Quay trở về những năm cuối thập kỷ 1980 đến giữa thập kỷ 1990 - lúc nước ta bắt đầu đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở các trường phổ thông, giáo viên tiếng Anh thiếu trầm trọng nên các tỉnh đã ồ ạt gửi người đi đào tạo.
Tại thời điểm ấy, ở khoa ngoại ngữ của các trường đại học lúc nào cũng có rất nhiều lớp mang tên địa phương cùng với các lớp cử tuyển của bộ. Các lớp này đương nhiên không kiểm tra chất lượng đầu vào nên cho dù đào tạo ở các trường đại học có tốt đến bao nhiêu đi nữa thì đầu ra cũng không thể nào ngang bằng với các lớp chính quy. Ngoài ra, sinh viên ở ngay các trường đại học cũng không có nhiều cơ hội thực hành tiếng với người bản ngữ.
Thêm vào đó, mặc dù nước ta hội nhập đã lâu nhưng giáo viên tiếng Anh chẳng có mấy cơ hội tiếp cận với thế giới cũng như để thực hành tiếng. Dĩ nhiên, ngành giáo dục luôn kêu gọi mỗi giáo viên là một tấm gương tự học và sáng tạo. Nhưng chất lượng chung không thể nào vì kêu gọi tự giác (hoặc tự phát) mà cao lên được. Mỗi năm vào dịp hè, giáo viên lại được tập trung mấy ngày gọi là tập huấn chuyên môn (cho có). Mỗi tỉnh cử vài người đi tập huấn, rồi những giáo viên được tập huấn này về truyền đạt lại cho các giáo viên khác. Chất lượng của những ngày tập huấn ngắn ngủi này chẳng khác gì những giọt cà phê dưới phin.
Thế rồi đùng một cái, giáo viên được triệu tập để khảo sát theo tiêu chuẩn chung của châu Âu. Sát hạch theo chuẩn quốc tế nhưng tổ chức lại cập rập chẳng giống bất cứ kỳ thi nào. (Nếu muốn lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nào, thí sinh phải có thời gian tự học hoặc tham gia ôn tập mới mong đạt được kết quả mong muốn). Ai cũng biết không chỉ là kiến thức, ngoại ngữ còn là một kỹ năng, cần rèn luyện và thực hành nhiều.
Không chỉ ngơ ngác với kết quả thi thảm hại, giáo viên tiếng Anh còn bất ngờ hơn với kiểu bổ sung kiến thức sau khảo sát. Theo tiêu chí, giáo viên THPT phải đạt được trình độ C1, THCS phải đạt trình độ B2 và giáo viên tiểu học là B1. Để đạt từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn, giáo viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng trong vòng... một tháng! Bốn năm đào tạo ở đại học có thể không đạt chuẩn nhưng chỉ cần độ một tháng bổ sung kiến thức là có thể đạt chuẩn châu Âu? Cho nên, vừa kết thúc năm học giáo viên ngoại ngữ lại chộn rộn chuẩn bị để tham gia các lớp đào tạo lại (mà một số người gọi là lớp “giải ngân dự án”).
Khảo sát và đào tạo lại đương nhiên là việc làm cần thiết, nhưng liệu có thật sự hiệu quả không hay chỉ hao tiền tốn của khi chương trình học và cách thức kiểm tra đánh giá vẫn như cũ? Với chương trình học vẫn mang nặng tính hàn lâm và các bài thi thiên về đọc hiểu và ngữ pháp, từ vựng như hiện nay, đừng nói gì giáo viên đạt chuẩn hay không đạt chuẩn mà cứ thử đưa giáo viên bản ngữ về dạy ôn thi tốt nghiệp xem kết quả có đạt cao như mong muốn? Nếu không có sự thay đổi đồng bộ, e rằng dự án đi qua, mọi thứ lại im lìm như cũ.
Nên chăng cần xem xét lại cách thức kiểm tra đánh giá đối với môn ngoại ngữ. Nên xem ngoại ngữ là một chứng chỉ bắt buộc đối với học sinh tốt nghiệp THPT hơn là một môn thi. Bên cạnh đó, để tiếp cận với chuẩn chung của thế giới, tại sao chúng ta không sử dụng giáo trình chung mà phải tự soạn ra bộ sách riêng của mình? Dạy và học theo giáo trình nội địa để bắt kịp tiêu chuẩn châu Âu, liệu có phải là một việc quá sức cho cả thầy lẫn trò?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận