Số ít ý kiến cho rằng nếu người cho vay đã lấy tiền lãi thì họ đã đồng ý quy đổi ra tiền rồi, nên phải trả bằng tiền là hợp lý. Còn cho vay 10 cây vàng không nói gì đến tiền và trả lãi thì vẫn phải trả 10 cây vàng.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng mượn gì trả đó là đúng quy luật.
Mượn gì trả đó
Các ý kiến cho thấy quan điểm "" nhận nhiều sự đồng tình hơn. Theo đó, bạn đọc Huỳnh Đăng Nhật cho rằng mượn vàng thì phải trả vàng.
"Người ta tạm thời quy ra tiền tại thời điểm ấy chỉ để tính tiền lãi cho người vay dễ trả. Suốt hơn chục năm, giá vàng biến động tăng không ngừng, nhưng người ta vẫn lấy tiền lãi cố định, chứ không tính theo lãi suất phần trăm theo giá vàng là may mắn cho mình lắm rồi", bạn đọc này ý kiến.
Bạn đọc Thành Hưng phân tích lúc bạn mượn là vàng thì phải trả vàng, nếu không thì ngay lúc đầu bạn có thể yêu cầu bán vàng ra để cho bạn mượn bằng tiền mặt.
"Trong nhà với nhau, nên ngồi lại tính toán thiệt hơn. Có thể chia đôi số tiền vàng phi mã, mỗi bên chịu thiệt một nửa cho yên cửa yên nhà, không thì ra tòa giải quyết chắc chắn bạn sẽ phải trả bằng vàng.
Các quốc gia trên thế giới cũng đi vay vàng có trả lãi và tất nhiên quốc gia đó cũng sẽ phải trả lại bằng vàng ròng. Nếu vàng hạ người vay sẽ có lợi, vàng lên người vay bị thiệt, đó là lý do tại sao có lúc vay vàng có lúc vay tiền, chứ ai cũng tính như bạn thì chắc không ai vay vàng", Thành Hưng nêu.
Biết ơn người giúp mình khi khó khăn
Bạn đọc To Lam nêu ý kiến: "Trả 2 triệu đồng/tháng tương đương 0,55%/tháng theo giá 36 triệu đồng/lượng. Lãi suất này vào thời điểm 2010 - 2024 thì chưa bằng sự trượt giá. Anh chị bạn chỉ lấy 2 triệu đó bù lại phần trượt giá, chứ không phải là lấy lời. Họ giúp bạn, nên bạn hãy nghĩ đến lòng tốt của họ".
Bạn đọc Canh viết: "Lúc mình khó khăn người ta cho mượn thì phải biết ơn, thử xem trong hết bạn bè anh em có được mấy người dám cho mình mượn? Đến ngày trả chưa tính lãi cho người ta mà còn muốn tính toán. Ngẫm cái câu "có đồ cho mượn mắc công đi đòi" là quá đúng".
Nhiều người cũng chia sẻ câu chuyện của mình từng rơi vào thời điểm khó khăn và được chính người thân, bà con họ hàng cho mượn vàng để vực dậy. Dẫu sau này giá vàng tăng phi mã nhưng họ vẫn vui vẻ mượn gì trả nấy và trân quý tấm lòng người cho mượn vàng, dù rằng chịu thiệt về mặt tài chính.
Một chuyên gia tài chính cho rằng từ câu chuyện tranh cãi mượn 10 cây vàng này, mỗi người cần rút ra bài học cho mình. Dù là trong mối quan hệ gia đình, các vấn đề liên quan đến tài chính cũng cần phải được thỏa thuận rõ ràng (về thời gian, lãi suất… và có sử dụng văn bản cam kết giữa hai bên). Đôi khi sự mập mờ trong quá trình vay và cho vay mà dẫn đến những tranh cãi không cần thiết, gây rạn nứt tình cảm giữa đôi bên.
"Bên cạnh đó, hãy biết ơn người đã từng cho bạn mượn đồ, mượn tiền vì ít nhất trong khoảnh khắc nào đó, họ đã coi trọng bạn hơn món đồ hay số tiền kia", chuyên gia này bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận