14/12/2016 14:45 GMT+7

​Muốn chồng chia sẻ công việc đừng nên ở nhà chồng

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Muốn chồng chia sẻ việc nhà, tuyệt đối đừng ở chung với nhà chồng. Có mẹ bênh vực, đàn ông dễ ỷ lại việc cho vợ và sinh hư.

Minh họa: Ry Nguyễn

Xung quanh diễn đàn , bạn đọc Phan Tuyết đã gởi đến chuyên mục  Tuổi Trẻ Online bài viết kể về câu chuyện mà chị đã chứng kiến.

"Lâu ngày mới gặp cô em gái nhưng trông nó u sầu, buồn bã khác thường. Được lời, em dốc bầu tâm sự vốn được dồn nén bấy lâu: “Em bức xúc không thể chịu nổi, công việc cơ quan ngập đầu, về đến nhà công to việc lớn gì cũng đến tay. Người ta có chồng thì được nhờ, còn mình có chỉ thêm mệt người”.

Nghe xong, tôi nói: “Ngày trước dì chẳng khen cậu ta lắm mà, mới mấy năm đã chán rồi à?”.

Nghe thế cô em giãy nảy: “Ổng hư cũng do thời gian đầu ở chung nhà chồng, do được mẹ chiều và bênh chằm chặp nên giờ mới quen thói. Vợ chồng mới cưới mà ở nhà chồng thì đàn bà chỉ thiệt thòi, đó là một sai lầm lớn nên em phải gánh chịu. Ngay từ đầu lẽ ra phải ở riêng thì đâu đến nỗi phải khổ thế này. Chồng thì cứ như đế vương còn vợ ngang con ở”.

Thế rồi em kể mẹ chồng xét nét mọi chuyện, đặc biệt bà vô cùng khó chịu khi chồng muốn giúp em điều gì đó. Cả hai cùng đi làm về, em vào làm bếp, muốn vợ vui anh chồng cũng xuống phụ vợ nhặt rau và nói chuyện.

Lập tức mẹ chồng vào lên giọng: “Có một bữa cơm mà cũng bắt chồng phải phụ mới xong. Ngày trước tôi về làm dâu cũng phải tự làm cả đấy thôi”. Thấy mẹ khó chịu, anh chồng cũng chẳng dám phản ứng gì bèn bỏ lên nhà nằm xem truyền hình.

Lần khác lấy giùm cái điện thoại khi vợ đang bận tay, cũng bị mẹ nạt: “Nó có chân có cẳng để tự đi mà lấy, đừng chiều chuộng quá mà quen cái xác”.

Lần khác nữa, anh phụ vợ giặt cả một thau đồ to khi cả hai cùng đi làm về, mẹ chồng cũng la toáng lên: “Đàn ông mà làm ba cái việc nhỏ nhặt như thế chẳng đáng mặt chút nào”.

Nói rồi bà quay qua em như nhắc nhở răn đe: “Cô là vợ, những việc bếp núc, nội trợ phải tự mình làm lấy, đừng bắt chồng phục vụ trông khó coi lắm. Ngày nó chưa có vợ, nó còn không phải đụng tay vào thứ gì. Lấy vợ về mà khổ thế, tôi cho nó ở một mình lại sướng hơn”.

Cũng có lần chồng đi chơi, đi nhậu với bạn bè, cô em nói mình ngăn cản cũng bị mẹ mát mẻ: “Tôi đẻ nó ra nuôi từng ấy còn chưa cấm cản nó điều gì. Chị cấm nó không giao du với bạn, chị ngon hơn tôi rồi đó”.

Thế rồi dần dà anh chồng muốn phụ vợ việc gì cũng phải nhìn trước ngó sau, lâu dần anh quên luôn việc giúp đỡ vợ và mặc nhiên những công việc ấy là của đàn bà. Cùng đi làm về một lần, anh khểnh chân nằm đọc sách, xem phim chờ vợ về nấu ăn.

Có hôm cơ quan có việc họp đột xuất, cô em về trễ anh chồng chỉ biết nằm đợi và trách móc. Chưa hết, anh muốn đi đâu thì đi, bao giờ về cũng mặc, cô em nói mình không có quyền ý kiến này nọ.

Nén tiếng thở dài nặng nhọc, cô em buông lời: “Nếu từ những ngày đầu hai vợ chồng mà ở riêng thì giờ em đã có một người chồng lý tưởng như biết chia sẻ công việc với vợ, biết đi đâu và về lúc nào để vợ con vui mừng”.

Từ câu chuyện của mình, mỗi khi cơ quan em có cô nào chuẩn bị lấy chồng, cô em đều lấy câu chuyện của mình để tư vấn cho mọi người rút kinh nghiệm: “Muốn chồng chia sẻ việc nhà, tuyệt đối đừng ở chung với nhà chồng. Có mẹ bênh vực, đàn ông dễ ỷ lại việc cho vợ và sinh hư”.

Câu chuyện cơm áo gạo tiền làm ảnh hưởng hôn nhân hay còn lý do nào khác tiếp tục là đề tài tranh luận gần như không có hồi kết trên diễn đàn của Tuổi Trẻ Online. Chuyên mục tâm sự của trang bạn đọc chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên