02/01/2015 10:30 GMT+7

​Mùa vàng

ÐOÀN CƯỜNG
ÐOÀN CƯỜNG

TT - Dòng nước mát lành từ Phú Ninh tỏa đi kênh Nam, kênh Bắc đã làm sống lại những cánh đồng chết khát. Dòng nước ấy như liều thuốc kích thích giúp năng suất lúa của Quảng Nam - Ðà Nẵng tăng vọt gấp 3-4 lần.

Công trình đã giúp gần 1 triệu dân xứ Quảng thoát khỏi cảnh thiếu đói trong những năm 1980.

Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm công trình đại thủy nông Phú Ninh - Ảnh tư liệu
Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm công trình đại thủy nông Phú Ninh - Ảnh tư liệu

Ngày mùa vui

Nhìn dòng nước kênh Phú Ninh chảy về tưới mát cánh đồng Tam Thái, ông Hồ Văn Sơn (60 tuổi, xã Tam Thái) so sánh: “Ngày nước chưa về, nhà tui có bốn sào ruộng, sáu người mà không đủ ăn, không nước tưới nên mỗi sào thu hoạch chỉ được 1 tạ lúa. Giờ có nước Phú Ninh năng suất đạt 3-4 tạ/sào”. Ông Phan Văn Phẩm - phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh - cho biết vụ hè thu 2014 toàn xã có 240ha lúa, năng suất đạt 58,2 tạ/ha. “Tất cả đều nhờ vào dòng nước Phú Ninh” - ông Phẩm khẳng định.

Ngày 8-7-1979, dòng nước đầu tiên qua cống Nam - đánh dấu ngày đầu tiên phát huy tác dụng công trình trong niềm vui nô nức của hàng triệu dân Quảng. Ngày 20-4-1983, nước về đến Duy Xuyên - báo hiệu dòng nước Phú Ninh chảy thông suốt kênh Bắc. Ngày 15-6-1983, nước qua cầu máng Trường Giang để tưới cho vùng cát phía đông Thăng Bình. Ngày 31-12-1985, toàn bộ công trình căn bản hoàn thành.

Ngày khánh thành công trình 27-3-1986, ông Phạm Ðức Nam lúc đó làm chủ tịch UBND tỉnh xúc động nói: “Các đơn vị thi công của địa phương trang bị nghèo nàn, chủ yếu là hai bàn tay và đôi vai, không ỷ lại và chờ đợi, không do dự trước những khó khăn, đã hoàn thành xuất sắc toàn bộ khối lượng của hạng mục kênh mương. Người tham gia xây dựng công trường nhiều lúc cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, thậm chí nước không đủ dùng nhưng vẫn không rời bỏ nhiệm vụ”.

Theo chủ tịch Phạm Ðức Nam, dòng nước Phú Ninh về đã làm biến đổi sâu sắc tâm lý xã hội, tập quán canh tác, cuộc sống của người dân. Xã Tam Thành (thị xã Tam Kỳ) là một điển hình về sự biến đổi đó.

Trước đây, vì thiếu nước nên người dân bỏ xứ đi Trà My, Tiên Phước, HTX xếp loại yếu kém. Nhưng từ khi có nguồn nước Phú Ninh năng suất lúa tăng từ 11-13 tạ/ha lên 30-32 tạ/ha, sản lượng từ 1.600 tấn lên 3.400 tấn, hơn 40% diện tích canh tác cấy ba vụ.

Sản lượng lúa năm 1976 của Tam Kỳ đạt 25.000 tấn, Thăng Bình đạt 20.000 tấn, nhưng khi có nước Phú Ninh từ năm 1983-1985 Tam Kỳ đạt 42.000 tấn/năm, Thăng Bình đạt 46.000 tấn/năm. Từ khi có nước năng suất và sản lượng tăng gấp hai lần.

Từ năm 1979-1985, công trình đã tưới được 110.350ha, nếu chỉ tính mức thấp nhất mỗi hecta  do nước mà năng suất tăng lên 4 tạ (sơ bộ tính hiệu quả do nước khoảng 30%, các yếu tố khác tăng 70%) thì với mặt bằng giá năm 1982, mỗi tấn thóc 4.000 đồng đã cho thu được số tiền 176 triệu đồng do công trình Phú Ninh mang lại khi ấy.

Ngày khánh thành công trình, ông Phạm Ðức Nam xúc động nói: “Ước mơ ngàn đời của dân Quảng Nam - Ðà Nẵng đã được thực hiện. Có mấy ai tin rằng nước sông Tam Kỳ dẫn về đến vùng Trà Kiệu của huyện Duy Xuyên cách xa 50km với địa hình cách trở. Có ai dám nghĩ rằng nước Phú Ninh sẽ đưa về tưới cho xã Tam Hòa - một vùng ven biển đồng chua nước mặn bao vây. Có ai biết được rằng ánh sáng của dòng thủy điện Phú Ninh lại tỏa sáng trên núi rừng Tiên Phước.

Mười sáu năm nghiên cứu, điều tra, khảo sát của thực dân Pháp cũng chỉ là những phương án. Nhân dân Quảng Nam - Ðà Nẵng đón nhận sản phẩm này như biểu tượng của ân huệ và hạnh phúc. Ta biết ơn sâu sắc những người đã hi sinh vì sự nghiệp xây dựng công trình này”.

Những lần cắt lũ nhớ đời

Không chỉ mang lại những mùa vàng, công trình thủy nông còn tham gia cắt những cơn lũ lịch sử giúp hàng ngàn người dân xứ Quảng thoát cảnh hiểm nguy.

Ngày 30-11-1985, lưu vực sông Tam Kỳ xảy ra trận mưa lớn với ước tính 867mm (cao hơn trận lũ lụt Nhâm Thìn 1964 lúc đó chỉ có 667mm, lưu lượng nước 2.000m3. Cũng phải nhắc lại rằng trận lụt năm Nhâm Thìn 1964 Quảng Nam có gần 6.000 người chết, hơn 22.000 nhà cửa bị trôi...).

Trước đó mấy ngày, từ 25 đến 27-11-1985 đã có các trận mưa ước tính 720mm đã gây ra cơn lũ với lưu lượng tính toán 2.000 m3/giây. Nhưng hồ Phú Ninh đã điều tiết được 1.400 m3/giây, còn xả qua tràn 600 m3/giây, hồ đã điều tiết được 60% lượng nước đến. Mực nước trong hồ lúc xuất hiện lũ là 32,76m, khi lũ cao nhất mực nước trong hồ đạt 33,64m.

Nếu hồ không điều tiết mà xả cả lượng nước ấy thì nước ngập Tam Kỳ không kém năm 1964. Nhiệm vụ của hồ chứa theo thiết kế phải chống được cơn lũ có lưu lượng 3.960 m3/giây và mức nước dâng trong hồ cho phép đến 35,53m.

Nhắc đến trận lụt tháng 12-1999, hẳn nhiều người vẫn nhớ lúc đó ông Lê Trí Tập - chủ tịch tỉnh - đã có quyết sách “cứng rắn” nhằm giữ lại đập hồ Phú Ninh cứu hàng ngàn người dân vùng hạ du. Ông Tập tâm sự: “Nếu không có hồ Phú Ninh thì trận lũ lụt năm 1999 sẽ là thảm họa. Và nếu lúc đó phá đập cũng là một thảm họa”.

Ông Tập còn nhớ nước đổ về hồ Phú Ninh lên đến cao trình 25 thì có nguy cơ vỡ đập. Nếu không vỡ mà đứng ở ngưỡng đó cũng rất nguy hiểm. Khi bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đáp chuyến trực thăng vào làm việc với Quảng Nam về xử lý tình huống này, ông Tập ví hình ảnh:

“Các ông cứ hình dung dân tôi như một đàn kiến, bây giờ nếu công trình vỡ cũng như cầm ly nước đổ, không gì chống đỡ nổi. Dân tôi đến 600.000 con người, ngay trong đêm ni mà vỡ thì số người chết tính đến con số nghìn. Phải quyết giữ đến sáng ngày mai, nếu trời tiếp tục mưa mới chấp nhận phá đập. Tôi xin được nâng đập cao thêm 30cm”.

Ngay trong đêm, 5.000 thanh niên xung kích, bộ đội, công an... lấy bao cát be bờ mặt đập, đồng thời cho xả lũ theo đúng quy trình. Nâng đập thêm chỉ 30cm nhưng hồ Phú Ninh đã chứa đến 17 triệu m3. Nhờ vậy Quảng Nam thoát một thảm họa.

Không chỉ phục vụ nông nghiệp, Phú Ninh còn có trạm thủy điện Phú Ninh với công suất 2.000 kW, năm 1984 điện lượng đạt 1,5 triệu kWh. Và giờ đây hồ Phú Ninh trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam.

Hồ Phú Ninh hiện là một điểm tham quan dành cho  du khách - Ảnh: Đoàn Cường
Hồ Phú Ninh hiện là một điểm tham quan dành cho du khách - Ảnh: Đoàn Cường

Một khối lượng khổng lồ

Ðại thủy nông Phú Ninh là công trình tưới tự chảy chiếm gần 80% diện tích canh tác của vùng. Hằng năm có thể sử dụng khoảng 400 triệu m3 nước cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho 600.000 dân. Hồ Phú Ninh có sức chứa hơn 340 triệu m3 nước.

Công trình có vốn đầu tư 282 triệu đồng theo mặt bằng giá năm 1982 (trong đó 220 triệu đồng do lực lượng địa phương tự làm). Các lực lượng đã làm khối lượng công việc là: 15,7 triệu m3 đào đắp đất đá, 139.000m3 đá xây, 120.500m3 đá lát, 65.300m3 bêtông.

Từ ngày khởi công đến khi hoàn thành, công trường đã huy động 18,5 triệu ngày công (chưa kể gần 1 triệu ngày công tham gia gián tiếp phục vụ công trường). Công trình sử dụng 33.500 tấn ximăng, 5.300 tấn sắt, thép, 9.000 tấn dầu.

 

ÐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên