05/01/2020 19:35 GMT+7

Mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trả lời báo La Croix (Pháp), tiến sĩ Alexandra de Hoop Scheffer - phó giáo sư Học viện Chính trị Paris - nhận định mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran.

Mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran - Ảnh 1.

Lính thủy đánh bộ Mỹ tăng cường cảnh giác trong khu đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) hôm 3-1-2020 - Ảnh: REUTERS

Củng cố uy tín quân sự Mỹ

Tiến sĩ Alexandra de Hoop Scheffer: Đầu năm bầu cử Mỹ, phản ứng vừa qua của Tổng thống Donald Trump ở Iraq phải được hiểu trước hết là biểu dương sức mạnh. Các cố vấn thân cận đánh giá ông đã gửi quá nhiều tín hiệu không muốn gây chiến với Iran.

Song đối với cánh "diều hâu" trong Đảng Cộng hòa và chính quyền của ông Trump, muốn giải pháp "gây sức ép tối đa" đối với Iran trở nên đáng tin cậy thì phải dựa vào khả năng sử dụng vũ lực như đòn bẩy bổ sung.

Do đó, phản ứng này nhằm củng cố uy tín quân sự của Mỹ đối với Iran và đối với các đồng minh của Mỹ trong vùng Vịnh và Israel.

Lầu Năm Góc trình bày phản ứng của Mỹ là một cuộc tấn công đồng thời mang tính chất trừng phạt và ngăn chặn nhằm răn đe Iran phải ngừng tiếp tục thực hiện tấn công các lợi ích Mỹ.

Nói tóm lại, ông Trump hướng đến mục tiêu tái đắc cử tổng thống, còn Iran hướng đến tương lai chính trị và chiến lược  ở Trung Đông.

Mục tiêu của ông Trump không phải là tham gia cuộc chiến trực diện với Iran mà là sử dụng mọi phương tiện, trừ chiến tranh

Tiến sĩ Alexandra de Hoop Scheffer

Mọi phương tiện, trừ chiến tranh

* Ông Trump có thể tiếp tục trong bao lâu?

A.H. Scheffer: Donald Trump không phải là người theo chủ nghĩa cô lập. Ông ấy đã nhiều lần thể hiện (ở Iraq, Syria và Afghanistan) rằng ông có khả năng sử dụng sức mạnh quân sự, hoặc thậm chí tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ khi điều kiện trên địa bàn đòi hỏi.

Ở giai đoạn này, ông ấy sẽ khó giữ cam kết tranh cử rằng sẽ đưa Mỹ rời khỏi "các cuộc chiến không điểm dừng" và Trung Đông.

Ngược lại, ông ấy đã tăng quân số Mỹ trong khu vực khi quyết định triển khai 4.000 binh sĩ Mỹ đến Trung Đông vào cuối tháng 12-2019 cùng với 14.000 quân được triển khai từ tháng 5-2019 trong bối cảnh căng thẳng mới giữa Tehran và Washington.

Dù vậy, ông Trump sẽ sử dụng hành động này như đề tài tranh luận bầu cử để chứng tỏ nước Mỹ quyết tâm và mạnh mẽ.

Mục tiêu của ông Trump không phải là tham gia cuộc chiến trực diện với Iran mà là sử dụng mọi phương tiện, trừ chiến tranh (như không kích hạn chế, tấn công mạng, giám sát hàng hải, áp đặt các biện pháp trừng phạt) để ngăn chặn Iran tiếp tục chính sách gây bất ổn cho lợi ích Mỹ ở Iraq và trong khu vực.

Iran hiện nay cảm thấy bị bao vây và đe dọa bởi Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở sườn phía tây và phía đông. Điều này giải thích vì sao Iran gia tăng các vụ tấn công.

Iran sẽ tiếp tục leo thang chống Mỹ bởi đây là chiến lược thoát hiểm duy nhất. Để làm điều này, Iran sẽ sử dụng các đòn bẩy trong khu vực (ở Iraq, Yemen, Syria, Lebanon) để gây bất ổn cho Mỹ.

Mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran - Ảnh 3.

Ông Trump quyết định triển khai thêm quân Mỹ đến Trung Đông - Ảnh: AFP

Cộng hòa hoan hô, Dân chủ chỉ trích

* Tầng lớp chính trị Mỹ phản ứng thế nào?

A.H. Scheffer: Đảng Cộng hòa và đặc biệt là các thượng nghị sĩ "diều hâu" như Lindsey Graham, Marco Rubio hay Tom Cotton hoan hô Tổng thống Trump đã quyết liệt đòi công bằng với Iran.

Trong khi đó, các nhà chính trị chủ chốt của Đảng Dân chủ đánh giá các phi vụ không kích của Mỹ là không tương xứng, có thể dẫn đến leo thang hoặc thậm chí là xảy ra chiến tranh không tránh khỏi.

Quan điểm mâu thuẫn giữa hai đảng là chuyện xưa nay vẫn vậy, thậm chí còn rập khuôn. Trong bối cảnh như thế, đến cả một tổng thống Đảng Dân chủ có thể cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng sức mạnh quân sự.

* NATO có thể giữ vai trò gì trong khủng hoảng này?

A.H. Scheffer: Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1 năm 2015 đã loại khỏi vòng chiến mọi giải pháp đa phương về hồ sơ Iran. 

NATO không đóng vai trò ở Iran nhưng duy trì sự hiện diện hạn chế ở Iraq để huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq và ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trở lại. Tình hình an ninh suy giảm đáng kể sẽ tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của NATO ở Iraq.

Mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran - Ảnh 4.

Ngày 4-1-2020, NATO thông báo dừng công tác huấn luyện ở Iraq - Ảnh: EPA

Tướng Iran: Mỹ chết nhát không dám động thủ Tướng Iran: Mỹ chết nhát không dám động thủ Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Iran và Iraq Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Iran và Iraq Iran đã mở rộng ảnh hưởng ở Iraq như thế nào? Iran đã mở rộng ảnh hưởng ở Iraq như thế nào?
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên