TTCT - Tháng mười. Bancông một góc thị thành, nơi không dễ nhìn trọn một đường trăng đi, gió cứ vội vàng mang trăng sang bên kia dãy phố cao cao. Minh họa: VIIP Những đêm vừa tròn trăng đầu đông như thế, nghe hương nếp dậy lòng. Quê xa cũng đã xong mùa vụ. Bạn nhớ hương thu ẩn sâu nét duyên cốm làng Vòng nơi Hà Nội, mình nhớ sương trăng nhuộm mềm hương cốm từ đầu phum sóc trời Nam. Thế là mình lại mong được xuôi về phía dãy núi mọc giữa đồng bằng trôi trong ngút ngàn tầm mắt. Ở đó, hạt nếp non mỗi mùa hong nắng trên cánh đồng, sau bốn tháng nép bẹ cây, về trầm mình một đêm trong vại nước. Thứ lúa nếp đỏ đuôi hạt dài, ắt cho ra những mẻ cốm dẹp dẻo thơm. Maie(1) khum lưng vớt lên, đổ vô chum đất, rang cho đều, liền tay, như bao đời nối truyền nghề cốm. Không rõ là rang nếp bao lâu, chỉ biết khi tiếng lách tách nổ trên lò, khói bay nghi ngút thì maie dừng lại, bắc xuống rồi cho ngay vào cối giã. Nhịp vợ nhịp chồng cho vỏ nếp bung ra và ruột nếp dẹp lại. Âu(2) nói chài lớn chài nhỏ và cả cây quệt đều được chọn từ gỗ vú sữa cho chắc và đủ nặng. Sự đồng lòng tạo ra những sản vật công phu. Giã xong, bon-srây(3) hứng lấy, dùng nia sàng sảy chắt lọc ngọc quý của đất trời. Trăng sắp tròn rồi, mai mình về thôi, chỉ để nghe nhịp giã “bụp bùm bum” vang phum sóc. Nhớ thuở trưa nắng trốn nhà chạy cời cời, mặt mũi lấm lem, đã không ít lần lén bỏ vô miệng một nắm cốm chưa trộn nhai ngồm ngộm. Chắc chỉ có lũ trẻ phum mình dám ăn cốm dẹp sống. Cốm cưng cứng mà chất béo ngầm dâng trong vòm miệng. Maie sợ các con đau bụng, nhưng rồi mình cũng trơ trơ. Thì cũng như bao món khác, cốm dẹp chỉ cần phơi qua một nắng cũng có thể thành món ngon nhanh gọn để tiết kiệm thời giờ. Vừa bước qua rào nhà, đã thấy âu đem trái dừa đặt bên mép thềm bổ ra làm đôi, một nửa để trộn, một nửa đun sôi. Bấy nhiêu thôi, có mình về cũng không nhiều hơn được. Mình quên việc rửa mặt rũ hết bụi bặm đường xa, thay âu nạo dừa, ngồi nhìn maie trộn cốm. Màu cốm trắng ngà và chính nước dừa làm cốm mềm, cốm phải nở ra. Mình từng hỏi sao người thị thành thích dùng lá dứa để nhuộm màu xanh cho cốm? Maie thì thích bất cứ thứ gì mang dáng vẻ tự nhiên. Maie vừa rưới vừa trộn nhanh tay không cho cốm vón cục. Lâu lắm rồi mới được nhìn kỹ đôi bàn tay maie. Bàn tay chụm trấu thắng đường thốt nốt, nuôi chị em mình lớn lên rồi mạnh ai nấy đi khắp chốn tiến thân. Nhưng dẫu có đi đâu cũng không ra khỏi bóng trăng tỏa xuống những con đường, cành cây liêu khiêu, cái giếng nhỏ quê nhà... Dừa gáo trắng, rắc lên bên trên, ăn kèm với cốm vừa đủ dinh dưỡng mà không quá béo. Lũ trẻ năm nào, còn ai tranh ai khựi vài miếng còn bám gáo. Muốn giữ lại gáo dừa để trộn luôn cốm dẹp ăn mới thấy rất ngon lành. Cái gáo dừa như cái chén, có lỡ tay cũng không làm bể. Mua một gói cốm dẹp, dễ gì được các cô bán hàng ưu tiên tặng luôn cái gáo. Giữa chốn thị thành, cốm hay xôi gói trong túi nilông, may ra thì được gói trong lá sen, lá chuối. Cốm dẹp nhà, ăn xong rửa sạch cái gáo, dùng làm muỗm gõ nhịp đôi nghe bạn cùng xóm hát đồng dao: Quả địa cầu có bốn đại dương... Cốm ăn không được nhiều đâu, nhưng hễ ăn là có thể quên đói cơm chiều, không gì no hơn để mà thay thế được. Sớm mai ra đồng, thể nào âu cũng vắt theo một nắm cốm. Cốm, đường, chuối, dừa... chắc bụng, no dai. Lại một đêm trăng nghiêng mặt rọi xuống trần như một ánh nhìn thu về sóng sánh, trăng càng trong vắt trên nền trời mỗi lúc về khuya. Quanh đây không có dãy phố cao, không đèn đường sáng rực, chỉ duy nhất bầu trời dõi lối trăng đi. Về phía những vì tinh tú reo hoang, về miền xa xưa cổ tích. Mình nhớ nhất mùa trăng bà kể... Dân phum mình trồng lúa nếp miệt mài. Đêm ấy, ghe đông, nông dân thỉnh cầu trong bóng tối. Cho trăng lên sáng mặt sông ghe chở lúa nếp về. Và thế là họ làm ra món cốm dẹp dâng cúng thần Mặt trăng. Kể từ đó, cốm dẹp chính là thức dâng tạ ơn các vị thần ban cho dân làng cuộc sống an lành, mùa màng bội thu. “Ok Om Bok” là ngày “đút cốm dẹp”. Mình muốn được bé lại, há miệng ra nhận lấy sự quan tâm của người lớn dành cho mình qua từng nắm cốm. Đâu chỉ có bọn trẻ nôn nao đến ngày lễ hội như thế này - ngày người ta gửi gắm những ước mơ? Dol-ta(4) cũng qua bằng một mùa trăng báo hiếu. Hành lý mình trở lại thị thành có thêm mấy đòn bánh tét cốm dẹp tròn đầy. Maie cột lạt tre tươi cho bánh dẻ dẻo và xâu lại từng chùm. Mình đem theo món quà từ nếp mới gửi tặng bạn phương xa. Bạn hãy chờ đó, chờ đến lúc cắn một miếng bánh sau khi dỡ từng lớp lá rục màu, sẽ nếm trọn những dẻo thơm đượm tình quê mình xứ núi. Người phum mình vốn nặng tình với những món dân dã. Cốm dẹp không chỉ là món của lễ tết như xưa, giờ còn là món ăn vặt ngày thường. Bạn nghe mình khoe, tưởng là dễ làm, nhưng từng chứng kiến mới thấu được bền bỉ từ cánh đồng đến một nắm cốm giòn thấm thanh thanh...■ Chú thích: Trong tiếng Khmer, (1) Maie: mẹ, (2) Âu: ba, (3) Bon-srây: chị, (4) Dol-ta: Tết báo hiếu của dân tộc Khmer. Tags: Mùa trăngHương cốmMùa trăng hương cốm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.