Đây là ý kiến được nêu ra tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới được tổ chức ngày 19-8. Vấn đề thiếu giáo viên cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại hội nghị này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo điều hành hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Tới dự có lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đại diện UBND của 63 tỉnh, thành phố dự tại các điểm cầu trực tuyến.
Còn thiếu trên 113.000 giáo viên
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm học 2023-2024 đã bổ sung 27.826 biên chế trong số 65.980 biên chế được Bộ Chính trị bổ sung cho giai đoạn 2022-2026. Nhưng tính đến tháng 4-2024, các địa phương mới tuyển dụng được 19.474 giáo viên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương. Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp. Thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy các môn học mới (tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật), nhưng chậm khắc phục gây khó khăn cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số còn thấp so với nhu cầu thực tế. Tỉ lệ giáo viên/lớp học còn thấp hơn so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trao đổi tại hội nghị, ông Vừ A Bằng, phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, chia sẻ việc thiếu giáo viên so với định mức, thiếu nhất ở các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là áp lực rất lớn.
Việc này khiến các thầy, cô giáo phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường. Trong khi đó, sau mỗi năm học, biến động về đội ngũ giáo viên lại cao, do có nhiều giáo viên chuyển từ vùng cao về miền xuôi.
Tình trạng thiếu giáo viên, trong đó có giáo viên các môn đặc thù không chỉ ở vùng khó khăn, mà xảy ra cả ở các vùng thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM.
"Giáo viên có quá ít thời gian để tự nâng cao trình độ là do đời sống khó khăn"
Trong báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khó khăn khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc còn cao.
Nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu. Việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương khá chậm. Hiện vẫn còn 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng. Trong khi đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng.
Công tác quy hoạch dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế.
Biến động dân số, chuyển dịch lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn, không theo quy luật cũng là bất cập khiến các địa phương khó chủ động được việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên…
Trao đổi về nguyên nhân khó khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ông Vừ A Bằng cho biết tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp nhưng lại đối mặt với việc không có nguồn tuyển. Trong ba năm qua, tỉnh cũng thực hiện việc đưa học sinh đi học chương trình cử tuyển để bù đắp việc thiếu giáo viên tại chỗ, nhưng lại vướng các quy định liên quan tới tuyển dụng.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho rằng với mặt bằng thu nhập ở thành phố hiện nay thì mức lương chi trả cho giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc quá thấp nên khó thu hút người vào ngành sư phạm.
Trong khi thành phố không thể đề xuất hội đồng nhân dân có cơ chế đặc thù tương tự như áp dụng với giáo viên mầm non.
Đại diện các tỉnh, thành phố khi trao đổi tại hội nghị đều thể hiện mong đợi Luật Nhà giáo sớm được trình Quốc hội thông qua.
Hy vọng khi có luật, chính sách nhà giáo sẽ được cải thiện. Và đây cũng là cơ sở để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng mong đợi Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành để rà soát các quy định liên quan tới tạo nguồn, tuyển dụng giáo viên để đồng bộ, khắc phục sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp lý dẫn tới vướng mắc trong triển khai.
Trao đổi tại hội nghị về vấn đề giáo viên, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc nâng chất lượng giáo viên cũng là việc cần được quan tâm hơn bên cạnh việc bù đắp về số lượng.
Bà Doan đặt câu hỏi "giáo viên trên cả nước có bao nhiêu thời gian để đọc tài liệu, tự học, tự nâng cao trình độ?".
Bà cho rằng một trong những lý do khiến giáo viên có quá ít thời gian để "tự nâng cao trình độ" là do đời sống khó khăn.
Nói về câu chuyện thiếu nguồn tuyển đối với một số môn học mới, ông Nguyễn Đức Sơn, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng hiện hầu hết các trường đại học sư phạm chủ chốt đã mở ngành và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới như: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý…
Việc này góp phần cung cấp giáo viên cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ. Nhưng việc đào tạo cũng cần có thời gian mới có thể cung cấp nguồn tuyển cho các địa phương.
Ông Sơn cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo hướng linh hoạt, sát thực tiễn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non và phổ thông là 1.251.377, tăng thêm 17.253 giáo viên so với năm học trước.
Tuy nhiên, so với định mức giáo viên/lớp thì hiện chưa có bậc học nào đạt. Bậc mầm non định mức là 2,2 giáo viên/lớp thì năm học 2023-2024 mới đạt mức 1,81.
Bậc tiểu học định mức là 1,5 giáo viên/lớp thì mới đạt 1,37. Bậc THCS định mức là 1,9 giáo viên/lớp nhưng mới đạt mức 1,74. Bậc THPT định mức là 2,25 giáo viên/lớp thì mới đạt 2,04.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận