Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, Q.11, TP.HCM xem múa lân trong ngày hội xuân do nhà trường tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG
Dịp ăn tất niên với bạn bè vừa qua, gia đình chị Hà Thu (Bình Thạnh, TP.HCM) một phen muối mặt vì cậu con trai 6 tuổi. Thấy có món chả giò mình thích, cậu bé chồm lên bàn gắp lấy gắp để. Một người bạn của mẹ gắp cho bé miếng thịt gà, bé không cảm ơn mà còn xụ mặt la oai oái "con không thích"...
Chị Thu bực mình quyết định: "Từ nay không đưa con đến nơi đông người. Đã dặn kỹ ở nhà rồi mà vẫn làm ba mẹ mất mặt". Nhưng đây không phải cách dạy con đúng.
Dạy con "học ăn, học nói"
Việc trẻ ứng xử thiếu lịch sự trong ngày lễ tết, ngoài việc trẻ biết dịp này cha mẹ không hoặc ít khi phạt mình vì tâm lý "tết mà", thì còn do thói quen. Có thể trong sinh hoạt hàng ngày, vì bận bịu nên cha mẹ không có thời gian chú ý, uốn nắn trẻ.
Để tránh cho con thất thố khi đến chỗ đông người, cha mẹ nên gương mẫu, kiên trì hướng dẫn trẻ cách nói năng, đi đứng, ngồi và ăn uống sao cho lễ phép. Dạy con hiểu "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" là thể hiện tôn trọng người khác và tôn trọng mình.
Cha mẹ cũng nên dạy con ngồi ngay ngắn, không được tỳ tay vào bàn để ăn, khi gắp thức ăn nên quay đầu đũa, ăn miếng nào thì gắp miếng đó, không được lục tung thức ăn hay bốc bằng tay…
Để con quen, cha mẹ nên cùng con thực hiện những điều này ngay trong các bữa ăn hàng ngày ở nhà, kịp thời uốn nắn những hành vi chưa phù hợp. Thường xuyên khích lệ, động viên khi con có những cử chỉ lịch sự, lễ phép.
Cũng là chuyện con trẻ ngày tết, chị Hương (Biên Hòa, Đồng Nai) kể lại "kinh nghiệm xương máu" của mình: năm ngoái, chị dẫn cậu con trai H.Lộc, 8 tuổi đi thăm họ hàng. Thế nhưng bé nhất định không khoanh tay chào cô bác mà còn lí sự: "Sao người lớn không chào con trước mà bắt con chào?".
Vừa giận vừa xấu hổ, chị chợt nhận ra là do mình chưa dạy con kỹ càng, chưa đủ nghiêm túc với con. Vậy là sau đó, bất luận khi nào, ở đâu, chị đều uốn nắn con từng li từng tí về cách ứng xử đúng mực.
Chị cũng động viên, khuyến khích mỗi khi con làm tốt. Giờ gặp ai cháu cũng chào hỏi lễ phép, nhận quà luôn bằng hai và cảm ơn rất lịch sự.
Con sai không được làm ngơ
Điều quan trọng là cha mẹ không được làm ngơ khi con làm sai dù chỉ một lần và dù là ở nhà. Cũng không nên quát mắng con quá lời vì có thể khiến con xấu hổ, tủi thân, dẫn đến bị ức chế và phản kháng.
Để trẻ cư xử đúng mực, lịch sự, cả trẻ và cha mẹ đều phải trải qua quá trình cố gắng, rèn luyện thành thói quen. Cha mẹ có thể cùng con thực hành trong các tình huống giả định, chở con đi dự tiệc, liên hoan…để con "thực hành".
Đặc biệt cha mẹ phải luôn làm gương cho con. Đi đâu, làm gì cũng nên chủ động chào hỏi trước, dù đó là người nhỏ tuổi hơn mình, để con học theo.
Với những trẻ "cá tính", không chịu nghe lời, cha mẹ có thể chọn cách khác như cho con xem sách, phim hay video vui nhộn có nội dung hướng dẫn ứng xử để trẻ học theo.
Trên thực tế có những đứa trẻ cha mẹ nói bao nhiêu cũng không nghe, nhưng chỉ cần xem phim hoạt hình, thấy nhân vật làm gì là làm theo y hệt, cha mẹ có thể lợi dụng điểm này để dạy con.
Bên cạnh đó cũng có những đứa trẻ chỉ chào khi được người khác chào trước. Có thể trẻ học theo nước ngoài (trẻ nước ngoài không buộc phải chào hỏi như trẻ Việt, chỉ khi nào người lớn chào trẻ thì trẻ mới chào lại), cũng có thể trẻ muốn được người lớn thể hiện tôn trọng bằng cách chào trẻ trước.
Với trường hợp này, người lớn không nên ép trẻ mà hãy bao dung. Thay vào đó, hãy chào chúng trước để thể hiện thiện chí, trẻ sẽ chào lại xuất phát từ tấm lòng mình.
Ngày tết là dịp để mọi người đoàn tụ, thăm hỏi nhau. Gia đình cần dạy trẻ ý nghĩa thiêng liêng của ngày này để các bé có cách ứng xử hợp đạo lý. Bởi trong thực tế, có không ít đứa trẻ tết chẳng muốn đi đâu, chỉ ở nhà chúi mũi vào game online, lên Facebook... Có trẻ không muốn đến nhà ai vì ngại màn chào hỏi, chúc tết. Có trẻ thì khách tới nhà là chạy về phòng riêng, chỉ khi nào mẹ gọi mới chịu ra chào hỏi…
Những tình huống đó đều khiến khách lẫn cha mẹ dở khóc dở cười. Do đó, cần thường xuyên dạy trẻ cách ứng xử lịch sự với người khác, đừng để đến khi "có chuyện" rồi mới dạy trẻ hoặc trách trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận