15/01/2023 12:00 GMT+7

Mùa vui trong sách Tết thiếu nhi

Ngày nay, khi mà đường sách cùng với những hội sách Tết không còn là của hiếm, trở thành một điểm đến dịp nghỉ Tết; các bậc phụ huynh chắc hẳn quan tâm nên chọn cho các bé sách gì vào dịp lễ này.

Mùa vui trong sách thiếu nhi - Ảnh 1.

Muôn sắc diện của mùa xuân trong sách thiếu nhi người Việt viết cho trẻ em Việt - Ảnh: N.LINH - N.LÂM

Mùa xuân này, lần đầu tiên, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản bốn tập thơ cho trẻ con, một thể loại lâu nay nhà xuất bản  chưa khai thác. Bộ sách có bốn tập với giọng thơ ba tác giả Bắc - Trung - Nam hội tụ, cùng những vần điệu long lanh đáng yêu như tiếng trẻ nhỏ reo cười.

Sách Tết: đánh thức những vần điệu trẻ thơ

Những giai điệu thơ ca đầu tiên đến với đôi tai chúng ta qua những lời ru của bà, của mẹ. Nhưng thời đại đã khác, âm thanh thuở nằm nôi của các bé đã vắng bóng dần những lời ru mộc mạc nhưng giàu hình ảnh ấy. Ngày nay, có lẽ cho các bé tiếp xúc với thơ thông qua những bài thơ trẻ con hẳn cũng là một cách gieo tình yêu thơ ca từ thuở nhỏ.

Thơ thiếu nhi năm qua có vài tập đáng chú ý. Như bốn tập thơ Vần điệu cho em (Nhà xuất bản  Trẻ) với nhiều minh họa đáng yêu, phù hợp với các bạn tiểu học. Những bài thơ người lớn viết cho thiếu nhi nhưng vẫn giữ được sự trong trẻo. 

Có lẽ vì những thi sĩ "người lớn" kia cũng từng có thời là trẻ con, đã nhìn sự vật quanh mình bằng đôi mắt hồn nhiên. 

Như bài thơ "Nước mắt hoa" của Thục Linh trong tập Nếu không có trẻ con (Vyveo minh họa): "Sớm mai hoa đã khóc nhè/ Ôi! Giọt nước mắt tròn xoe kìa bà/ Không đâu, sương đọng hôm qua/ Mặt trời rạng rỡ thì hoa lại cười".

Thứ tưởng chừng là giọt lệ trong ấy, hóa ra chỉ là giọt sương đêm giá buốt còn đọng lại từ hôm qua để chuẩn bị cho nụ cười sắp sửa hôm nay. Gọn thôi, những giọt nước mắt của quá khứ rồi được đổi lại bằng nụ cười hiện tại. Thơ cho trẻ con ấy nhưng cũng chiêm nghiệm, nếm trải.

Trong khi đó, Mai Quyên và hai tập Bao giờ mặt trời lớn lên? và Chuyện bốn mùa trời đất (đều do Phan Hồng Đức minh họa) tận dụng triệt để "kinh nghiệm" từng là trẻ con của bản thân để vẽ lại những tiếng tu hú, trái bàng, một mùi quê hương hay trò rồng rắn lên mây. 

Một thế giới của đồng thoại, của chơi đùa, nơi những điều bé nhỏ bình thường trong cuộc sống đều có thể thành chuyện, thành thơ qua trí tưởng tượng phong phú. Như chú ong "đỏ hoe mắt khóc ròng" vì lạc mẹ. Thế là bé quyết định chạy một vòng, giúp chú ong tìm mẹ.

Thế giới thiên nhiên sống động ấy cũng hiện diện trong tập Cây cầu lấp lánh của Mộc An (Phan Hiển minh họa). Ở đó, từ trừu tượng như "cái buồn" đến cụ thể như "cái hàng rào" đều hiện diện trong thơ, kể cả những sinh vật bé nhỏ như chú sâu đo hay ốc sên.

Mở ngoặc một chút về những chú sên "của" Mộc An, bên cạnh thơ, tác giả cũng vừa ra mắt truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất (NXB Kim Đồng) cũng kể về những chú sên nhỏ trong một khu vườn con.

Mùa vui trong sách thiếu nhi - Ảnh 2.

Và Tết trong sách: hiểu xưa, yêu nay

Cho các em nhỏ biết được niềm vui ngày Tết, hiểu được các phong tục xưa, biết thế hệ cha mẹ đã từng ăn Tết như thế nào... thiết nghĩ cũng là chuyện rất cần, ở thời đại người ta vẫn còn tranh cãi bỏ hay giữ Tết.

A! Tết đây rồi (Nhà xuất bản  Kim Đồng) tuy mỏng thôi nhưng đủ giúp trẻ nhỏ hiểu Tết và yêu Tết. Với lời của Komorebi, Vũ Linh, tranh của Quyên Thái, sách giới thiệu những phong tục, nếp sinh hoạt ngày Tết.

Bạn nhỏ muốn tìm hiểu thêm có thể giở qua cuốn Nhâm nhi Tết Quý Mão (Nhà xuất bản  Kim Đồng) - một tuyển tập thơ văn của nhiều tác giả. 

Ở đây ta sẽ thấy sự tiếp nối của các thế hệ tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi, từ Vũ Tú Nam, Trần Đức Tiến, Thy Ngọc, Định Hải, Cao Xuân Sơn... đến Hồ Huy Sơn, Nhật Phi, Nguyễn Thế Hoàng Linh... 

Tuy Tết là thời gian chung, nhưng tùy vùng, tùy thời và cũng tùy mỗi cá nhân mà muôn sắc diện của muôn xuân được phô bày ra cùng độc giả.

Ở Nhâm nhi Tết Quý Mão, các bạn nhỏ còn đọc được những câu chuyện lịch sử, phong tục, tuy xưa mà chưa cũ.

Cũng tinh thần ấy, nhà báo Nguyễn Lam Điền kể năm câu chuyện về loài cọp trong Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể (Vũ Hà Tuệ minh họa, Nhà xuất bản  Trẻ). 

Năm truyện kể mang màu sắc dân gian về một thời hình ảnh con cọp hiện diện trong đời sống tinh thần của cha ông như một biểu tượng dũng mãnh, bí ẩn và nhiều khi ma quái.

Năm mèo đọc sách hổ, kể ra cũng tính là chuyện ôn cố tri tân vậy.

Sách Việt cho trẻ em Việt

Ảnh: NỮ LÂM

Với Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể, bạn đọc Trần Mỹ Hằng nhận xét: "Giữa vô vàn sách thiếu nhi là bản dịch, đây là một cuốn sách tuyệt đẹp mà đậm đặc chất bản địa, với lối kể chuyện và ngôn ngữ chân phương, rất lâu rồi mới gặp lại".

Nhận xét là một khích lệ, để các nhà xuất bản quan tâm và đầu tư cho mảng sách thiếu nhi trong nước với các đề tài văn hóa, dân tộc, tập tục địa phương, ngôn ngữ địa phương... làm giàu thêm kiến thức bản địa cho thiếu nhi nước nhà.

Muốn trẻ em yêu mảnh đất chúng sống, phải bắt đầu bằng sự thấu hiểu. Một số cuốn nổi bật gần đây như Đất nước gấm hoa (Nhà xuất bản Kim Đồng) là một ví dụ.

Quyển sách như một Atlas Việt Nam, giúp bạn đọc nhỏ tuổi có cái nhìn cụ thể và sống động về 63 tỉnh thành trên dải đất hình chữ S.

Cùng với chủ đề này, Nhà xuất bản Trẻ sẽ cho ra mắt bộ sách Đến thăm thành phố của em với những tập mỏng cho từng thành phố, tỉnh thành cụ thể trên bản đồ Việt Nam, cung cấp những kiến thức về văn hóa, lịch sử, ẩm thực, địa lý của từng nơi...

NHÃ LINH

Học sinh thích thú giao lưu với nhà văn để "lớn lên cùng sách"Học sinh thích thú giao lưu với nhà văn để 'lớn lên cùng sách'

Nhiều học sinh THCS tại quận 1, TP.HCM thích thú khi được giao lưu với nhà văn Bùi Tiểu Quyên, trải nghiệm tour “Sống động Sài Gòn” trước khi chính thức bước vào làm bài hội thi “Lớn lên cùng sách”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên