07/11/2017 09:58 GMT+7

Mượn đất quốc phòng để làm đường vào sân bay Tân Sơn Nhất

QUANG KHẢI - MAI HOA
QUANG KHẢI - MAI HOA

TTO - Mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay, mượn đường qua doanh trại Quân khu 7, mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hòa Hưng... là những giải pháp giảm kẹt vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Mượn đất quốc phòng để làm đường vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

TS Võ Kim Cương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HỮU KHOA

Đó là ba giải pháp mà TS Võ Kim Cương, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đưa ra tại hội thảo Giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, do Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức sáng 7-11.

Ý kiến này nhận được sự đồng tình cũng như phản biện của nhiều đại biểu là các chuyên gia tham dự.

Mượn đường

Theo TS Võ Kim Cương, sự nghiệp quốc phòng toàn dân là sự nghiệp chung, phải được ưu tiên, nhưng kinh tế phát triển và an dân là cơ sở hàng đầu để đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sau khi có sân bay Long Thành, cũng như hoàn chỉnh hệ thống GTVT theo quy hoạch, TP sẽ trả đất lại cho quốc phòng và ngành đường sắt theo đúng hợp đồng. Tuy nhiên ngay từ đầu cũng có thể đổi đất ở vị trí khác theo yêu cầu của an ninh quốc phòng.

Mượn đất quốc phòng để làm đường vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 2.

Xe cộ kẹt cứng ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU KHOA

Từ những phân tích đó, TS Võ Kim Cương đưa ra ba giải pháp.

Giải pháp thứ nhất: Mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay.

Việc mở đường song hành với đường Cộng Hòa rất cấp thiết không chỉ để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực Tân Sơn Nhất mà còn giúp đảm bảo nhu cầu giao thông đối ngoại giữa thành phố với khu vực Tây Bắc và nối sang Campuchia.

Đường này bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, theo đường Phan Thúc Duyện đi tiếp sát tường rào sân bay và nối vào đường Trường Chinh, lộ giới đảm bảo 6 làn xe (khoảng 25-30m).

Giải pháp thứ hai: Mượn đường qua doanh trại Quân khu 7. 

Đường này nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại Quân khu 7 nối vào Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng.

Để có phương án lâu dài, xin kiến nghị Bộ Quốc phòng chuyển Sở Chỉ huy Quân khu 7 về Củ Chi, ví dụ ở khu vực nằm giữa đường Vành đai 3 và Vành đai 4 trên địa bàn huyện.

Giải pháp thứ ba: Mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hòa Hưng. 

Nói là "mượn" nhưng thực chất là kiến nghị tạm ngưng khai thác đường sắt và triển khai sớm đường bộ trên mặt đất của tuyến đường sắt trên cao này.

Nếu mở được tuyến đường bộ có lộ giới 30m đi từ quảng trường Dân Chủ qua ga Hòa Hưng nối đến đường Phạm Văn Đồng sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển của thành phố và ngành đường sắt.

Mượn đất quốc phòng để làm đường vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều ban ngành liên quan và chuyên gia - Ảnh: HỮU KHOA

Có thể mượn đường, mượn đất quốc phòng?

Phải quan niệm sân bay là một sự kết nối đô thị, chứ không chỉ đơn thuần là nơi vận chuyển hành khách. Giải quyết bài toán ách tắc giao thông sân bay, phát huy thế mạnh sân bay gần trung tâm TP là yêu cầu cấp bách

PGS.TS NGUYỄN THIỆN TỐNG

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, giải pháp mượn đường, mượn đất quốc phòng của TS Võ Kim Cương là quá khó, trong khi GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống ủng hộ. 

Theo đó, đây là các giải pháp mới, phải thay đổi tư duy, bởi không phải là đất quốc phòng thì không thể đề xuất giải pháp.

Một trong những giải pháp về kinh tế được ủng hộ tại hội thảo là việc thành lập trung tâm hoạt động hàng không sân bay do ThS. Cao Ngọc Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP đưa ra.

Theo ThS. Cao Ngọc Thành, sân bay Tân Sơn Nhất ít nhất phải hoạt động đến năm 2030 và các năm sau đó, vì vậy việc giải quyết các ách tắc hiện nay là nhu cầu bức bách. Ông cho rằng để giải quyết các ách tắc này cần tiếp cận cách giải quyết theo góc nhìn mới.

Cụ thể, từ việc thành lập Trung tâm hoạt động hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Nhà nước có thể hình thành một vùng "lãnh thổ" mà sân bay phục vụ để có những chính sách riêng biệt cho khu vực này. Bên cạnh đó, chính sách giãn dân cũng phải tính đến. 

Từ các yếu tố trên, cần thiết có chính sách về quy hoạch đầu tư… để thúc đẩy hình thành một Trung tâm hàng không với hệ thống logistics và các tuyến xe buýt hoàn thiện vận hành trong khu vực cùng các phương tiện khác.

Theo quy hoạch ngành hàng không đến năm 2020, lượng hành khách quan sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đạt sản lượng là 25 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên năm 2016, lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất đã là 32 triệu lượt khách, tăng hơn 30% so với công suất thiết kế.

Dự báo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đến năm 2018, lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất có thể đạt 40 triệu lượt khách/năm. Trong các giờ cao điểm, sân bay có khi tiếp nhận đến 800 chuyến/ngày.

Do quá tải so với công suất thiết kế, hạ tầng chưa đồng bộ nên máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất thường phải chờ cất hạ cánh, dẫn đến tình trạng ùn tắc cả trên không và cả trong và ngoài khu vực sân bay.

QUANG KHẢI - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên