30/04/2019 13:45 GMT+7

Muốn chống gian lận thi cử, các trường ĐH phải giám sát toàn bộ các khâu

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Kinh nghiệm nào được rút ra từ các sai sót trong kỳ thi năm trước khi cả ngành giáo dục và thậm chí công an cũng "nhúng chàm"? Các trường ĐH cần gì ở các địa phương, ban ngành?

Muốn chống gian lận thi cử, các trường ĐH phải giám sát toàn bộ các khâu  - Ảnh 1.

Cán bộ, giảng viên các trường ĐH tham gia công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Năm nay, các trường ĐH sẽ tham gia chủ trì thêm khâu chấm thi - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Năm nay, các trường ĐH trong cả nước lãnh trách nhiệm nặng nề hơn trong việc phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để đảm bảo diễn ra thật nghiêm túc. 

Dù trước đây các trường đã có kinh nghiệm nhiều năm chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thi, chấm thi nhưng với "dư âm kinh hoàng" như kỳ thi năm 2018, các trường càng cảm thấy phải cẩn trọng và chuẩn bị kỹ càng hơn.

Cần tăng cường giám sát tất cả các khâu

* PGS.TS HUỲNH THANH HÙNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Năm nay nhà trường được Bộ GD-ĐT phân công phối hợp tổ chức thi và là đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Gia Lai. 

Năm ngoái trường cũng cử 550 cán bộ, giảng viên đến Gia Lai tham gia công tác phối hợp tổ chức thi. 

Nhà trường vừa triển khai tập huấn cho tất cả cán bộ nhân viên bộ phận khảo thí và đào tạo của trường về công tác chấm thi trắc nghiệm. 

Chúng tôi sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực tham gia công tác kỳ thi, chấm thi theo yêu cầu của địa phương. 

Theo phân công của bộ, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc... phục vụ công tác chấm thi. 

Tuy nhiên, nếu địa phương không chuẩn bị được, chúng tôi hoàn toàn có khả năng lo được việc này.

Năm nay Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp điều chỉnh toàn bộ quy trình từ lưu trữ bài thi, đặt camera giám sát nơi lưu trữ bài thi, chấm thi... Sự điều chỉnh này về cơ bản là đảm bảo chặt chẽ, góp phần hạn chế tiêu cực. 

Bên cạnh việc gắn camera còn có lực lượng an ninh là công an và cán bộ thanh tra của các trường ĐH giám sát nhiều vòng nên những người có ý đồ gian lận, tiêu cực cũng dè dặt và khó hành động hơn. 

Tuy nhiên, việc chấm thi tự luận vẫn do các sở GD-ĐT phụ trách. Trước đây, việc chấm thi tự luận được thực hiện hai vòng độc lập, người chấm vòng 1 không biết người chấm vòng 2 là ai. Sau hai vòng chấm nếu điểm chênh lệch tiếp tục chấm lại. 

Nếu có thể đưa cán bộ chấm thi từ địa phương khác chấm vòng 2 sẽ tốt hơn. Đồng thời cần tăng cường vai trò giám sát của trường ĐH ở khâu này và công tác chấm thanh tra bài thi của Bộ GD-ĐT.

* ThS PHẠM THÁI SƠN (giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):

Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay giao cho các trường ĐH chủ trì sẽ đảm bảo khách quan và yên tâm hơn. 

Ngoài các biện pháp kỹ thuật như mã hóa dữ liệu, gắn camera theo dõi 24/24 giờ khu vực chấm thi, cần tăng cường công tác giám sát từ phía bộ phận an ninh và Bộ GD-ĐT, toàn bộ nhân sự chấm trắc nghiệm sẽ được huy động từ phía trường ĐH, bộ phận giám sát sẽ là của công an, cán bộ sở và có thể tăng cường từ Bộ GD-ĐT. 

Đối với chấm tự luận nên để các trường ĐH bố trí nhân sự hỗ trợ và giám sát công tác chấm, nếu cần thiết khâu chấm kiểm tra 5% sẽ do trường đảm nhận.

Tăng cường các giải pháp công nghệ

* PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Nhìn vào danh sách các trường được Bộ GD-ĐT phân công nhiệm vụ phối hợp tổ chức kỳ thi năm nay, có thể thấy sự điều chuyển khá nhiều giữa các đơn vị được giao chủ trì cụm thi so với mọi năm. 

Chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng việc giao cho một trường ĐH không thuộc địa phương đó chấm thi đã là một giải pháp tăng cường yếu tố khách quan. 

Muốn ngăn chặn tiêu cực phải giao cho các trường ĐH chủ trì, giám sát toàn bộ các khâu của kỳ thi. 

Cán bộ an ninh tham gia chấm thi trắc nghiệm cũng phải từ các tỉnh khác chứ không chỉ là người địa phương. 

Đặc biệt cần tăng cường các giải pháp công nghệ, gắn camera khu vực tập kết bài thi và nơi chấm thi 24/24 giờ bên cạnh việc cử lực lượng an ninh, thanh tra giám sát.

* PGS.TS ĐỒNG VĂN HƯỚNG (phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):

Khi giao cho các trường ĐH chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm, nếu làm theo đúng quy chế sẽ không có tiêu cực. 

Việc chấm trắc nghiệm khá nhẹ nhàng vì có máy móc hỗ trợ hết rồi. Máy tính phục vụ khâu chấm thi phải là mới, không có cài bất cứ phần mềm nào có đủ các bên giám sát. 

Để đảm bảo máy này không truyền tin ra ngoài được, chúng tôi sẽ cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra kỹ tất cả máy tính phục vụ chấm thi. 

Hết thời gian làm việc sẽ niêm phong toàn bộ và gắn camera giám sát 24/24 giờ.

* TS TÔ VĂN PHƯƠNG (phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang):

Thực tế cho thấy gian lận năm 2018 là xuất phát từ khâu chấm thi, do vậy đối với chấm thi tự luận thì đề nghị đặc biệt quan tâm các khu vực bảo quản đề/bài thi cho đến khu vực chấm thi cần thực hiện nghiêm quy định gắn camera giám sát, công an bảo vệ. 

Cần có sự giám sát chặt chẽ, đặc biệt khi đóng mở phòng chứa bài thi, phòng chấm thi và tủ đựng bài thi cần phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra. 

Ở khâu làm phách thì mã phách phải được giữ bí mật; gian lận ở chấm thi tự luận, trước tiên và xuất phát của việc gian lận là từ việc lộ mã phách của thí sinh, từ đó dẫn đến gian lận trong khi chấm thi. Vì vậy, cần có sự tham gia của cán bộ đến từ trường ĐH phối hợp.

Lựa chọn nhân sự kỹ càng

* TS NGUYỄN QUỐC ANH (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM):

Quy chế thi THPT quốc gia năm nay đã được sửa đổi bổ sung nhiều quy định khá chặt chẽ, hạn chế được tối đa tiêu cực. 

Trong đó, mấu chốt quan trọng vẫn là yếu tố con người. Vì dù quy chế chặt chẽ đến mấy mà con người cố tình sai phạm vẫn có thể tìm cách gian lận. 

Vì vậy, các sở cần rà soát thật kỹ số cán bộ, giáo viên của địa phương được phân công tham gia công tác trong kỳ thi này, phải loại bỏ những người không đáp ứng về mặt đạo đức. 

Phần tập huấn rất quan trọng. Công tác phối hợp giữa các trường ĐH và địa phương cần có hướng dẫn chi tiết hơn để đưa ra mọi tình huống.

* TS TÔ VĂN PHƯƠNG:

Do xác định khâu nhân sự là việc quan trọng nên nhà trường cử một lãnh đạo và hai cán bộ kỹ thuật tham gia tập huấn chấm thi trắc nghiệm. 

Sau đó đã chủ động cài đặt phầm mềm theo quy định của bộ, giả lập bài thi và đáp án để cán bộ thực hành chấm theo đúng quy trình của bộ cho những người liên quan. 

Để làm tốt hơn việc này, trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm cung cấp phiên bản chính thức, hướng dẫn chi tiết bằng văn bản và video cũng như dữ liệu kèm theo của phần mềm chấm trắc nghiệm để các trường có thời gian chạy thử và tập huấn cho cán bộ.

* ThS PHẠM THÁI SƠN:

Về phía bộ phận công an tham gia công tác giám sát cũng cần được Bộ Công an quán triệt tinh thần, được lựa chọn kỹ càng. 

Đồng thời bộ phận công an tham gia làm nhiệm vụ cần được tập huấn nhiệm vụ chung với các cán bộ làm nhiệm vụ thì sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp làm việc, từ đó có sự giám sát chặt chẽ hơn. 

Thực ra nếu công an không được tập huấn nghiệp vụ sẽ khó theo dõi và phát hiện được sai phạm trong quy trình tổ chức. 

Theo quy định, các trường ĐH lo khâu nhân sự. Để đảm bảo khách quan hơn, các trường ĐH phải có trách nhiệm sàng lọc, lựa chọn nhân sự kỹ càng để phân công nhiệm vụ tổ chức kỳ thi. 

Cần thiết, có thể không phân công cán bộ, giảng viên trước đây là người của địa phương về quê mình coi thi, chấm thi...

886.000 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, hơn 1/2 thi khoa học xã hội

TTO - Thống kê sơ bộ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 653.000 thí sinh (khoảng 74%) đăng ký lấy kết quả để xét tuyển đại học.

TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên