Theo kế hoạch, Thủ tướng tiếp tục thị sát hàng loạt dự án quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, bao gồm: sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A - đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường vành đai 3 TP.HCM) và nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Cầu Nhơn Trạch - nơi Thủ tướng 3 lần đi thị sát
Những ngày qua, công trường cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai vẫn đang tấp nập thi công để hoàn thành trong vài tháng tới. Tính cả lần này, đây là lần thứ ba Thủ tướng tới thị sát, kiểm tra cây cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM.
Trong các chuyến thăm lần trước, Thủ tướng đã động viên chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Nhơn Trạch phấn đấu hoàn thành vào dịp lễ 30-4.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát tổng thể để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn tuyến kết nối vào cầu để thông tuyến, sớm đưa công trình vào khai thác.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chủ đầu tư cùng với nhà thầu tập trung thi công "3 ca 4 kíp" không kể ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Vượt qua thách thức về vật liệu và giải phóng mặt bằng, dự án đã đạt những kết quả khả quan.
Cụ thể, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch, dài 2,6km) do nhà thầu Kumho E&C thi công hiện có khối lượng đạt 93%. Gói thầu CW2 (đường dẫn 2 đầu cầu, dài 5,6km) do liên danh Dongbu - VNCN thi công có tiến độ đạt 73%.
Như vậy đến nay, tổng tiến độ toàn dự án đạt 85,1% vượt 8,4% so với tiến độ hợp đồng. Với tốc độ này, cầu Nhơn Trạch đảm bảo kế hoạch hoàn thành vào ngày 30-4 tới, rút ngắn tiến độ 4 tháng. Chủ đầu tư và nhà thầu cũng đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30-6, đưa vào khai thác sớm 3 tháng so với kế hoạch.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Nơi vượt tiến độ 8 tháng, nơi vẫn chờ tháo gỡ
Là tuyến cao tốc kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km, chia thành 3 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 dài 16km do tỉnh Đồng Nai triển khai; dự án thành phần 2 dài 18,2km do Bộ Giao thông vận tải triển khai và dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai.
Trong đó, đoạn cao tốc do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đang có tiến độ rất khả quan, với sản lượng thi công đạt 69%. Đáng chú ý, địa phương và nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành vào 30-4, rút ngắn tiến độ tới 8 tháng.
Ngược lại, dự án thành phần 1 và 2 qua tỉnh Đồng Nai lại đang chậm tiến độ do các vướng mắc về mặt bằng, thiếu đất đắp và thiếu bãi đổ thải.
Cụ thể, tại dự án thành phần 1 hiện tiến độ thi công mới đạt 22% (chậm 9% so với kế hoạch), còn dự án thành phần 2 đạt 28% (chậm 7%).
Đáng chú ý, dù tuyến cao tốc đã khởi công từ tháng 6-2023 nhưng đến nay nguồn đất đắp cho đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Để tháo gỡ, chủ đầu tư và nhà thầu đã đề xuất địa phương chấp thuận sử dụng nguồn đất tại các vị trí phù hợp theo cơ chế đặc thù, như khu vực quy hoạch nhà ga T3 sân bay Long Thành (trữ lượng khoảng 5,2 triệu m³).
Tuy nhiên, dù Chính phủ đã nêu trong thông báo ngày 28-2-2024, Ủy ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến ngày 9-7-2024 và nghị quyết 140 của Quốc hội cũng đề cập, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có ý kiến chính thức về đề xuất này
Ngoài ra, các vị trí khác như phường Phước Tân (TP Biên Hòa), thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ)... vẫn đang chờ địa phương xử lý các thủ tục để chấp thuận chủ trương.
Loạt dự án giúp Đông Nam Bộ cất cánh
Bên cạnh cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một khởi công ngày mùng 4 Tết, các dự án như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền khảo sát, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để chuẩn bị khởi công ngay trong năm nay.
Trong khi tuyến vành đai 3 TP.HCM đang thi công, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cũng đã đề xuất làm đường vành đai 4 TP.HCM. Hiện Hội đồng thẩm định nhà nước đang thẩm định dự án để trình Thủ tướng xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, ngày 16-1, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM). Dự án được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận