Cùng nhau chuẩn bị mùng mền, giường, gối... cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến khu tái định cư Thủ Thiêm, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Từ những bữa ăn sáng đến những mớ rau tươi, bao gạo trắng đều đặn được gửi đến khu phong tỏa. Quà từ sự chăm lo của phường và cả quà từ những nhà hảo tâm mà chúng tôi không biết mặt biết tên. Còn hạnh phúc nào lớn lao hơn.
Tôi viết lại những dòng này thay lời cảm ơn mọi người đã san sẻ cho chúng tôi.
Chiều muộn ngày 8-7
Nơi tôi ở, hẻm 95 Lê Văn Lương, phường Tân Kiểng, quận 7 (TP.HCM), bị giăng dây phong tỏa. Các anh chị mặc áo bảo hộ xanh y tế phát loa mời bà con đi lấy mẫu xét nghiệm. Tôi lo lắng khi nghĩ về những ngày sắp tới.
Trước đó ba ngày, hẻm đã phong tỏa tạm thời, xét nghiệm xong rồi được "mở cổng". Lần này, sau khi các nhân viên y tế lấy mẫu cho hàng trăm người dân trong con hẻm xong thì trước cổng hẻm đã có chốt trực và khắp hai hướng phía sau con hẻm cũng được chặn lại.
Loa thông báo: ai từ nơi khác có vào hẻm thì sau đó phải ở lại luôn, không được ra nữa. Bộn bề lo lắng. Thực phẩm chỉ đủ vài hôm… Cả nhà động viên nhau bằng cách quây quần xem những trận đá bóng châu Âu. Chúng tôi đang ở nơi có nguy cơ cao do có những ca F0 sống trong các khu nhà trọ. Sắp xếp lại cuộc sống ngày phong tỏa có lẽ cần hơn hết là tâm lý thật bình tĩnh, chấp hành những quy định y tế để phòng dịch.
Sáng 9-7
Những ổ bánh mì kẹp chả lụa đã được gửi vào trong khu phong tỏa. Một chị ra nhận và đi "rao" trong hẻm "Ai ăn bánh mì hôn!". Nhà tôi nhận một ổ cho cậu con 8 tuổi đang thèm bánh mì, mọi người bảo nhau nên nhường cho người cần hơn.
Bữa sáng không biết ai trao tặng nhưng người nhận ấm lòng hết sức. Công việc của tôi cũng có thể làm từ xa qua máy vi tính nên cũng không mấy xáo trộn.
Chạng vạng tối, cô tổ trưởng xách những bịch rau củ treo trước cổng nhà gọi với vào trong mời ra nhận quà từ UBND phường. Tôi từ chối vì trong tủ lạnh cũng còn ít rau nhưng cô tổ trưởng nói "nhà ai cũng có nên cứ nhận đi để bữa sau dùng". Ngày đầu tiên trôi qua bình yên, ai ở đâu ở yên đấy, được quan tâm chia sẻ, chăm chút cho những bữa ăn, được sống trong sự bảo vệ nghiêm ngặt, có để xe ngoài cửa ngủ cũng không sao!
Ngày 10-7
Mới sớm đã nghe tiếng rao: "Xôi đây, xôi đây, có ai muốn ăn nào". Tiếng cô gái văng vẳng phía xa rồi, lòng tôi cảm thấy vui. Buổi chiều, dù trời mưa, cô tổ trưởng lại để trước cửa mỗi nhà một thùng mì. Tôi muốn tặng những người cần hơn, cô nói: "Nhà ai cũng có. Nhà mình cứ nhận đi rồi muốn tặng lại ai thì tặng". Cầm thùng mì vào nhà, cảm động rưng rưng. Trước đó, lúc trưa tôi đã thấy những ly trà sữa, bịch chè đậu đen được bên ngoài gửi tặng.
Ngày 11-7
Ở các nhánh hẻm nhỏ, công nhân đã được nhận gạo và đồ ăn. Trên những chiếc bàn được kê ngay đầu hẻm là những phần quà được để sẵn, lần lượt mỗi phòng trọ ra lấy vào. Một lát sau lại thấy chiếc ôtô nhỏ mang một xe rau xanh gửi vào tặng bà con. Bà con lặng lẽ ghé đến nhận, mỗi người 1 bó, còn để phần cho người đến sau. Những bó rau cải, rau dền, rau muống xanh tươi rói. Sống trong khu phong tỏa, được chăm lo đủ đầy rau xanh tươi ngon vầy, còn hạnh phúc nào lớn lao hơn!
Một tuần trôi qua
Những yêu thương của bà con trong con hẻm cũng được trao gửi khi những người sống trong con hẻm này người chủ động kết nối thêm nguồn lực để tặng gạo cho các dãy trọ, người tìm rau củ từ quê nhà Cần Giuộc gửi lên gần 600kg để chia lại cho bà con trong hẻm, người thì tìm thêm nguồn cá tươi…
Cứ thế, bà con trong hẻm tôi ở đã trải qua cả tuần phong tỏa mà nhịp sống vẫn diễn ra bình thường. Chỉ là không ai được đứng gần với ai nhưng những ân tình trao nhau vẫn tiếp nối…
Tôi nghĩ về thành phố mình đang vất vả phòng chống dịch, nghĩ về những sẻ chia sức người sức của đồng bào các tỉnh thành đang trao về TP.HCM. Bên bữa cơm gia đình, chúng tôi cùng nghĩ về những món quà hằng ngày được trao tận cửa. Đó không chỉ là đồ ăn thức uống mà là sự động viên, tặng nhau cảm xúc tích cực nhất. Hơn ai hết, chúng tôi, trong những ngày phong tỏa, lại may mắn nhất cảm nhận được những điều quý báu không thể cân đo đong đếm ấy.
Đùm bọc nhau trong khu phong tỏa
Cô bạn tôi cũng sống trong khu phong tỏa của quận Bình Tân vừa chia sẻ câu chuyện. Nhà bạn đã chuẩn bị mua sẵn một bịch to những món phở, cháo, miến ăn liền để dành làm đồ ăn sáng cho con. Nhưng ngay khi hẻm nhà bạn bị giăng dây, bạn nghĩ ngay việc đem món đồ này qua tặng lại nhà đôi vợ chồng mù có đứa con nhỏ. "Có lẽ họ cần hơn mình lúc này. Nhà mình vẫn đỡ hơn nhiều", bạn chia sẻ.
Một anh bạn sống ở chung cư bị phong tỏa đã hơn chục ngày qua lên mạng tìm kiếm, kết nối để tìm những nơi tặng rau củ, nhu yếu phẩm để liên hệ nhận về tặng lại những hoàn cảnh khó khăn trong khu mình sinh sống. Bạn nói dù dây có giăng lối nhưng đường đi đến trái tim giữa người với người thì luôn gần. "Sống trong khu phong tỏa, lòng tôi vẫn bình yên và chỉ cầu mong, tin tưởng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường" - anh nói.
Từ số báo này, Tuổi Trẻ mở mục Nhật ký trong khu cách ly, để đăng tải những câu chuyện, vấn đề và thông tin liên quan các khu cách ly phòng dịch COVID-19. Rất mong nhận được cộng tác của bạn đọc, nhất là các bạn đang có mặt trong khu cách ly.
Bài viết, hình ảnh, video xin gửi về: [email protected], đặt tiêu đề email: Nhật ký trong khu cách ly. Bạn đọc vui lòng cung cấp số điện thoại, thông tin tài khoản để toà soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Trân trọng cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận