tổ chức đã khéo léo đưa những người cùng phe vào để kết quả bỏ phiếu sẽ là “xuất sắc”, là hoàn hảo 100%, hoặc thông qua dễ dàng. Vì vậy, hậu quả là chất lượng dự án sẽ không cao được, mà tiền thì Nhà nước vẫn bị mất. Vùng nước xung quanh Hòn Cau (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) có nhiều loài thủy sinh quý hiếm. -Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn Bàn thêm chuyện “nhận chìm” 1 triệu m3 bùn Thật sự mà nói, kết luận của HĐ này là một việc làm phản khoa học, phản dân sinh. Thành phần bùn thải chưa được công bố công khai, chất kim loại nặng là gì, hàm lượng bao nhiêu, có chứa độc chất, độc tố gì? Theo thuyết minh của các cán bộ có trách nhiệm thì chỉ chứa bùn, cát. Nhưng ở mức độ nào cũng là chất thải đã bị ô nhiễm, vì vậy không ai cho phép đổ chất thải ra biển, nghĩa là không ai trên thế giới lại cho phép chuyển chất thải từ đáy sông cũ ô nhiễm ra biển, không ai dám cho chuyển dịch lượng ô nhiễm chỗ này sang chỗ khác mà không xử lý. Bên cạnh đó, biển Ninh Thuận - Bình Thuận có cảnh quan đẹp, có tài nguyên sinh vật biển giàu bậc nhất nhì thế giới, đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Và cũng rất mẫn cảm: có rạn san hô - một “rừng nhiệt đới biển”. Khi đổ xuống đây 1 triệu m3 bùn bẩn thì còn gì là rạn san hô nữa. Chỉ cần độ đục nước tăng lên vài chục phần trăm là san hô sẽ trở nên bạc trắng (chết). Kéo theo đó là dây chuyền thực phẩm biển: thực vật trôi nổi, động vật trôi nổi, rồi cá nhỏ, cá lớn đều bị tiêu diệt dần. Đó là chưa nói chất độc trong bùn nhiều dạng tiềm ẩn, nay xuống môi trường mặn sẽ sinh sôi, gây hại cho nuôi trồng thủy sản, tôm hùm giống, tôm hùm thịt và tác động đến đánh bắt ven bờ. Như vậy khu bảo tồn sinh quyển Hòn Cau tồn tại được nữa không? Muốn hệ sinh thái nhạy cảm này phục hồi phải mất nhiều chục năm! Ngoài ra, HĐ cũng cần cân nhắc từ “dìm” xuống biển. Đây chỉ là cách nói để lẩn tránh việc “đổ” hay “xả thải”. Xin nhớ nếu muốn “dìm” xuống biển đúng nghĩa trước tiên phải khảo sát đáy biển có cho phép không, mà “dìm” phải có nghĩa là cho chất thải đóng kín vào container, không cho dòng hải lưu cuốn đi, sóng biển đánh vào khối chất thải và nhất là không được cho phép chất thải phân tán ra biển. Hơn thế nữa, dự án này chưa lấy ý kiến cộng đồng. Thế mà HĐ căn cứ vào đâu bỏ phiếu thông qua? Từ đó, Bộ Tài nguyên - môi trường lại cấp phép xả thải. Đã cho phép rồi còn khảo sát đáy biển theo kiểu “vuốt đuôi” như vậy có ích gì đâu, mà chỉ tốn thêm nhân lực và tiền bạc để kiểm soát hằng ngày theo kiểu “thả gà ra mà đuổi”!■ Trả lại sự trong sáng cho hội đồng khoa học Thật ra hiện nay không ít ĐTM cũng như những buổi họp xét duyệt, thẩm định đề tài và dự án các cấp chỉ là hình thức, làm lấy lệ, nó đang được coi là công cụ “lừa nhau”, lừa dối cơ quan chức năng để kiếm tiền. Vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết là phải trả lại tính trong sáng, tính khoa học của các HĐ. Nên “chọn mặt gửi vàng”, chọn người và cơ quan có đủ uy tín, “có tâm và có tầm” để thành lập các dạng HĐ, để bảo đảm tính “công và minh”. HĐ phải là những nhà khoa học có uy tín, trong sáng, không “nói leo, nói dựa”. Riêng những công trình mang tầm chiến lược phải thận trọng khi giao nhiệm vụ cho người lập ĐTM, ĐMC hay HĐ. Quy định về thành lập hội đồng khoa học Điều 38 Luật khoa học và công nghệ quy định: Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thành lập hội đồng khoa học và công nghệ (HĐ) chuyên ngành hoặc thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thành phần HĐ chuyên ngành bao gồm nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ. HĐ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập tiến hành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mục đích, yêu cầu, nội dung, kết quả, tiến độ ghi trong hợp đồng đã được ký kết và chịu trách nhiệm trước người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ. HĐ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình. Tags: Ô nhiễm môi trườngTác động môi trườngĐánh giá tác độngHội đồng khoa học
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.