Khi tuyển nữ tiếp tân, các nhà tuyển dụng Trung Quốc không chú trọng các giá trị bản thân mà chỉ chú ý các yếu tố xinh đẹp, biết giao tiếp. Trong ảnh là cảnh xếp hàng xin việc ở Quảng Đông - Ảnh: REUTERS
Công ty công nghệ Tencent Holdings là nhà cung cấp dịch vụ Internet, điện thoại di động và quảng cáo trên mạng hàng đầu Trung Quốc.
Trong một sự kiện công ty tổ chức năm 2017, các nhân viên nữ đã được yêu cầu dùng miệng mở chai nước kẹp giữa hai đùi các đồng nghiệp nam. Trong giới công nghệ Trung Quốc, hành vi xúc phạm phụ nữ như thế hiển nhiên được xem như một phần văn hóa công ty.
Pháp luật mơ hồ
Bộ luật Lao động cũng như các quy định riêng về bảo vệ lao động nữ ở Trung Quốc lấy lý do bảo vệ phụ nữ nên không cho phép phụ nữ làm một số công việc lao động nặng như làm việc trong hầm mỏ, lắp đặt đường dây điện.
Tuy nhiên theo chuyên gia Éric Sautedé ở Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc hiện đại, các quy định pháp luật này đã đi ngược với nguyên tắc cấm phân biệt nam nữ trong hiến pháp Trung Quốc.
Ông lưu ý: "Vẫn tồn tại suy nghĩ chung rằng trọng nam khinh nữ là chuyện hiển nhiên… Các nhà tuyển dụng không dựa trên một số giá trị bản thân. Nếu cần nữ tiếp tân xinh đẹp, duyên dáng, có kỹ năng giao tiếp, người ta sẵn sàng rao như thế trong quảng cáo".
Ông ghi nhận các cơ quan công quyền Trung Quốc làm gương xấu đầu tiên. Bằng chứng là từ nhiều thập niên qua, nhiều cơ quan vẫn thông báo tuyển dụng người mang tính chất phân biệt nam nữ.
Ngôi sao phim sex Sola Aoi tham gia sự kiện do Tập đoàn Alibaba tổ chức ở Bắc Kinh ngày 29-3-2012 - Ảnh: AFP
Nữ nhân viên ăn mặc như diễn viên phim sex
Ngày 23-4 vừa qua, tổ chức Human Rights Watch đã công bố báo cáo 99 trang với tiêu đề "Chỉ nam giới nhận việc. Phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các thông báo tuyển người ở Trung Quốc".
Báo cáo ghi nhận tổ chức này đã tìm thấy từ năm 2013-2018 có hơn 36.000 quảng cáo tuyển dụng phân biệt nam nữ ở Trung Quốc. Các thông báo thuộc đủ mọi ngành nghề nhà nước lẫn tư nhân.
Cơ quan tuyển dụng thường loại trừ nữ giới một cách quá tay trong tuyển dụng, trừ loại công việc quảng bá sản phẩm.
Chẳng hạn 19% quảng cáo tuyển dụng của các cơ quan chính phủ trong năm 2018 chỉ tuyển nam hoặc ưu tiên cho nam giới; 55% quảng cáo đăng trong năm 2017 của Bộ Công an nêu rõ "chỉ tuyển nam".
Chưa kể cơ quan tuyển dụng còn bày ra đủ thứ yêu cầu về thể lực, chịu được áp lực công việc, thời gian làm việc kéo dài.
Để chiêu dụ, thông báo tuyển dụng còn hứa hẹn các ứng viên nam sẽ được làm việc trong môi trường đầy... gái đẹp.
Năm 2015, Tập đoàn Alibaba đăng quảng cáo tuyển dụng yêu cầu nữ ứng viên phải có ngoại hình như ngôi sao phim sex Nhật Sola Aoi. Sau khi bị báo chí phê phán, câu so sánh với Sola Aoi bị gạch bỏ nhưng quảng cáo vẫn giữ nguyên. Ba năm trước đó, Alibaba đã từng mời Sola Aoi tham dự một sự kiện cổ động.
Khi muốn tuyển nhân viên nữ, các quảng cáo quyển dụng thường đòi hỏi đủ thứ về ngoại hình như "chỉ tuyển nữ từ 18-30 tuổi, cao trên 1,63 m, ngoại hình mảnh mai, dễ nhìn".
Các kiểu quảng cáo như trên đã phản ánh quan điểm truyền thống "trọng nam khinh nữ" vốn xem phụ nữ thua kém nam giới về thể lực, trí tuệ và tâm lý.
"Trên thực tế ở Trung Quốc tác phẩm khiêu dâm trên mạng vẫn không bị trấn áp triệt để. Cách đây vài năm chúng tôi thường thấy nhiều quảng cáo mang tính chất khiêu dâm trên các trang của chính phủ. Nói chung, đấu tranh chống bóc lột tình dục không phải là mục tiêu ưu tiên của chính phủ, bởi thế các công ty cứ áp dụng kỹ thuật tiếp thị nào mà họ biết sẽ mang đến hiệu quả
Bà Séverine Arsène , tổng biên tập báo điện tử AsiaGlobal Online của Đại học Hong Kong
Trong Tập đoàn Alibaba, nữ chỉ chiếm 47% tổng số nhân viên. Trong ảnh là nhân viên Alibaba ở Hàng Châu - Ảnh: CHINAFOTOPRESS
Alibaba cũng "trọng nam khinh nữ"
Nhiều công ty cho rằng lao động nữ nghỉ sinh dẫn đến tốn kém và bất lợi. Phụ nữ lo cho con bị đánh giá là không toàn tâm toàn ý trong công việc. Cuối cùng nếu muốn có mái ấm gia đình, họ buộc phải bỏ công việc có lương.
Trong một đoạn video ngắn công bố trên báo New York Times, nhà văn - nhà báo nữ Trương Lệ Giai cho biết chỉ có ba trường hợp "trọng nam khinh nữ" thắng kiện với khoản tiền bồi thường nhỏ nhoi 2.000 nhân dân tệ.
Trên thực tế còn nhiều trường hợp khác nhưng phần lớn đã giải quyết ngoài tòa với số tiền bồi thường cao hơn, từ 30.000 - 50.000 nhân dân tệ.
Nói chung chuyện tố cáo nạn "trọng nam khinh nữ" ở Trung Quốc lắm nhiêu khê. Đầu tháng 2-2018, một người lấy tên giả là Xuân Thanh gửi 87 bức thư tố cáo đến công đoàn trung ương và các văn phòng công đoàn ở 29 tỉnh.
Kết quả chỉ có 13 thư trả lời. Duy nhất một thư của công đoàn thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam ) thông báo đã điều tra và xử phạt doanh nghiệp liên quan. Các địa phương còn lại viện dẫn bộ luật lao động giải thích không thể xử phạt.
Tại Tập đoàn Alibaba, phụ nữ chỉ chiếm 47% tổng số nhân viên. Ông chủ Jack Ma giải thích đó là yếu tố thành công của tập đoàn. Quả là điều nghịch lý khi văn hóa "trọng nam khinh nữ" đã trở thành điều bình thường trong cuộc sống.
Thông báo tuyển người ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS
Tại Trung Quốc, khoảng cách về lương giữa nam và nữ ngày càng tăng. Năm 1990, lao động nữ ở thành thị lĩnh lương bình quân bằng 77,5% lương đồng nghiệp nam giới và lao động nữ ở nông thôn lĩnh lương bằng 79% đồng nghiệp nam giới. Đến năm 2010, con số này giảm còn 67% ở thành thị và 56% ở nông thôn.
Phụ nữ chỉ chiếm 20% vị trí có trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước trong năm 2010. 20% cơ quan và công ty hoàn toàn không có lãnh đạo nữ. Gần 90% nữ tốt nghiệp đại học cho biết đã từng bị phân biệt nam nữ khi đi tìm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận