19/08/2018 11:16 GMT+7

Mười năm tủ sách khơi nguồn tri thức

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tủ sách Khoa học - Khám phá của Nhà xuất bản Trẻ vừa cán mốc tồn tại trong 10 năm.

Mười năm tủ sách khơi nguồn tri thức - Ảnh 1.

Dịch giả Phạm Văn Thiều kể lại khởi đầu sự hợp tác với NXB Trẻ để làm - Ảnh: L.ĐIỀN

Một chương trình ghi dấu kỷ niệm này là cuộc giao lưu với ba dịch giả, nhà khoa học: Phạm Văn Thiều, Vũ Công Lập, Nguyễn Văn Liễn diễn ra tại TP.HCM sáng 18-8. Mặc dù ra đời vào ngày 4-8-2008, tủ sách Khoa học - Khám phá bắt đầu từ ý tưởng trước đó, khi NXB Trẻ hình thành tủ sách Kiến thức thời đại tập trung xuất bản các sách về kiến thức khoa học mới, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc bấy giờ.

Hẳn nhiều người còn nhớ các loạt sách hợp tác với tạp chí Tia Sáng in lúc này, và đến khi tên tuổi Trịnh Xuân Thuận cùng với quyển sách Giai điệu dây và bản giao hưởng của vũ trụ của ông trở thành một "phát hiện" đối với bạn đọc Việt Nam, mảng sách khoa học của NXB Trẻ ngày càng được công chúng đón nhận, củng cố thêm cho tiêu chí định hướng nội dung sách của NXB Trẻ là "khơi nguồn tri thức" bên cạnh mảng "nuôi dưỡng tâm hồn".

Với vai trò chủ biên cho tủ sách, ba dịch giả chia sẻ những ấn tượng của mình trong công việc. Dịch giả Phạm Văn Thiều nhớ lại lúc bắt đầu dịch quyển Giai điệu dây và bản giao hưởng của vũ trụ "có rất nhiều khó khăn, nhưng khi nghe tôi trình bày, chị Quách Thu Nguyệt (nguyên giám đốc NXB Trẻ - PV) bảo không sao cả, anh cứ dịch và sẽ in hết không lược bỏ phần nào. Chính điều ấy động viên tôi rất lớn".

Ông Vũ Công Lập bày tỏ niềm tâm đắc với cách phân định mảng sách "khơi nguồn tri thức" của NXB. Theo ông, việc tủ sách Khoa học - Khám phá đứng vững, tự sống được trên thị trường là một câu trả lời khiến cho những người chủ biên thêm yên tâm, và thêm quyết tâm để nuôi dưỡng tủ sách này.

Dịch giả Nguyễn Văn Liễn tâm sự qua mười năm làm tủ sách khoa học, ông "học dần" thêm được nhiều thứ, đó là cách tìm kiếm đề tài sách như thế nào cho phù hợp với đối tượng nào trong bạn đọc, như cách ông nói là "có lẽ mình nên dịch chuyển dần việc tìm kiếm các sách khoa học có đề tài mà giới trẻ quan tâm hơn".

Mười năm nhìn lại, để gầy dựng và duy trì thành công một tủ sách khoa học trong bối cảnh thị trường sách Việt Nam là không dễ dàng. Điều đáng quý của tủ sách này là mục tiêu phổ biến khoa học trên thế giới đến với bạn đọc trong nước vẫn được duy trì qua năm tháng.

Quan trọng hơn, mức độ đón nhận của bạn đọc thực sự trở thành động lực cho những người làm sách từ khâu tuyển chọn bản thảo, dịch và xuất bản.

Cứ xem kết quả phát hành các sách như Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử (tác giả Simon Singh, dịch giả: Phạm Văn Thiều và Phạm Thu Hằng) đã in 8 lần với 10.000 bản in, hay như quyển Cái vô hạn trong lòng bàn tay (của Matthieu Ricard - Trịnh Xuân Thuận, do Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch) đến nay đã in 10 lần, tổng cộng 19.000 bản in, sẽ thấy tương lai tủ sách này hẳn còn những bước tiến.

Tủ sách của cô hiệu trưởng

TTO - Tôi may mắn có những thầy cô giáo tốt. Những bậc cầm phấn tài hoa và nhân hậu ấy khiến đời sống tinh thần một trẻ nghèo ở chợ nhỏ vùng quê như tôi có chút ánh sáng lung linh.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên