Đó là đề xuất được đưa ra trong dự thảo thông tư về quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp.
Theo dự thảo, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương quyết mức chi cụ thể dựa vào nội dung, tính chất của tin được cung cấp. Trường hợp đặc biệt, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tập thể thường trực Ban Chỉ đạo trung ương xem xét quyết định. Việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn khác theo quy định.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM TRỌNG ĐẠT - nguyên cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - xung quanh đề xuất này.
* Ông nhìn nhận thế nào việc Bộ Tài chính đề xuất Ban Chỉ đạo trung ương quyết định mức chi cụ thể khi mua tin phòng, chống tham nhũng với tối đa 50 triệu đồng một tin?
- Trước đây khi còn công tác, tôi cũng đã đề nghị cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế áp dụng chung trên cả nước về khuyến khích người dân cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng.
Trong đó, ngoài bằng khen và giấy khen, có thể chi từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho những người cung cấp thông tin chính xác, giúp cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc. Việc trao này sẽ được thực hiện bí mật, bảo mật thông tin chứ không rầm rộ.
Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được ở cấp trung ương. Còn với địa phương như TP.HCM, Nghệ An, Lâm Đồng... cũng đã đưa ra cơ chế mua tin này. Vì vậy, với đề xuất này của Bộ Tài chính sẽ tạo ra một cơ chế tốt hơn cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể thực hiện. Sau đây cũng cần có các hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện tốt hơn không chỉ ở trung ương mà các địa phương.
Việc đưa ra mức trần tối đa 50 triệu đồng như đề xuất của Bộ Tài chính là cần thiết để có cơ sở thực hiện. Nhưng có những trường hợp từ tin tố giác của người dân cung cấp giúp phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, số tiền thu hồi được rất lớn.
Vì vậy, trong những trường hợp đặc biệt cần có mức tiền cao hơn, có thể chi đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để khuyến khích và hỗ trợ người dân. Trong dự thảo đã nêu rõ trường hợp đặc biệt, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tập thể thường trực Ban Chỉ đạo trung ương xem xét quyết định.
* Việc mua tin đã được một số địa phương thực hiện nhưng có địa phương cho biết sau bốn năm triển khai chưa mua được tin nào, theo ông đâu là lý do?
- Ở đây đã có địa phương giải thích việc mua tin phát sinh các mối quan hệ có tính chất pháp lý giữa người bán và người mua nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc mua tin. Vì vậy, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến sai quy định. Thêm vào đó, nguồn kinh phí cấp cũng chưa có nên chưa thể thực hiện việc mua tin. Bên cạnh đó có nhiều người dân, đảng viên cung cấp các thông tin từ đó giúp xử lý các vụ việc nhưng họ chỉ cung cấp chứ không bán tin.
Một điều quan trọng hơn là dù chúng ta đã có các cơ chế, chính sách, quy định để bảo vệ người tố cáo, tố giác tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên việc thực hiện ở một số nơi, một số đơn vị chưa tốt, không triệt để. Điều này dẫn đến thông tin của người tố cáo bị lộ, lọt ra ngoài.
Không ít người đã bị trả thù, ảnh hưởng về tinh thần, thậm chí gây tổn hại sức khỏe và tính mạng. Không ít người đứng ra tố cáo ở các cơ quan, đơn vị bị cô lập, trù dập, điều chuyển làm những việc khác không đúng chuyên môn và trong cảnh "chưa được vạ, má đã sưng" hay "đấu tranh thì tránh đâu"... Vì vậy, họ chọn cách im lặng, không tố cáo.
Do vậy, một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải bảo vệ người dám đứng lên tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, giải pháp hàng đầu là phải thay đổi nhận thức, tạo niềm tin cho người dân và cán bộ về tầm quan trọng của việc tố cáo tiêu cực và quyền lợi của người tố cáo.
Cùng với đó, cần minh bạch thông tin bằng cách bảo đảm rằng các quy trình tố cáo và bảo vệ người tố cáo được công khai, minh bạch. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng về các bước xử lý tố cáo cũng như biện pháp bảo vệ người tố cáo.
* Liệu mua tin có phải là "cây đũa thần" để phòng, chống tham nhũng?
- Rõ ràng là không phải. Muốn phòng, chống tham nhũng cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt như thời gian qua chúng ta đã, đang thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là phải làm sao để những người có chức vụ, quyền hạn không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
Để thực hiện được tốt "4 không" này thì việc giám sát quyền lực và kê khai, quản lý tài sản của cán bộ, quan chức, người liên quan là rất quan trọng.
* Đại biểu NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH (TP.HCM):
Nên khen thưởng thay vì mua tin
Chủ trương khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin giúp cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng hoàn thành tốt công việc nên được ủng hộ. Điều này cũng tạo điều kiện để người dân tham gia việc giám sát, phát hiện và phản ảnh các hành vi tham nhũng.
Từ đó giúp các cơ quan kiểm tra, đánh giá và xử lý theo từng mức độ vi phạm. Dù vậy theo tôi, nên theo hướng đây là chính sách khen thưởng bởi lẽ dự thảo đề cập việc mua tin sẽ dễ bị suy diễn là có bên mua bên bán, sẽ tạo cảm giác như thị trường...
Ngay trong dự thảo thông tư của Bộ Tài chính cũng đã có nội dung về khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc phòng, chống tham nhũng. Nên hiểu trong thành tích đó có cả những tổ chức, cá nhân cũng cấp thông tin có ích cho việc phòng, chống tham nhũng. Nếu cho rằng mức khen thưởng thấp có thể điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế.
* Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
Đánh giá kỹ để có mức chi phù hợp
Việc đề xuất mua tin phòng, chống tham nhũng với mức tối đa 50 triệu cũng là điều tốt cần xem xét, ghi nhận.
Nhưng thực tế, hầu hết những người tôi tiếp xúc thì họ tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng không phải vì tiền mà họ cảm thấy bức xúc, bất công nên đứng ra phản ảnh.
Đồng thời việc cung cấp đó trên tinh thần xây dựng, mong muốn loại bỏ giặc nội xâm này. Bên cạnh đó có những tin vô cùng giá trị, nếu mua được thì có mất tới cả trăm triệu đồng, tỉ đồng cũng xứng đáng. Do vậy cần xem xét đánh giá kỹ trong từng trường hợp cụ thể để có mức phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận