Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các nhà giáo dục bên lề Hội thảo đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
TS Hà Thúc Viên - phó hiệu trưởng ĐH Việt Đức - cho rằng muốn hợp tác quốc tế và tạo ra nguồn lao động toàn cầu thì cần một chương trình đào tạo theo mô hình quốc tế, trong đó chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu.
"Chất lượng đào tạo là điều kiện ràng buộc cho quá trình quốc tế hóa" - ông Viên nói.
Ông Viên nhấn mạnh rằng để đảm bảo chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng dạy cũng là yếu tố quan trọng, trước hết cần đào tạo những giảng viên đáp ứng chuẩn quốc tế, trong đó chú trọng kỹ năng tiếng Anh.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách thu hút đội ngũ giáo sư và sinh viên nước ngoài, nhất là những cá nhân có chất lượng, đến Việt Nam, giúp mở rộng không gian vật lý và không gian học thuật trong môi trường ĐH, từ đó tạo cho người học có cơ hội rèn luyện chuyên môn và kỹ năng.
TS Hà Thúc Viên - phó hiệu trưởng ĐH Việt Đức - trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
Tương tự, ông Alan Malcolm - tổng giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Pearson - cho rằng khả năng thành thạo tiếng Anh của giảng viên là rất cần thiết trong quá trình quốc tế hóa giáo dục.
Theo ông, giảng viên với năng lực tiếng Anh tốt không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn hướng tới việc đứng lớp tất cả các môn khác bằng tiếng Anh. Khi đó, môi trường đại học mới thực sự hội nhập.
Cũng theo ông Malcolm, khi công nghệ ngày càng phát triển, các trường ĐH cũng cần tăng cường áp dụng vào giảng dạy. Công nghệ như công cụ lắp đầy khoảng trống của tình trạng thiếu giảng viên giỏi, giúp quản lý người học và quá trình giảng dạy.
Ông Alan Malcolm - tổng giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Pearson - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực quốc tế xuất phát từ xu thế hội nhập, đáp ứng nhu cầu đổi mới, và nhằm phục vụ sự phát triển của TP.HCM.
Ông Quân đặt vấn đề "nên chăng để giáo dục phát triển theo hướng thị trường", trong đó coi các bên liên quan là khách hàng: sinh viên là khách hàng, doanh nghiệp là khách hàng, và TP cũng là khách hàng.
Khi là khách hàng, TP nên có một cơ chế "đặt hàng" đạo tạo nhân lực, nhất là nhân lực quốc tế, với các trường ĐH.
Theo ông Quân, nhân lực trình độ quốc tế được nhận diện qua 5 yếu tố: thứ nhất được đào tạo toàn diện, thứ hai có ngoại ngữ và kiến thức về quốc tế, thứ ba có kết nối với doanh nghiệp và kinh nghiệm thực tế, thứ tư có khả năng học tập suốt đời, và cuối cùng có tinh thần khởi nghiệp.
Để tạo được nguồn nhân lực này, ông Quân đề xuất TP và các trường ĐH có thể cùng nhau xây dựng một trung tâm cải tiến công nghệ, song song với hình thành một mô hình đại học dựa trên nền tảng công nghệ, giúp chia sẻ những tài liệu, tài nguyên mà TP có thể dễ dàng sử dụng.
Nhiệm vụ trọng tâm của TP
Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - bên lề hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ.
Chính vì vậy, định hướng giáo dục đào tạo nói chung và định hướng trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của TP trong thời gian tới.
Ông Phong cho rằng hiện nay, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau, để giúp họ phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, bậc học, các trình độ đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận