Khung trời tết của nó - Ảnh: LÊ THỊ THANH THỦY
Năm đầu tiên đi làm, dù đã hình dung từ trước nhưng chưa bao giờ tôi hiểu sâu sắc hai chữ "kiếm tiền" đến vậy.
Tốt nghiệp khoa dược của một trường ít tiếng tăm nên khó khăn lắm mới xin vào làm được ở một nhà thuốc ở thành phố với lương khởi điểm còn thấp hơn tiền mẹ cho khi đi học. Những ngày đầu đi làm, bao uất ức, chán nản dồn nén khi thường xuyên bị sai lau dọn nhà vệ sinh, pha trà, chùi kính...
Mẹ hay gọi điện thoại: "Làm tốt không con? Người ta đối xử với con tốt không? Lương sống được không con?’’. "Dạ tốt mẹ" - trả lời mà miếng bánh mì khô khốc như vướng lại ở cổ.
Đặt vé xe ngày 29 tết về thì anh cửa hàng trưởng kêu vào nói chuyện: "Mai em lên bán chính nhe, với lại tết này em ở lại trực bán tết được không Cửa hàng không có người và lương anh tính gấp 3 lần ngày thường cho em... ".
Tự nhiên nó gật đầu. Gọi báo tin cho mẹ nửa phân trần, nửa khoe. Giọng mẹ chùng xuống: "Ờ, vậy con ở lại qua tết về cũng được". Nó cố nói bằng giọng hồ hởi cho mẹ vui: "Con mà về cũng có làm được gì đâu, toàn đi nhậu, đi chơi không à, mùng 6 con về mà!". Đáp lại chỉ là tiếng thở dài thườn thượt của mẹ!
29 tết, mấy anh chị làm chung nhìn nó cười cười cảm thông rồi tạm biệt ra về. Lòng nó tự nhiên xìu xuống một cái, tự nhủ thầm: mùng 6 mình cũng về, khỏi chen chúc xe cộ, khi nào mình về thì khi đó là tết thôi mà! Cuối năm nhưng nhà thuốc lúc nào cũng đông, sự bận rộn và mệt nhọc làm nó quên đi nỗi cô đơn.
Sắp giao thừa, yên tĩnh tuyệt đối. Nằm bấm điện thoại lướt mạng, toàn thấy hình bạn bè chụp cảnh vườn nhà, cảnh gói bánh, mấy lời than thở dạng: "Trời ơi, tết về quê làm ôsin cho má!"... xưa đồng cảm mà giờ này sao nó chỉ thấy đó là lơì khoe khoang, nghe ghét muốn chết.
Giờ này ở nhà chắc mẹ đang sắp mâm ngoài sân, chị Hai chắc đang bày con gà luộc, xới dĩa xôi; thằng Út em chắc nhìn khay bánh mứt nhấp nhổm chờ giây phút cúng xong để giấu kẹo...
Chịu không nổi, gọi mẹ. Mẹ kêu: "Nhà vắng có mình mày mà sao mẹ thấy vắng quá con!", rồi òa khóc. Nó cuống quýt an ủi mẹ mà nước mắt cũng chảy ròng ròng.
Nghe tiếng gõ cửa, nó lật đật, ra là bác chủ nhà. Bác dúi vào tay nó đòn bánh tét nhỏ và phong bì đỏ: "Bác lì xì lấy hên, đừng buồn nữa con, xuống nhà ăn cháo với bác". Nó quệt nước mắt cảm ơn nhưng từ chối xuống ăn cùng bác, nó sợ nó sẽ vùng ra bến xe về nhà ngay lập tức nếu nhìn cảnh sum vầy, đoàn viên trong phút giây này.
Mùng 1, Sài Gòn vắng hoe, nó như nhận không ra đây là cái thành phố ồn ào mệt mỏi mà nó đã quen trong suốt 5 năm trời. Như một cô gái đỏng đảnh giờ yên lặng dịu hiền, nó như nhìn ra một vẻ đẹp rất khác của nơi này. Nhìn mắt nó sưng húp, chị đồng nghiệp vốn rất lạnh lùng xa cách nhìn nó cười thân thiện: "Hồi xưa chị cũng vậy, khóc miết đêm giao thừa, giờ vì cơm áo riết quen!". Nó tự nghĩ không biết có quen được không khi nhìn chị cười mà mắt buồn da diết.
Đường phố tết Sài Gòn trong mắt nó - Ảnh: LÊ THỊ THANH THỦY
Mẹ gọi điện: "Nghe nói có dịch bệnh gì đó, con nhớ đeo khẩu trang con nha". Nó nhìn mặt mình trong gương chỉ còn hai con mắt mà xót lòng vì thương mẹ.
Hàng quán quen đều đóng cửa, tan ca mệt rã rời vì đứng suốt, ngủ vùi một giấc thì cơn đói kéo đến. Chế nước sôi vô tô mì gói mà trong đầu toàn nghĩ tới món thịt kho rệu ở nhà, giờ mà bới tô cơm trắng, múc miếng thịt mềm tan kèm dưa món chua ngọt cho vào miệng chắc ngon lắm!
Sáng mùng 4, anh cửa hàng trưởng tới cúng và lì xì, nó nói nhỏ: "Anh ơi !...". "Muốn về nhà rồi phải không? Anh hiểu rồi. Để anh kêu kế toán tính tiền rồi về. Em nghỉ đi, năm mới vui vẻ!". Nó lí nhí: "Em xin lỗi!". Anh cười: "Lỗi phải gì, mùng 10 lên làm lại nghe".
Nó "dạ" to đến mức cả quầy thuốc ai cũng cười rần rần.
Về phòng, đồ đạc đã để sẵn từ tối qua. Mở phong bì, ngoài số tiền như thỏa thuận còn được thêm một tháng lương, nó soạn tin nhắn "Em cảm ơn" gởi cho sếp rồi lính quýnh ra bến xe.
Không nói trước với mẹ, cho mẹ bất ngờ. Bến xe vắng hoe, chuyến xe về quê chỉ có 5 người khách.
Đường về, hoa vẫn rực rỡ hai bên đường, người du xuân vẫn tấp nập. Bạn nhắn tin: "Hết tết rồi mà mày vẫn chưa về". Nó nhắn lại với cái mặt cười: "Với tui, bữa nay mới là tết!".
Đường về quê ăn tết của nó - Ảnh: LÊ THỊ THANH THỦY
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: [email protected] từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).
Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận