29/03/2016 16:29 GMT+7

“Muỗi cắn đau mà chống được zika, sốt xuất huyết là mừng”

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Đó là lời cư dân trên đảo Trí Nguyên (P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa), nơi các nhà khoa học đã thả muỗi mang tác nhân wolbachia để chống virút dengue gây bệnh sốt xuất huyết và cả virut zika.

Dụng cụ bẫy muỗi để giám sát, đánh giá tỉ lệ muỗi mang Wolbachia thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên đặt tại nhà ông Trương Trung Lương ở đảo Trí Nguyên - Ảnh: DUY THANH
Dụng cụ bẫy muỗi để giám sát, đánh giá tỉ lệ muỗi mang Wolbachia thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên đặt tại nhà ông Trương Trung Lương ở đảo Trí Nguyên - Ảnh: DUY THANH

Trưa 29-3, nghe chúng tôi hỏi về việc thả muỗi chống sốt xuất huyết, nhiều người dân ở đảo Trí Nguyên cho biết trước đây mới nghe việc thả muỗi để thực hiện thí nghiệm khoa học, bà con ngại ngần lắm, có người còn phản đối.

“Nhưng qua mấy đợt thả muỗi rồi thì thấy cũng bình thường, bệnh sốt xuất huyết giảm, sức khỏe dân cũng chưa thấy bị ảnh hưởng gì” ­- ông Nguyễn Văn Cao, một cư dân sống lâu năm ở đảo Trí Nguyên, cho hay.

Chích đau nhưng giảm bệnh

Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết Dengue tại VN” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thực hiện.

Dự án thả muỗi mang tác nhân wolbachia tại đảo Trí Nguyên trong hai đợt: từ tháng 4 đến tháng 9-2013 và từ tháng 5 đến tháng 11-2014.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, phó giám đốc dự án, vi khuẩn wolbachia tồn tại sẵn trong tự nhiên, được tìm thấy trên 60% côn trùng như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn…

Dự án cấy wolbachia vào muỗi aedes eagypty (muỗi vằn) có nguồn gốc tại đảo Trí Nguyên và phóng thích muỗi trở lại hòn đảo nằm cách bờ biển Nha Trang chừng 2km.

Bằng đường sinh sản tự nhiên, các thế hệ muỗi tiếp theo trên đảo được sinh ra đã có sẵn vi khuẩn wolbachia trong cơ thể. Do đó, đến tháng 12-2014, theo đánh giá của dự án, 90% muỗi ở đảo Trí Nguyên mang wolbachia.

Chiều 28-3, trao đổi với chúng tôi, TS.BS Nguyễn Bình Nguyên, điều phối viên thực địa của dự án, cho hay định kỳ mỗi thứ năm hàng tuần, cán bộ của dự án đều đến đảo Trí Nguyên để lấy các bẫy muỗi đặt trong nhà dân để theo dõi và có đánh giá.

Ông Nguyên khẳng định đến thời điểm hiện tại, muỗi mang wolbachia vẫn được duy trì, chiếm đa số trên đảo này.

Đảo Trí Nguyên, nơi thực hiện dự án thả muỗi mang Wolbachia phòng chống sốt xuất huyết và cả bệnh do virut zika gây nên - Ảnh: DUY THANH
Đảo Trí Nguyên, nơi thực hiện dự án thả muỗi mang Wolbachia phòng chống sốt xuất huyết và cả bệnh do virut zika gây nên - Ảnh: DUY THANH

Đảo Trí Nguyên nằm biệt lập với đất liền. Người dân địa phương cho hay hòn đảo này cũng không nhiều muỗi. Ông Nguyễn Văn Cao nói rằng so với muỗi tự nhiên, thì muỗi dự án đốt đau hơn.

“Muỗi chống sốt xuất huyết đốt đau hơn và ngay tại chỗ nó chích có nổi mẩn lớn. Nhưng dự án hướng dẫn chúng tôi dùng nước, nước xà phòng hoặc dung dịch mà dự án phát bôi vào thì chốc lát chỗ nổi mẩn tan thôi. Thôi thì chịu muỗi đốt đau một chút, nhưng ít người mắc bệnh sốt xuất huyết như thời gian qua là tốt rồi” - ông Cao nói.

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, khi dự án chưa thả muỗi mang wolbachia, mỗi năm đảo Trí Nguyên có 8-10 ca mắc sốt xuất huyết. Nhưng năm 2014, khi dự án triển khai tại hòn đảo này thì ghi nhận một ca mắc sốt xuất huyết năm 2015.

Nhiều người dân ở đảo Trí Nguyên mà chúng tôi gặp cũng xác nhận bệnh sốt xuất huyết hầu như không xuất hiện ở đây từ năm 2014 đến nay.

Ức chế được cả virút zika

Mới đây, một tờ báo giật tít “VN từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền virut zika” với nội dung cho rằng chủng muỗi này được nuôi thả tại đảo Trí Nguyên.

Vào đầu tháng 3-2016, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đồng thời là giám đốc dự án, ông Đặng Đức Anh, đã có văn bản gởi UBND tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, muỗi Aedes aegypty là loại muỗi có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước, đặc biệt là ở miền nam và miền trung.

“Loài muỗi này có thể truyền virut dengue gây bệnh sốt xuất huyết cũng như virut zika khi chúng hút máu người bệnh có virut nêu trên. Tuy nhiên, muỗi vằn chỉ là trung gian truyền bệnh chứ không làm phát sinh virut sốt xuất huyết hay virut zika được” - văn bản của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay.

“Loại muỗi Aedes aegypty mang vi khuẩn wolbachia mà dự án sử dụng ở đảo Trí Nguyên đã bước đầu cho thấy có hiệu quả trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết và cũng có khả năng phòng được bệnh do virut zika” – văn bản Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định.

Trước nhiều lo lắng của người dân là muỗi mang wolbachia có bị biến đổi gen dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe hay không, chiều 28-3, ông Nguyễn Bình Nguyên cho biết trước khi triển khai thí điểm tại thực địa ở Úc và VN, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đã đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp wolbachia.

“Kết luận của hội đồng đánh giá về các nguy cơ này cho thấy đây là phương pháp an toàn cho con người, động vật và môi trường.

Một điều quan trọng đáng nói ở đây là muỗi mang vi khuẩn wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gen vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gen của muỗi. Muỗi mang vi khuẩn wolbachia ở đảo Trí Nguyên cũng không phải muỗi ngoại lai mà là muỗi có nguồn gốc tại đảo này” - đại diện dự án cho hay. 

Có thể thả muỗi mang wolbachia ra toàn TP Nha Trang

Chiều 29-3, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết dự án đang được xem xét, cân nhắc mở rộng diện thả muỗi mang wolbachia ra toàn bộ 27 xã, phường của TP Nha Trang.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý để Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kéo dài các hoạt động nghiên cứu bổ sung về thực trạng bệnh sốt xuất huyết và những yếu tố liên quan tại TP Nha Trang đến tháng 2-2017.

 

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên