Các chiến sĩ cùng văn nghệ sĩ vui hết mình với những ca khúc xuân sôi động trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước ngày lên đường, Mùa xuân biển đảo lần 9 dời lịch khởi hành từ đêm 3-1 sang trưa 4-1 vì sóng biển quá lớn, tàu không thể chạy. Đến ngày 4-1, dù dự báo thời tiết chưa khả quan lắm, đoàn vẫn quyết tâm lên đường vì không muốn phụ nỗi mong chờ của cán bộ chiến sĩ.
Ngày 5-1 là ngày "xả thân" nhất của đoàn cùng toàn thể cán bộ chiến sĩ trên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) khi lịch chương trình dày đặc, không một phút ngơi nghỉ. Tất cả cùng dồn sức người và sức của để hỗ trợ nhau, tạo nên một Mùa xuân biển đảo 2020 thành công.
Sóng dữ không khắc nghiệt bằng cuộc sống chiến sĩ
Anh Ngô Minh Hải, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM kiêm chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, nói vui khi phát biểu tối 5-1: "Có lẽ hành trình này mang đến những trải nghiệm lần đầu tiên với nhiều anh chị em nghệ sĩ và thành viên trong đoàn. Rất nhiều người trong chúng tôi vẫn còn cảm thấy lâng lâng, bồng bềnh".
Đó là cách diễn đạt hài hước nhưng thể hiện hết những khó khăn mà đoàn Mùa xuân biển đảo lần 9 đã và đang trải qua để mang lời ca, tiếng hát và những món quà từ hậu phương đến với chiến sĩ nơi đảo xa.
Chuyến hải hành giữa cơn sóng dữ trong vòng 3 tiếng rưỡi từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý vào sáng sớm 5-1 đã "đánh gục" hầu hết thành viên trong đoàn. Nhưng khi đặt chân đến đảo, không ai bảo ai, tất cả đều khẩn trương nhập vào nhóm của mình để lên đường đến các đơn vị. Cơn mệt mỏi nhanh chóng tan đi, thay vào đó là niềm xúc động vì tình cảm và sự tiếp đón chu đáo của các chiến sĩ.
Trong ngày 5-1, đoàn liên tục đi thăm đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, Huyện đội Phú Quý, gia đình chính sách, trạm rađa 55 phòng không - không quân (nơi có 90% chiến sĩ đã và đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa), trạm rađa 575 thuộc trung đoàn 451 Vùng 4 hải quân và tàu cảnh sát biển 2009 đang neo trực tại Phú Quý.
Trả lời Tuổi Trẻ, thượng tá Hoàng Ngọc Thiện - phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 và cũng là người tiền trạm Mùa xuân biển đảo lần 9 - lý giải việc chọn đảo Phú Quý và các đơn vị nói trên cho chương trình năm nay.
Theo anh Thiện, đây đều là những đơn vị thực sự khó khăn, sống và chiến đấu trong tình trạng khắc nghiệt, có hoàn cảnh gia đình rất đáng được chia sẻ. Ngay trong đơn vị rađa 55, đại úy Đinh Trần Lê là chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Cả 3 người con của anh đều mắc bệnh hiểm nghèo, riêng người con thứ hai phải điều trị đều đặn ở Bệnh viện Ung bướu. Hiện gia đình anh ở nhà thuê trên huyện đảo.
Chính vì vậy, đội tiền trạm và ban tổ chức Mùa xuân biển đảo lần 9 đã lên một lịch trình rất dày đặc để gửi đến những món quà xuân đong đầy tình cảm của người dân đất liền đến với những chiến sĩ.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, anh Đinh Trần Lê cười buồn khi nhắc đến tình trạng sức khỏe của các con. "Cuộc đời cho mình điều gì thì hãy cố gắng sống vui với nó" - anh Lê tâm sự. Cũng chính anh đã hái hai quả bàng vuông lớn tặng MC Quỳnh Hoa, phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên.
Chuyến giao lưu tại tàu cảnh sát biển 2009 diễn ra đầy đầm ấm với màn thi gói bánh chưng và nấu ăn ngày tết, thể hiện tình quân dân thắm thiết - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khi chiến sĩ hát hay không kém ca sĩ
Tối 5-1, chương trình giao lưu văn nghệ và trao học bổng cho con em cán bộ chiến sĩ tại Trung tâm văn hóa huyện Phú Quý với sự tham gia của hàng trăm người gồm nghệ sĩ, ban tổ chức, cán bộ chiến sĩ và người dân. Đây là đêm văn nghệ "đinh" của chương trình.
Gây bất ngờ nhất trong chương trình là tài ca hát và chơi đàn của các chiến sĩ thuộc Huyện đội huyện đảo Phú Quý và đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý. Các tiết mục được dàn dựng rất công phu, mang lại bầu không khí ấm áp trong một đêm lộng gió giữa huyện đảo.
Đặc biệt, được khán giả ủng hộ nhất trong chương trình là tiết mục liên khúc các bài hát về Tổ quốc và lòng yêu nước của các chiến sĩ huyện đội cùng sự tham gia của các ca sĩ Mùa xuân biển đảo. Các chiến sĩ thể hiện sự sáng tạo khi kết hợp nhiều ca khúc hay như Tiến quân ca, Lá cờ, Niềm tin chiến thắng... và thể hiện giọng hát cuốn hút không kém ca sĩ chuyên nghiệp.
Trong khi đó, đoàn văn nghệ sĩ của Mùa xuân biển đảo mang đến những tiết mục sôi động cùng nhóm hát và nhóm múa. Đó là Đường tàu mùa xuân của NSƯT Quỳnh Liên, Tôi yêu Tổ quốc tôi của nhóm Sao Việt, Bay qua Biển Đông của cặp song ca Đông Triều - Ý Nhi, Anh cho em mùa xuân của ca sĩ Hạnh Nguyên, Xuân mộng của Quốc Đạt, Hạnh phúc xuân ngời của Sơn Ca, Xuân họp mặt của nhóm Phù Sa, Xa em kỷ niệm của Cao Công Nghĩa...
Một hoạt động rất ý nghĩa trong đêm nhạc là trao 30 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng cho 30 học sinh con em chiến sĩ. Đây đều là những em có thành tích học tập khá giỏi, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chương trình Mùa xuân biển đảo lần 9 (năm 2020) do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) thực hiện.
Ông Phùng Đình Dũng, chủ tịch công đoàn SATRA kiêm phó ban chỉ đạo chương trình "Satra vì biển đảo quê hương", nói với Tuổi Trẻ: "Năm nay, đóng góp từ tập thể người lao động của SATRA cho Mùa xuân biển đảo là 2,5 tỉ đồng.
Qua nhiều năm đồng hành, SATRA nhận thấy chương trình có ý nghĩa rất lớn và tính hiệu quả cao. Công tác tổ chức cũng có sự thấu hiểu và gắn kết lẫn nhau. Chúng tôi mong rằng với sự đồng hành của SATRA, các chiến sĩ nơi đảo xa của Phan Thiết và Phú Quý sẽ đón những mùa xuân tươi đẹp hơn".
Ca sĩ Sơn Ca muốn ở lại với trạm rađa 55
Đêm 5-1, khi thấy tiết mục của mình được các chiến sĩ hưởng ứng nhiệt tình, Sơn Ca mời chiến sĩ Cao Đình Tùng lên sân khấu giao lưu. Cô ướm hỏi: "Trạm rađa 55 có còn cần người không?". Khi người lính đẹp trai trả lời trạm đã đủ người, Sơn Ca vẫn kiên quyết: "Chị có thể làm nấu ăn cho trạm nè".
Màn đối đáp vui vẻ, thắm tình dân - quân giữa Sơn Ca và chiến sĩ Tùng tạo nên một khoảnh khắc dễ thương trong đêm nhạc. Chiến sĩ Tùng cũng chính là người biên đạo tiết mục nhảy của các chàng trai trẻ rađa 55 trên nền nhạc ca khúc Handclap đầy sôi động của ban nhạc Fitz and The Tantrums.
Trao 30 suất học bổng cho các con em chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại đảo Phú Quý - Ảnh: DUYÊN PHAN
MC Quỳnh Hoa (phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên): "Trước chuyến đi, có rất nhiều việc phải lo lắng. Vận chuyển trang thiết bị âm thanh ánh sáng là cả một vấn đề vì không có tàu chuyên chở. Thuê nguyên một con tàu thì không đủ kinh phí. Ban tổ chức đã đồng lòng và chấp nhận mọi phương án để có thể đặt chân lên đảo với một quyết tâm cao nhất, mang món quà xuân đến cho các chiến sĩ".
Nhạc sĩ Thái Hiệp: "Anh em phụ trách âm thanh ánh sáng cho chương trình chính là những người cực nhất.Đêm nhạc kết thúc, họ vẫn phải làm việc rất cực nhọc để dọn dẹp và vận chuyển trang thiết bị về đất liền. Nhưng những khó khăn đó chỉ khiến chúng tôi thêm quyết tâm mang đến một đêm nhạc thật chất lượng và đáng nhớ cho chiến sĩ, người dân Phú Quý".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận