TTCT - Cái gật đầu của chính phủ về việc miễn trừ trách nhiệm với bất kỳ khiếu nại khả dĩ nào liên quan tác dụng của sản phẩm là một trong những rào cản cuối cùng để người dân nhiều nước được tiêm vaccine của một số nhà sản xuất như Pfizer. Các nước đã thông qua trước đó cũng phải chứng kiến chiến dịch tiêm chủng bằng vaccine của hãng này triển khai muộn hơn dự kiến vì thời gian cân nhắc trước khi chấp thuận ràng buộc này trong việc thương thảo mua vaccine. Ảnh: chemistryworld.comQuyền miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng không phải điều gì xa lạ hay mới mẻ. Nhưng với đại dịch COVID-19, nó khiến việc đưa ra quyết định khó hơn gấp bội; biết đây là chuyện không thể quyết nhanh, song trong bối cảnh các nước phải chạy đua tìm kiếm vaccine để mang về dập dịch trong nước, chậm chừng nào thì tình hình trầm trọng thêm từng ấy.Theo giải thích của trang Money Control, quyền miễn trừ bảo vệ các nhà sản xuất vaccine khỏi bất kỳ nghĩa vụ pháp luật dân sự nào, hoặc khả năng bị kiện ra tòa vì các biến chứng không lường trước xuất phát từ vaccine ngừa COVID-19 của họ.Sở dĩ các nhà sản xuất vaccine như Pfizer và Moderna yêu cầu các chính phủ phải chấp thuận điều khoản này khi đàm phán mua vaccine là vì các vaccine ngừa COVID-19 được phát triển với quy trình nhanh kỷ lục (tính bằng tháng so với vài năm theo lệ thường), và được phê duyệt sử dụng trong tình huống khẩn cấp, vì thế vẫn có thể có rủi ro khi sử dụng, chẳng hạn tác dụng phụ chưa được biết tới.Các nước Mỹ, Anh, Philippines, Brazil... đã đồng ý với điều khoản này của Pfizer, dùng vaccine của hãng cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Trong số các nước vẫn còn chưa quyết định có Ấn Độ.Chuyện Ấn ĐộNgày 3-6, Mỹ công bố chiến lược phân phối 25 triệu liều vaccine COVID-19 đầu tiên ra khắp thế giới, bao gồm 3 loại đã được phê duyệt khẩn cấp của các hãng Pfizer, Moderna và J&J. Ấn Độ nằm trong nhóm các quốc gia châu Á được Washington phân bổ 7 triệu liều trong số này, nhưng hiện đang do dự trước yêu cầu miễn trừ trách nhiệm của Pfizer và Moderna.Theo trang News18 của Ấn Độ, chính phủ thêm vào điều khoản chịu trách nhiệm trong hợp đồng với các nhà sản xuất; theo đó, bên cung cấp có trách nhiệm bồi thường trong mọi trường hợp khiếu nại liên quan đến vaccine. Nếu muốn đưa vaccine Pfizer hay Moderna, New Dehli phải đưa quyền miễn trừ vào phụ lục hợp đồng ký kết với phía cung cấp.Tính đến ngày 6-6, theo báo The Hindu, Chính phủ Ấn Độ vẫn đang đàm phán với hai nhà sản xuất và chưa đưa ra quyết định nào. Nếu đồng ý trao kim bài miễn khiếu nại, kiện cáo, giả sử một người sau khi tiêm tử vong hay gặp biến chứng cả đời, thì mọi yêu cầu bồi thường, giải quyết sẽ do chính phủ giải quyết chứ không phải hãng sản xuất vaccine. “Trong trường hợp tòa án ra lệnh thanh toán, hãng vaccine sẽ có quyền thu hồi số tiền từ chính phủ” - The Hindu viết.Theo The Economic Times, ngoài quyền miễn trừ trách nhiệm, Pfizer cũng yêu cầu mọi tranh chấp liên quan đến cung cấp vaccine ngừa COVID-19 ở quốc gia Nam Á này phải được xử lý theo quyền tài phán của Mỹ. Tờ báo Ấn Độ này cho biết chính phủ nhiều khả năng sẽ chấp nhận chuyện miễn trừ trách nhiệm, nhưng không thuận vụ có gì thì đem về tòa Mỹ xử.Theo phân tích của The Hindu, nếu không được quyền miễn trừ trách nhiệm, các nhà sản xuất vaccine nước ngoài sẽ chuyển rủi ro vào giá sản phẩm, khiến giá mỗi liều vaccine tới tay Ấn Độ đắt hơn. Ngược lại, nếu đồng ý với yêu cầu của các hãng vaccine, Chính phủ Ấn Độ sẽ có thể đàm phán được giá mua tốt hơn và lượng hàng nhiều hơn, giúp tăng tốc chiến dịch chích ngừa trong nước.Tuy nhiên, mặt trái của đồng xu là nếu chấp nhận yêu cầu của các nhà sản xuất ngoại quốc, Chính phủ Ấn cũng phải bảo đảm công bằng cho các nhà sản nội địa, nghĩa là cũng để họ được phép miễn trách nhiệm với các sự cố do vaccine gây ra, nếu có. Làm thế là tự rước họa vào thân, bởi Ấn sẽ phải tiêm hơn 1 tỉ mũi ngừa COVID-19 cho toàn dân.Gật đầu đồng ý các yêu cầu miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất vaccine không phải là quyết định dễ dàng. Với nhiều nước như Philippines, việc này đòi hỏi phải sửa cả luật.Philippines từng dự kiến sẽ nhận lô vaccine Pfizer đầu tiên nhập về nước vào giữa tháng 2, song phải đến ngày 10-5, lô hàng gồm 193.050 liều, do cơ chế COVAX tài trợ, mới tới sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila.Lý do chậm trễ, theo Rappler, là do Philippines thiếu khung pháp lý về miễn trừ trách nhiệm, nhất là phải thông qua luật mới để có ngân sách phân bổ cho quỹ dự phòng bồi thường (trong trường hợp chính phủ phải giải quyết khiếu nại thay cho nhà sản xuất vaccine). Hai bên cũng mất thời gian đàm phán mới thống nhất được các điều khoản cuối cùng.Vì sao chuyện quan trọng vậy mà đến giờ chót mới cuống cuồng xử lý, khiến vaccine về muộn? Rappler đặt câu hỏi, và trả lời: bởi lẽ đến khi bàn thảo giao vaccine, chuyện miễn trừ mới được các nhà sản xuất đặt lên bàn đàm phán.Và ở châu PhiNgày 9-5, Hãng thông tấn AP dẫn thông tin từ WHO cho biết gần một tá quốc gia, đa số là ở châu Phi, cho tới thời điểm đó vẫn còn đang chờ được phân phối vaccine; xếp chót là các nước Chad, Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tanzania.Tại các quốc gia này, không hề có chuyện tranh cãi nên chích vaccine của hãng nào, bởi lẽ không có lấy một liều nào được nhập về nước. Nguyên nhân là một vài trong các nước này “mất nhiều thời gian hơn để đáp ứng các yêu cầu để có thể được giao vaccine, bao gồm việc ký đồng ý miễn trừ trách nhiệm với nhà sản xuất, cũng như không có sẵn kế hoạch phân bổ vaccine”.Theo Hãng tin Bloomberg, tính đến hết tháng 4, Burkina Faso đã hoàn tất mọi giấy tờ liên quan để nhận vaccine tài trợ, chỉ còn mỗi thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm là chưa ký, vì thế các lô hàng chưa thể được giao.Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Burkina Faso nói với AP họ không rõ vì sao chính phủ lại chưa thể bảo đảm nguồn cung vaccine cho đất nước. “Chúng tôi muốn có [vaccine] giống như các đồng nghiệp khác trên khắp thế giới. Ai mà biết căn bệnh này sẽ làm gì chúng ta trong tương lai” - Chivanot Afavi, một y tá, bức xúc.Afavi và các đồng nghiệp, cũng như người thuộc nhóm có nguy cơ cao phải chờ đến tận ngày 2-6 mới được chích ngừa, khi Burkina Faso trở thành một trong những nước sau cùng ở Tây Phi khởi động chương trình tiêm chủng toàn quốc, theo AFP.Chỉ có điều, đợt tiêm chủng mở màn này lại sử dụng vaccine trong lô hàng 115.200 liều AstraZeneca mà nước này nhận từ COVAX ngày 31-5. Đó cũng là “những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên ở Burkina Faso”, theo phát biểu lúc đón lô hàng về sân bay của Bộ trưởng Y tế Charlemagne Ouedraogo. Nghĩa là đường đưa Pfizer đến quốc gia Tây Phi này vẫn chưa thông.■Theo tài liệu “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai và tiêm chủng vaccine COVID-19 quốc gia” bản cập nhật ngày 1-6 (thay thế bản đầu tiên công bố tháng 11-2020) của WHO, phần miễn trừ trách nhiệm, áp dụng cho nhóm AMC (gồm 92 nước thu nhập trung bình và thấp đang tham gia cơ chế COVAX) ghi rõ: trước khi vaccine của một nhà sản xuất được phân bổ đến một nước AMC bất kỳ theo cơ chế COVAX, nước này cần phải ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với nhà sản xuất tương ứng. Giả sử đã ký với nhà sản xuất A trong đợt phân bổ đầu tiên, sang đợt 2 chỉ sẽ phải ký nếu vaccine tài trợ đến từ nhà xuất mới.Tài liệu cho biết các đầu mối tại các quốc gia tham gia COVAX sẽ liên hệ trước với chính quyền sở tại để giải thích quy trình và các bước cần thiết nhằm đảm bảo các thỏa thuận được ký kết một cách kịp thời. Tổ chức này cũng lưu ý rằng, các quốc gia cần xác định và đảm bảo giải quyết mọi vấn đề về mặt pháp lý sở tại để thỏa thuận có thể thực thi và có hiệu lực sau khi được ký kết.Tháng 2-2021, WHO cũng ra mắt chương trình “bồi thường không có lỗi” (no-fault compensation, người khiếu nại có quyền nhận được bồi thường mà không phải chứng minh lỗi của bị đơn) cung cấp bồi thường 1 lần cho các cá nhân gặp sự cố nghiêm trọng, tổn thương vĩnh viễn hay tử vong, liên quan đến vaccine COVID-19 được mua hoặc phân phối cho các nước AMC thông qua COVAX.Chương trình (có hiệu lực từ 31-3-2021 đến 30-6-2022) cung cấp quy trình khiếu nại, và sẽ có ban thẩm tra giải quyết. Cơ chế giải quyết “nhanh và công bằng” này được cho kỳ vọng là sẽ giảm nhu cầu người bị ảnh hưởng đưa vụ việc ra tòa, vốn tốn nhiều thời gian và công sức. Tags: COVID-19VaccineVaccine COVID-19Mua vaccineMiễn trừ trách nhiệm
Bầu cử Mỹ: Kết quả tại 8 hạt có thể báo hiệu người chiến thắng DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.