Ảnh minh họa: YAHOO FINANCE
Theo trang Market Watch, nhóm khảo sát đã hỏi 1,3 triệu người tại 128 quốc gia trên thế giới về việc gần đây họ có giúp một người lạ, quyên tặng tiền hay thời gian cho công tác từ thiện không.
Những người thực hiện khảo sát đặt câu hỏi với người tham gia trong khoảng thời gian từ năm 2009-2018, họ đã làm việc gì trong số những điều sau ở tháng ngay trước đó: giúp một người lạ hoặc một người họ không quen nhưng cần trợ giúp; quyên tặng tiền từ thiện hay tình nguyện dành thời gian cho một tổ chức.
Từ phản hồi của những người tham gia khảo sát, Charities Aid Foundation đã xây dựng được bảng xếp hạng chỉ số mức độ hào phóng của cư dân các nước gọi là World Giving Index.
Theo đó, đứng đầu bảng xếp hạng mức độ hào phóng là ba nước Mỹ, Myanmar và New Zealand. Những nước chót bảng là Yemen, Hi Lạp và Trung Quốc. Mỹ từng đứng đầu bảng xếp hạng World Giving Index năm 2014 nhưng kể từ sau đó cứ tụt hạng dần.
Các tác giả báo cáo đánh giá đây là "xu hướng đáng lo ngại" và xu hướng này cũng đang diễn ra tại nhiều nước phát triển khác. Bảy nước khác trong top 10 nước đứng đầu thế giới về mức độ hào phóng theo thứ tự từ 4-10 là: Úc, Ireland, Canada, Anh, Hà Lan, Sri Lanka và Indonesia.
Mặc dù vẫn đứng nhất bảng về mức độ hào phóng, song nếu năm 2014 Mỹ đạt điểm 64% thì năm 2018 chỉ là 58%. Điểm % này là tỉ lệ trung bình những câu trả lời "có" với ba câu hỏi chủ chốt nêu trên tại mỗi nước.
Các tác giả báo cáo World Giving Index cho biết họ sẽ theo dõi mức độ ảnh hưởng cụ thể của những chính sách thay đổi về thuế năm 2017 đến hoạt động quyên tặng tài chính của người Mỹ cho các tổ chức từ thiện. Nhiều người đã không còn kê khai những khoản được miễn thuế cho các phần quyên tặng tài chính của họ nữa.
Cũng theo các tác giả báo cáo, "không có một điểm riêng biệt nào là tiêu chuẩn cho mức độ hào phóng của một quốc gia". Những nước thuộc top có điểm số "cho đi" cao nhất "thuộc nhiều khu vực địa lý, tôn giáo, văn hóa và mức độ giàu có".
Trong số 10 quốc gia đầu bảng có tới 7 nước thuộc nhóm giàu nhất thế giới, song 3 nước còn lại là Myanmar, Sri Lanka và Indonesia đều đang thuộc nhóm các nước có thu nhập từ thấp đến trung bình theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc. Điều này cũng có nghĩa bất kể giàu nghèo, các nước vẫn có thể có mức độ hào phóng như nhau khi sẵn sàng "cho đi".
Nhân tố văn hóa có vẻ như đóng vai trò quan trọng trong tính cách hào phóng của một quốc gia. Cả Myanmar và Sri Lanka đều là những nước có đông đảo người dân theo Phật giáo. Nhiều nước châu Phi, trong đó có Liberia, Sierra Leone, Kenya và Zambia, là những nước đứng đầu danh sách rất sẵn sàng giúp đỡ một người lạ. Theo các tác giả báo cáo, điều này có thể liên quan tới triết lý "ubuntu" của người châu Phi là luôn khuyến khích sự tận tâm, chu đáo và tinh thần cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận