10/07/2024 14:50 GMT+7

Muốn có công nghiệp văn hóa, phải hỗ trợ tư nhân

Nhạc sĩ Quốc Trung góp ý muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì phải xóa đi ranh giới giữa đội ngũ sáng tạo trong khu vực nhà nước và khối tư nhân. Ý kiến này nhận được nhiều sự tán đồng.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Ảnh: BTC

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Ảnh: BTC

Hội thảo tham vấn đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia và Cục Bản quyền tác giả phối hợp tổ chức vào ngày 9-7 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương - viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia - nói "hội thảo đã thu nhận được những lời tâm huyết từ cái nhìn của người trong cuộc".

Nói nhiều nhưng không thay đổi

Nhạc sĩ Quốc Trung kể ông đã dự nhiều hội thảo về công nghiệp văn hóa và đóng góp ý kiến thẳng thắn song chưa thấy bất cứ chuyển biến nào.

Thậm chí sau sô diễn của BlackPink ở Hà Nội năm 2023, khi đến làm việc với các cơ quan của TP Hà Nội để tổ chức sản xuất chương trình âm nhạc thì các cơ quan này đều dẫn trường hợp sô diễn ấy như một nỗi kinh sợ với họ để "nói khó" với các nhà sản xuất như Quốc Trung.

Khi công ty của Quốc Trung tổ chức Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2023, dù biểu diễn gần như miễn phí ở nhiều điểm văn hóa của quận Hoàn Kiếm, được quận hỗ trợ tốt, nhưng khi "động" vào rạp Công Nhân (của Nhà hát Kịch Hà Nội) thì lại gặp khó vì những quy định sử dụng, khai thác các thiết chế văn hóa công.

Những khó khăn với khối tư nhân làm công nghiệp sáng tạo đã hạn chế rất lớn sự đóng góp của họ vào phát triển công nghiệp văn hóa, hạn chế sự cạnh tranh lành mạnh giữa các lực lượng sáng tạo trong và ngoài nhà nước.

Nhạc sĩ Quốc Trung đề nghị trong chính sách phát triển văn hóa phải xóa đi ranh giới trên, sự hỗ trợ phải được chia đều. Nếu các đơn vị làm văn hóa nhà nước làm nhiệm vụ chính trị thì các đơn vị làm văn hóa ngoài khu vực nhà nước cũng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, đều đóng góp quan trọng cho xã hội.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Minh (Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng đầu tư trong lĩnh vực văn hóa cần có sự thay đổi.

Lâu nay Nhà nước chi tiền cho văn hóa phục vụ các mục tiêu của Nhà nước thông qua các tổ chức, các công cụ thuộc về Nhà nước.

Nhưng theo thông lệ trên thế giới và xu hướng ở Việt Nam tới đây, cần cân nhắc chuyển dịch dần sự hỗ trợ của Nhà nước sang các tổ chức tư nhân tham gia lĩnh vực văn hóa để thực hiện một số công việc của Nhà nước, chứ không chỉ Nhà nước đứng ra làm.

"Việc huy động nguồn lực đầu tư cho văn hóa có lẽ phải nhìn theo hướng ấy mới đưa ra các chính sách thuế, tín dụng… phù hợp", ông Minh nói.

Ông Lê Quốc Vinh dẫn ví dụ trường hợp phim Đất rừng phương Nam bị công chúng 'a dua' tẩy chay khiến phim không đạt được tới hạn thành công của nó - Ảnh: ĐPCC

Ông Lê Quốc Vinh dẫn ví dụ trường hợp phim Đất rừng phương Nam bị công chúng 'a dua' tẩy chay khiến phim không đạt được tới hạn thành công của nó - Ảnh: ĐPCC

Sự kỳ thị, "a dua" của công chúng có thể "giết" công nghiệp văn hóa?

Cùng xu hướng kêu gọi sự ủng hộ với khối tư nhân, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nói công nghiệp văn hóa muốn phát triển thì cần hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành nền kinh tế thị trường. 

Phải có chính sách đãi ngộ cho những người trực tiếp sáng tạo văn hóa, các doanh nhân, nhà đầu tư

Nhưng thực tế, việc quản lý văn hóa hiện dựa nhiều vào cảm nhận cá nhân của những người thừa hành, thay vì theo bộ tiêu chí rạch ròi.

Các nhà sản xuất trong lĩnh vực này đang phải chấp nhận tỉ lệ thua lỗ cao hơn các ngành khác vì nhiều lý do, trong đó có lý do đến từ sự cảm tính của nhà quản lý khiến quy trình cấp phép kéo dài hoặc không được cấp phép…

Ví dụ sô BlackPink, ông Vinh nói hiện pháp luật liên quan không có tính pháp chế chặt chẽ để quản lý những chương trình lớn, khiến rủi ro cho các nhà sản xuất rất lớn.

Ông Vinh nêu một vấn đề nữa là "sự định kiến, kỳ thị, a dua của công chúng có thể giết chết công nghiệp văn hóa".

Ông ví dụ phim Đất rừng phương Nam. Theo ông, định kiến của công chúng đã cản trở bộ phim đạt tới giới hạn thành công của nó.

Hiện không có một chế định nào giúp các nhà sản xuất, kinh doanh bảo vệ sản phẩm của họ trước các "đòn" tấn công mang màu sắc chủ đích tẩy chay sản phẩm.

Ông Vinh cho rằng công nghiệp sáng tạo biến đổi rất nhanh, tạo ra nhiều hình thức kinh doanh mới, chiếc áo chật hẹp của cơ chế và khung pháp lý cứng nhắc sẽ "trói chân" các doanh nghiệp.

Ông đề xuất cần có những quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, các công ty kinh doanh công nghiệp văn hóa. Họ phải được đối xử công bằng như các nhà đầu tư ở các ngành công nghiệp khác.

Tại hội thảo, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) được nêu ra như một ví dụ của việc chính quyền đầu tư cho di sản văn hóa mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Tuấn Long - chủ tịch UBND quận - cho biết những năm qua quận đã dành nhiều ngân sách tu bổ các di tích văn hóa trên địa bàn, biến thành các không gian văn hóa sáng tạo, kêu gọi nghệ sĩ tham gia phát huy giá trị cảnh quan của thành phố.

Quận cũng mạnh dạn đi đầu trong việc tổ chức các không gian đi bộ quanh khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm. Sáu tháng đầu năm nay thu ngân sách của quận này cao nhất từ trước tới nay, lượng khách du lịch đã phục hồi như thời điểm trước dịch COVID-19.

Hợp tác công tư không phải là chiếc đũa thần

Ủng hộ xã hội hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa nhưng bà Vũ Quỳnh Lê - phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - góp ý đơn vị soạn thảo nên có phân tích cụ thể để đánh giá sự sẵn sàng của ngành mình đối với mô hình PPP (hợp tác công tư), bởi hiện còn thiếu nhiều về cơ chế để khu vực công và khu vực tư hoạt động tốt.

Theo bà, PPP không phải cây đũa thần giải quyết tất cả các việc, phải đặt đúng vị trí của mô hình này.

Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Dành quỹ riêng cho phát triển điện ảnhPhát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: Dành quỹ riêng cho phát triển điện ảnh

Đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi thuế thu hút đầu tư lĩnh vực văn hóa... là những góp ý nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên