TTCT - Dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) đặc biệt khởi sắc ở Mỹ trong thời kỳ lạm phát tăng mạnh vừa qua khi nhiều doanh nghiệp, nhất là sàn thương mại điện tử, đưa ra lựa chọn này cho người tiêu dùng đang gặp khó khăn tài chính. Ảnh: BEworksHọ thậm chí sử dụng BNPL để chi trả cho cả hàng hóa thiết yếu như nhu yếu phẩm hay xăng dầu.Ở Mỹ, báo cáo công bố tháng 5-2024 của Cục Dự trữ liên bang (Fed) cho thấy năm 2023, 14% người trưởng thành có sử dụng BNPL trong 12 tháng trước đó, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2022. Cũng theo Fed, hơn một nửa trong số đó nói BNPL là cách duy nhất để họ chi trả được cho món đồ đang cần.Tăng trưởng vượt bậcTừ năm 2019 - 2021, dịch vụ này đã tăng trưởng vượt bậc: Số lượng giao dịch ở Mỹ tăng từ 16,8 lên 180 triệu, trong khi giá trị tăng gấp 12 lần, lên 24,2 tỉ đô la, theo báo cáo "Mua trước trả sau: Xu hướng thị trường và tác động lên người tiêu dùng" của Cục Bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng Mỹ (CFPB) tháng 9-2022. Một báo cáo khác của tổ chức phi lợi nhuận chuyên về thông tin sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng Consumer Reports (CR) tháng 8-2022 cho thấy 28% người Mỹ đã chi trả cho quần áo, thiết bị điện tử, đồ gia dụng hay các hàng hóa khác bằng hình thức này (khảo sát được thực hiện với 6.539 người Mỹ trưởng thành).Trước lựa chọn phải chi xài bằng thẻ tín dụng với mức lãi suất hơn 10%, BNPL có thể là giải pháp ngắn hạn tốt hơn, nhưng nó vẫn nhiều cạm bẫy.Trước hết hãy nói về những lợi thế của dịch vụ này. Đó là một khoản vay cố định, ngắn hạn. Ở Mỹ, giao dịch BNPL trị giá từ 50 - 1.000 đô la thường được cấu trúc thành bốn khoản trả góp bằng nhau, khoản đầu tiên sau khi nhận hàng và ba khoản tiếp theo cứ mỗi hai tuần một lần. Washington Post tháng 6-2024 dẫn khảo sát của Bankrate cho thấy 26% người dùng dịch vụ cho rằng BNPL là phương pháp thanh toán có trách nhiệm hơn so với thẻ tín dụng.Thứ hai, đây là tín dụng dễ dàng, có thể được chấp thuận nhanh chóng. Thanh niên hay sinh viên mới ra trường, những người chưa có lịch sử tín dụng đủ dài nên khó được chấp nhận cấp thẻ tín dụng hạn mức cao, nhiều khả năng sẽ dùng dịch vụ mua trước trả sau hơn, theo Bankrate. "Điều đó cũng cho thấy người trẻ hiện giờ có vẻ ngại nợ nần hơn và đó là điều lành mạnh" - nhà phân tích cấp cao ở Bankrate, Ted Rossman, nhận xét với WP.Nhiều rủi roNhững bất lợi của dịch vụ này cũng dễ nhận ra dù không phải ai cũng đủ cảnh giác. Trước hết, nếu không cẩn thận, rất dễ rơi vào tình thế mua quá nhiều thứ vì thấy chưa phải trả tiền liền, đồng nghĩa với nhiều khoản nợ đồng thời. Khảo sát của Bankrate cho thấy ở Mỹ, 56% những người dùng dịch vụ đã ít nhất một lần gặp trục trặc khi chi trả, phổ biến nhất là chi tiêu quá tay và không thanh toán đúng hạn.Lãi suất là một vấn đề khác và nhiều khoản mua trước trả sau, nếu không được tính toán kỹ, có thể có lãi suất cao không kém thẻ tín dụng, nhất là nếu người dùng lỡ hạn đóng và phải chịu thêm các khoản phạt, theo Rossman. Clint Havlin ở Fredericksburg, Virginia, là một trường hợp như vậy. Anh nói với CR rằng mình đã sử dụng dịch vụ BNPL sáu tháng của PayPal hai lần để đóng thuế liên bang và mua thiết bị máy tính. Anh trả khoản đóng thuế đúng hạn nhưng trễ mất một ngày với khoản mua thiết bị máy tính và bị phạt 29 đô la. "Lý do tôi sử dụng dịch vụ này là để tránh phát sinh thanh toán với thẻ tín dụng - Havlin nói - Nhưng tính thêm khoản phí trễ thì so với lãi suất thẻ tín dụng chẳng khác gì, thậm chí còn nhiều hơn".Cuối cùng, khi cứ sống kiểu có đồng nào xào đồng đó với mua trước trả sau, ta đang "bán khống tương lai của chính mình", cũng theo Rossman. Những khoản chi trả chia đều cho món hàng mua cách đây vài tháng có thể không đáng kể, nhưng cũng khoản tiền đó lẽ ra có thể được bỏ vào mục tiêu tài chính dài hơi quan trọng hơn, như xây dựng kế hoạch hưu trí hay trang trải học phí đại học cho con cái trong tương lai.Penny Lee - CEO của Hiệp hội Công nghệ tài chính, hội doanh nghiệp đại diện cho các hãng BNPL ở Mỹ - nói sản phẩm này mang lại lợi ích rõ ràng cho người tiêu dùng nhờ là "giải pháp rất cạnh tranh so với các giải pháp tín dụng lãi suất cao đẩy người tiêu dùng vào vòng xoáy nợ nần". Tuy nhiên, Chuck Bell, chuyên gia về dịch vụ tài chính tiêu dùng của CR, nói tình trạng quy định quản lý còn lỏng lẻo và thiếu thốn ở Mỹ với lĩnh vực BNPL, so với ngân hàng hay hãng tín dụng truyền thống dễ khiến "khách hàng vay mượn quá nhiều và hầu như không thể làm gì nếu gặp vấn đề trong khâu mua hàng, thanh toán hay thông tin sai lạc".CR đưa ra ví dụ của Francisco Chairez, một người về hưu ở Longview, Texas. Năm 2023, ông dùng dịch vụ BNPL của Affirm để mua đồ chơi golf. Bên bán và đơn vị giao nhận đều nói họ đã giao hàng, nhưng Chairez khẳng định ông chưa hề nhận hàng. Bất chấp, khoản thanh toán vẫn nhảy đều hằng tuần và sau khi liên lạc với bên bán, bên giao hàng lẫn bên cung cấp dịch vụ thanh toán BNPL Affirm, ông được thông báo là vẫn phải trả tiền. Chairez đã quyết định không trả. "Ai cũng được bảo vệ hay bảo hiểm gì đó, người bán, người giao nhận và Affirm - Chairez nói với CR - Trừ tôi".Theo khảo sát của CR, 10% người dùng dịch vụ BNPL ở Mỹ nói họ gặp khó khăn trong vấn đề hoàn tiền hay ngừng thanh toán những món hàng trục trặc: không nhận được, bị trả lại, hàng hư hỏng hay thay đổi."Một số người nghĩ họ đang mua sắm có trách nhiệm hơn khi thanh toán thành nhiều đợt vì qua đó họ biết chính xác mình đang nợ bao nhiêu và trong bao lâu (thay vì mua bằng thẻ tín dụng, vốn có thể kéo dài mãi khoản nợ) - Rossman nói - Nhưng đó vẫn là một khoản nợ nần".■ Tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người tiêu dùng ở Mỹ Consumer Reports đã đưa ra một số giải pháp khuyến nghị vĩ mô để hoạt động mua trước trả sau minh bạch, bền vững và an toàn hơn:1. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ CFPB cần có hành lang pháp lý bảo vệ người mua khi hàng không được giao, trục trặc trong khâu thanh toán, phát hành hóa đơn... Hiện ở Mỹ với hàng mua qua thẻ tín dụng, các quyền này được quy định trong Đạo luật thẻ tín dụng công bằng, nhưng lại chưa áp dụng với loại hình BNPL.2. Các công ty BNPL phải tuyên bố rõ ràng và đảm bảo người dùng đã hiểu các điều khoản thanh toán, lãi suất và phí trễ hạn, theo một tiêu chuẩn công bố thông tin chung được áp cho mọi hãng, giống như với Đạo luật công bố thông tin khi cho vay, cũng áp dụng cho thẻ tín dụng, nhưng lại chưa áp dụng với mua trước trả sau.3. CFPB cần thiết lập và đòi hỏi tuân thủ các tiêu chuẩn đảm bảo giải pháp nhanh chóng, hiệu quả cho các trường hợp trả lại hàng, hoàn tiền cũng như tranh chấp phát sinh trong thanh toán. Về phần người sử dụng dịch vụ, CR khuyên:1. Cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng với các khoản mua sắm lớn, như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, nội thất, do thẻ tín dụng, dù có thể có lãi suất cao hơn, hiện là hình thức thanh toán được quản lý chặt chẽ hơn, thông qua một ngân hàng chính thức với nhiều luật pháp ràng buộc.2. Thiết lập chế độ thanh toán tự động để đảm bảo không lỡ kỳ thanh toán và làm phát sinh phí phạt chỉ vì... quên. Hiện giờ nhiều ứng dụng ngân hàng có chế độ này. Nếu không có tài khoản ngân hàng, thì cần có chế độ nhắc thanh toán hiệu quả.3. Cố gắng mỗi lần chỉ mua trước trả sau một món. Chỉ mua tiếp khi đã thanh toán dứt điểm món còn đang nợ. Đồng thời cố gắng chỉ sử dụng một nền tảng dịch vụ. Những con tính với một nền tảng và một khoản mua trước trả sau thôi đã đủ phức tạp với nhiều người. Nếu thêm một khoản vay hay / và một dịch vụ nữa, với các điều khoản hoàn toàn khác, khả năng bạn không xử lý nổi hay quên thanh toán sẽ cao hơn nhiều. Tags: Sàn thương mại điện tửMỹHàng hóaGặp khó khănTài chính
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.