Ảnh: Education Week
Trở lại trường, tức việc thực sự về lại với đèn sách để bắt đầu năm học mới, chỉ còn là chuyện phụ.
Việc mua sắm dịp đi học trở lại bao trùm nước Mỹ, và quan trọng về mặt kinh tế tới mức nó được Hiệp hội Bán lẻ quốc gia (NRF) nghiên cứu hằng năm.
Các thống kê chi tiết của NRF dựa trên những cuộc khảo sát tiêu dùng thường niên được tiến hành suốt từ năm 2003 tới giờ. Năm 2019 này, NRF dự báo chi tiêu cho dịp đi học trở lại (cả cho lứa mẫu giáo - lớp 12 và sinh viên đại học) ở Mỹ sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 80,7 tỉ USD.
Một hộ gia đình trung bình của nhóm học trò mẫu giáo - lớp 12 chi tiêu 696,70 USD cho mua sắm dịp đi học trở lại, trong khi với hộ có sinh viên đại học là 976,78 USD. Điều đó đồng nghĩa chúng ta không phải đang nói tới bút chì và tập viết.
Khoản chi lớn nhất của các gia đình có con học phổ thông là quần áo và các đồ phụ kiện (239,82 USD mỗi hộ) và thiết bị điện tử (203,44 USD), trong khi với sinh viên đại học, đồ điện tử (234,69 USD) và quần áo phụ kiện (148,54 USD) đổi chỗ cho nhau.
Nhưng những con số đó không nói lên hết cơn cuồng say tiếp thị tràn ngập khắp nơi dịp trở lại trường mỗi năm. Đã thành thường tình khi siêu thị và các cửa hàng lớn chuyển một phần mặt bằng dành riêng cho khu vực phục vụ ngày trở lại trường, thường chật ních các bậc phụ huynh và đám trẻ háo hức ở các quầy hàng chiếu đèn neon lấp lánh.
Các chuỗi siêu thị cạnh tranh nhau đưa ra mức giá giảm thấp nhất, thậm chí bán một số món cơ bản dưới giá thành với hi vọng sẽ được bù đắp bằng những món hàng đắt tiền và có biên lợi nhuận cao hơn. Quảng cáo tràn ngập khắp nơi: trên báo, tạp chí, thư gửi trực tiếp, trên mạng…
Và cứ mỗi năm, cơn cuồng say lại bắt đầu mỗi sớm. Kỳ nghỉ hè với hầu hết học trò ở Mỹ bắt đầu vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, nhưng giờ là chuyện thường tình khi các khuyến mãi trở lại trường bắt đầu từ dịp Lễ độc lập 4-7.
Khi tôi còn đi học những năm 1990 và 2000, các đợt khuyến mãi này chỉ bắt đầu vào tháng 8. Mùa hè vừa rồi, tôi rời Việt Nam về thăm nhà và lần đầu tiên thấy tiếp thị "mùa trở lại trường" diễn ra từ đầu tháng 6, chỉ vài ngày sau khi kỳ nghỉ hè bắt đầu!
Giọng điệu của tôi nãy giờ đã cho thấy rõ rằng tôi không nghĩ đây là một xu hướng lành mạnh ở Mỹ, hay tại bất kỳ nước nào. Công bằng mà nói, một phần việc chi tiêu để đi học tăng thêm là bởi chi phí sinh hoạt ở Mỹ tăng; chứ không chỉ vì có nhiều gia đình hơn mua nhiều hơn những thứ mà họ không thực sự cần.
Nhưng kiểu chủ nghĩa tiêu dùng thái quá này chắc chắn phải dẫn tới lãng phí. Tôi có thể nhớ khi còn nhỏ, năm học mới nào tôi cũng mua vở, bìa và bút mới, dù những thứ tôi mua năm trước vẫn còn dùng tốt. Thật không hay gì khi dạy trẻ con lúc còn nhỏ như thế mua sắm theo mùa, theo số đông và theo quảng cáo thay vì mua khi cần, vì nhu cầu thật sự.
Theo tôi biết, ngày trở lại trường ở Việt Nam chưa bị thương mại hóa tới mức đó - nhưng nếu lịch sử có dạy điều gì thì đấy có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Có vẻ mọi dịp "lễ" được thương mại hóa ở phương Tây đều đã được nhập khẩu vào Việt Nam rồi: ngày Valentine, ngày của mẹ và của cha, Halloween, Black Friday…
Mỗi dịp này - trừ Black Friday, vốn chẳng có mục đích gì khác ngoài mua sắm - ít ra đều có chút ý nghĩa lịch sử ở Mỹ, dù mơ hồ (như ngày Valentine chẳng hạn).
Nhưng những ý nghĩa đó đã bị diễn dịch lầm lạc ở Việt Nam, hay đúng hơn, những ý nghĩa đó không bao giờ là điều quan trọng với giới làm kinh doanh và tiếp thị. Những ngày lễ mới này chỉ là cơ hội để bán hàng và có lợi nhuận, những cách thức dễ dàng để các công ty tạo ra nghĩa vụ phải chi tiền gắn với sự áp đặt văn hóa.
Nếu bạn không mua quà cho người yêu vào ngày Valentine, bạn là đồ tồi tệ. Nếu bạn không mua gì cho cha và mẹ vào ngày của mẹ và ngày của cha, bạn là đồ bất hiếu. Tôi phải nói rõ là tôi hoàn toàn ủng hộ việc chăm sóc người thương yêu và cha mẹ.
Vấn đề của tôi là mốc thời gian bắt buộc của những ngày lễ bị thương mại hóa, mệnh lệnh phải chi tiêu mà giới kinh doanh nhắm vào bạn, thay vì tự thân bạn muốn. Bạn phải chi tiền, còn không thì bạn đang chống lại xã hội.
Sẽ thật buồn nếu mùa tựu trường ở Việt Nam lại đi vào con đường đó: Nếu bạn không mua mới mọi thứ cho con trong năm học mới thì bạn thấy cắn rứt lương tâm trong vai trò làm cha mẹ. Tôi thấy cách mà Việt Nam hiện đang tổ chức mùa tựu trường tương đối không bị thương mại hóa, rất tốt đẹp, và tôi nghĩ đó là điều đáng trân trọng và bảo vệ.
Giáo dục là tối quan trọng và trở lại trường là một dịp đáng để ăn mừng, nhưng không phải vì chủ nghĩa tư bản ra lệnh cho bạn như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận