Liên quan bài viết "Chịu không nổi mùi hôi thối khủng khiếp từ các lò hấp cá" mà Tuổi Trẻ Online phản ánh, ngày 16-9, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận cho biết sở đã phối hợp với UBND 2 huyện Ninh Hải và Thuận Nam kiểm tra thực tế kết quả xử lý, khắc phục mùi hôi tại 6/49 lò hấp cá.
Kiến nghị xử lý nước thải hấp cá theo quy trình khoa học công nghệ đã được chuyển giao
Hiện tại hầu hết nước thải tại các lò hấp cá đều được thu gom vào bể chứa nước thải (bằng đất hoặc xây bằng gạch) và cho xử lý tự nhiên.
Ông Trần Minh Thái - chủ tịch UBND huyện Ninh Hải - cho biết trên địa bàn huyện có 20 lò hấp cá hoạt động từ năm 2000 đến nay.
Các cơ sở này hoạt động theo mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, công suất hấp trung bình 3-5 tấn/ngày/cơ sở, lượng nước thải khoảng 3 - 5m3/ngày/cơ sở.
Hầu hết các cơ sở này chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình, toàn bộ nước thải từ lò hấp cá được thu gom về các hồ chứa nước thải lộ thiên nên phát thải mùi hôi.
"Trước mắt huyện yêu cầu các hộ dân tạm thời khắc phục bằng cách che đậy hồ chứa nước thải (phủ kín mặt hồ), xây dựng hầm rút có nắp đậy bằng bê tông, tăng cường phun chế phẩm sinh học, xử lý clorin để hạn chế mùi hôi" - ông Thái cho hay.
Đối với biện pháp lâu dài, ông Thái nói có hướng dẫn các cơ sở hấp cá triển khai các biện pháp xử lý nước thải; lập hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.
Còn ông Đinh Văn Hòa - phó chủ tịch UBND huyện Thuận Nam - cho biết trên địa bàn huyện có tổng cộng 29 cơ sở hấp cá, tập trung chủ yếu ở các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh.
Công suất hấp khoảng từ 3 - 5 tấn cá tươi/cơ sở/ngày và lượng nước thải phát sinh tại các cơ sở khoảng từ 1 - 5m3/cơ sở/ngày.
Trước mắt, trong tháng 9-2024, huyện chỉ đạo UBND các xã trên tiếp tục mời các chủ cơ sở hấp cá làm việc, để xác định các cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải tạm thời hay chưa.
Đồng thời huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổng hợp, tham mưu làm việc cùng các chủ cơ sở và yêu cầu phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường, xin cấp giấy phép môi trường theo quy định trong trường hợp tiếp tục thực hiện hấp cá.
Lãnh đạo hai huyện Ninh Hải và Thuận Nam kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trong việc hướng dẫn các cơ sở hấp cá đầu tư công trình xử lý nước thải theo quy trình công nghệ tại đề tài "Nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải chế biến cá cơm khô hấp tại các làng nghề chế biến cá cơm khô hấp của tỉnh Ninh Thuận", đã được nghiên cứu và chuyển giao ngày 22-8-2018.
Kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chế biến thủy sản
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Khắc Huy Anh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận - cho biết trong năm 2024, Công an huyện Ninh Hải đã phối hợp với UBND xã Thanh Hải kiểm tra, xử lý 12 cơ sở hấp cá về hành vi không có công trình xử lý nước thải tại chỗ, với tổng số tiền phạt là 22,5 triệu đồng.
Để xử lý triệt để ô nhiễm mùi hôi từ các lò hấp cá, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo hướng dẫn và yêu cầu các chủ cơ sở hấp cá lập và trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
UBND huyện Thuận Nam khẩn trương kêu gọi các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại xã Phước Minh (với diện tích 17ha) để di dời các cơ sở hấp cá vào cụm công nghiệp này.
Ông Lê Khắc Huy Anh cho biết sở sẽ phối hợp và hỗ trợ UBND các huyện Ninh Hải và Thuận Nam trong việc cấp giấy phép môi trường.
Trong đó, sẽ có hướng dẫn các cơ sở hấp cá đầu tư công trình xử lý nước thải theo quy trình công nghệ xử lý nước thải của đề tài đã được nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận