10/11/2019 09:56 GMT+7

Mười năm mang thân phận bị can

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Từ một doanh nhân, bà Nguyễn Thị Hoài Anh (53 tuổi, ngụ TP.HCM) bỗng trở thành tay trắng do vướng vào lao lý vì tội trốn thuế.

Mười năm mang thân phận bị can - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hoài Anh mang thân phận bị can 10 năm nay - Ảnh: T.MAI

Tuy nhiên, suốt 10 năm nay, sau nhiều lần điều tra bổ sung, tạm đình chỉ, các cơ quan tố tụng tỉnh Tiền Giang vẫn không đưa vụ án ra xét xử được.

Suốt 10 năm nay, bà Hoài Anh sống dưới thân phận bị can đầy tủi hờn...

Tiền mất, tật mang

Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ C&A (trụ sở tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được thành lập vào năm 2004 với ngành nghề sản xuất kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu và nội địa, vật liệu xây dựng do bà Nguyễn Thị Hoài Anh làm đại diện theo pháp luật. Cùng năm, công ty này được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận cho thuê khu đất hơn 17.000m2 để xây dựng nhà máy. Sau đó được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, đồng thời được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất.

Do nhu cầu cần vốn để sản xuất kinh doanh nên ngày 22-8-2005, bà Hoài Anh đã vay 7 tỉ đồng của Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV, chi nhánh Tiền Giang), tài sản đảm bảo là nhà xưởng, máy móc... của công ty.

Đến năm 2008, do làm ăn thua lỗ nên bà Hoài Anh đã liên hệ bán tài sản của công ty cho Công ty Úc - Việt, do bà Phạm Thị Ngọc Lành làm giám đốc. Ban đầu, hai bên làm "giấy tay" với nội dung bà Hoài Anh chuyển nhượng cho bà Lành 17.000m2 đất và toàn bộ nhà xưởng, máy móc của Công ty C&A với giá 800.000 USD (tương đương 12,8 tỉ đồng). Tuy nhiên, do Công ty C&A còn nợ ngân hàng nên hai bên phải ký hợp đồng ủy nhiệm thanh toán tiền mua bán qua ngân hàng để ngân hàng thu nợ và giải chấp tài sản.

Ngày 22-3-2008, hai bên ra công chứng hợp đồng mua bán tài sản. Theo đó, Công ty C&A và bà Hoài Anh sẽ bán nhà xưởng, máy móc cho Công ty Úc - Việt của bà Lành với số tiền 9,5 tỉ đồng, thuế và lệ phí do bên bà Lành nộp, khi việc thanh toán hoàn tất sẽ làm thủ tục sang tên. Sau nhiều lần thanh toán, bên mua trả được 8 tỉ, còn nợ 1,5 tỉ đồng.

Do phần đất 17.000m2 là đất nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm, không được chuyển nhượng nên bên mua phải trả thêm 3,3 tỉ đồng là giá trị quyền sử dụng đất thuê. Để làm tin, 2 bên ra công chứng làm hợp đồng với nội dung bà Hoài Anh cho bà Lành vay 300.000 USD (tương đương 4,8 tỉ đồng), không có lãi và không có biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên sau đó, Công ty Úc - Việt không trả nợ.

Dù chưa thanh toán đủ tiền mua tài sản, chưa được sang tên nhưng Công ty Úc - Việt đã làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản và được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Còn bà Hoài Anh bất ngờ bị bắt vì tội trốn thuế.

10 năm chưa xong một vụ án

Ngày 30-11-2009, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định khởi tố bị can và sau đó bắt tạm giam đối với bà Hoài Anh về tội trốn thuế. Sau đó, vụ án được chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an TP Mỹ Tho điều tra.

Theo kết luận điều tra lần đầu ngày 2-8-2010, Công ty Úc - Việt không thanh toán đủ tiền mua tài sản, không thanh toán tiền thuế nên Công ty C&A không xuất hóa đơn GTGT cho công ty này và không kê khai báo thuế đối với số tiền 9,5 tỉ đồng. Việc này đã gây thiệt hại về thuế 528 triệu đồng. Đối với số tiền 3,3 tỉ đồng, cơ quan điều tra cho rằng đây là tiền bỏ ngoài hợp đồng, gây thiệt hại về thuế 183 triệu đồng. Tổng cộng, bà Hoài Anh trốn thuế 711,6 triệu.

Sau đó, ngày 10-11-2010, Cơ quan CSĐT ra kết luận điều tra bổ sung cho rằng do bà Lành chưa trả hết tiền như cam kết, đồng thời trong hợp đồng mua bán ghi nhận thỏa thuận bên mua có trách nhiệm nộp thuế, phí và hợp đồng này đã được công chứng nên bà Hoài Anh không phạm tội trốn thuế đối với hợp đồng mua bán tài sản trị giá 9,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đối với số tiền 3,3 tỉ đồng, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm.

Trên cơ sở đó, Viện KSND TP Mỹ Tho đã ra cáo trạng truy tố bà Hoài Anh tội trốn thuế, với số tiền 183 triệu đồng. Đến tháng 11-2010, bà Hoài Anh được cho tại ngoại. Sau đó, Công ty C&A khởi kiện Công ty Úc - Việt trả 4,8 tỉ đồng và tiền lãi. Yêu cầu này đã được TAND TP Mỹ Tho chấp nhận.

Về phần hình sự, ngày 29-10-2010, TAND TP Mỹ Tho đưa vụ án ra xét xử và trả hồ sơ để bổ sung tư cách giám định của Cục Thuế tỉnh Tiền Giang đối với vụ án. Bởi trong vụ án này, Cục Thuế tỉnh Tiền Giang là cơ quan giám định hành vi trốn thuế, đồng thời là bị hại nên không khách quan. Sau đó, ngày 1-3-2013, cơ quan điều tra đã quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can đối với bà Hoài Anh. Hơn 4 năm sau, vụ án được phục hồi, cơ quan điều tra vẫn cho rằng bà Hoài Anh trốn thuế 183 triệu đồng. Mới đây, cơ quan này tiếp tục tạm đình chỉ vụ án với lý do yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Nhiều điểm mờ trong vụ án!

Theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM), thứ nhất, hợp đồng vay mượn giữa bà Hoài Anh và bà Lành vào ngày 24-3-2009 thì phương thức thanh toán là USD. Mà theo quy định tại điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005, hợp đồng giao dịch bằng USD được xem là giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, dù hợp đồng này có vô hiệu hay không thì các bên cũng không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào do Nhà nước quy định vì các bên đã thỏa thuận không tính lãi suất trên số tiền cho vay.

Thứ hai, mặc dù hợp đồng mua bán tài sản đã được hai bên ký tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên trên thực tế, cho đến thời điểm này các bên vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán và thủ tục sang tên. Do đó, nghĩa vụ thuế đối với hợp đồng này chưa thể phát sinh. Có chăng các bên chỉ bị xử lý vi phạm hành chính do chậm kê khai, thực hiện thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật mà thôi.

Thứ ba, việc bị can bị khởi tố, điều tra "tội trốn thuế" theo khoản 1 điều 161 Bộ luật hình sự 1999, có khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù, thuộc tội phạm ít nghiêm trọng. Thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trong tối đa không quá 4 tháng (kể cả 2 tháng gia hạn). Đến nay, đã gần 10 năm vẫn không chứng minh được tội phạm. Do đó, căn cứ điểm b, khoản 1, điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà Hoài Anh khi phải mang thân phận bị can suốt 10 năm.

"Từ khi vướng lao lý đến nay, không đêm nào tôi được ngon giấc, tôi không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Những ký ức kinh hoàng cứ ám ảnh tôi, không biết kể cùng ai. Tới nay, vụ án đã kéo dài 10 năm, tôi phải sống dưới thân phận bị can như thế này tới bao giờ..." - bà Hoài Anh nói.

23 năm 8 tháng lẻ 1 ngày đi đòi bồi thường oan sai 23 năm 8 tháng lẻ 1 ngày đi đòi bồi thường oan sai

TTO - 23 năm 8 tháng lẻ 1 ngày đòi bồi thường oan sai, ông Nguyễn Văn Triều (60 tuổi, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã được Công an quận Cái Răng tổ chức xin lỗi công khai.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên