23/10/2024 12:05 GMT+7

Mua thuốc trên mạng rẻ gần 35% so với nhà thuốc nhưng hồi hộp

Mua thuốc trên mạng giá rẻ là lý do nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên những rủi ro về chất lượng thuốc, nguy cơ gặp phải thuốc giả, thuốc kém hiệu quả... khiến người mua hồi hộp.

Mua thuốc trên mạng rẻ gần 35% so với nhà thuốc nhưng hồi hộp  - Ảnh 1.

Mua thuốc trên mạng rẻ gần 35% so với nhà thuốc nhưng hồi hộp - Ảnh minh họa: Tư liệu TTO

Theo bạn đọc Phương Hân, cùng một toa thuốc nhưng nếu mua trên mạng giá chỉ hơn nửa giá so với mua trực tiếp ở hiệu thuốc. Sự chênh lệch về giá khiến bạn đọc này do dự và đặt câu hỏi: Mua thuốc trên mạng thật tiện lợi và tiết kiệm, nhưng liệu có an toàn?

Nhằm góp thêm góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ ý kiến của bạn đọc này và tư vấn của bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga.

Giá rẻ nhưng hồi hộp

Thời gian gần đây, mẹ tôi thường xuyên đau đầu và cảm thấy không khỏe. Lo lắng cho sức khỏe của mẹ, tôi quyết định đưa bà từ quê lên TP.HCM khám bệnh.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết mẹ tôi bị cảm sốt và cần điều trị cảm trước khi tiếp tục uống thuốc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng khác, bao gồm thoái hóa cột sống, thiểu năng tuần hoàn não và sỏi thận.

Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị cảm sốt cho mẹ và nhắc tôi rằng sau khi mẹ khỏi cảm, quay lại để tiếp tục điều trị các bệnh khác.

Mẹ tôi uống hết đợt thuốc đầu tiên khá nhanh, nên tôi đã liên hệ với bác sĩ để xin đơn thuốc tiếp theo.

Sau đó tôi định đến hiệu thuốc gần bệnh viện để mua, nhưng bất ngờ em họ tôi bảo có thể mua thuốc này trên mạng với giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ hơn nửa giá so với mua trực tiếp ở hiệu thuốc. 

Và thực tế quả đúng như vậy. 

Với các loại thuốc bác sĩ kê toa gồm: Topbrain, Piracetam 800mg, Mydocalm 50mg, Glucosamin 750mg, Banitase, Calci gluconat 500mg uống trong 30 ngày, nhà thuốc bán với giá 1,14 triệu đồng, nhưng nếu mua trên mạng giá chỉ 750.000 đồng, luôn cả tiền vận chuyển.

Giá rẻ gần 400.000 đồng khiến tôi cân nhắc vì phải uống lâu dài. Nhưng làm sao biết được những rủi ro về chất lượng thuốc, nguy cơ gặp phải thuốc giả, thuốc kém hiệu quả... Hơn nữa, khi mua thuốc trên mạng, việc trả lại hoặc khiếu nại về chất lượng thuốc có dễ dàng?

Quá nhiều điều khiến tôi phải suy nghĩ lại và cuối cùng đành chọn phương án an toàn, tôi chấp nhận mất thêm gần 400.000 đồng để mua thuốc ở nhà thuốc uy tín. 

Từ câu chuyện của tôi, có thể thấy việc mua thuốc trên mạng với giá rẻ là lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều người, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Thế nhưng quá nhiều rủi ro có thể xảy ra mà người mua cần cân nhắc.

4 lưu ý khi mua thuốc trên mạng

Theo thống kê, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phê duyệt 52.000 website thương mại điện tử bán hàng, trong đó 900 website có chữ cái bắt đầu bằng "thuốc" hoặc "pharma". 

Như vậy, người dân rất dễ dàng tra cứu, tìm kiếm các loại thuốc trên website điện tử. 

Nhưng làm sao để mua thuốc đảm bảo chất lượng, an toàn?

Theo bác sĩ  Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, để đảm bảo an toàn chất lượng thuốc khi mua trên mạng, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất cơ sở bán thuốc phải được cấp phép đủ tiêu chuẩn về buôn bán thuốc, có số đăng ký kinh doanh, có dược sĩ đứng tên, website rõ ràng,… Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi trên Facebook, TikTok…

Thứ hai cơ sở bán thuốc phải đảm bảo giao hàng đúng giờ, khoảng cách tối đa khi vận chuyển thuốc, bảo quản thuốc theo quy định. Điều này đảm bảo thuốc không bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết, môi trường.

Không nên mua thuốc ở địa điểm quá xa, phải vận chuyển qua tàu, xe thô sơ rất dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

Thứ ba kiểm tra kỹ các loại thuốc khi nhận, các thông tin từ tên thuốc, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lô… Đặc biệt lưu ý với những loại thuốc có thể không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn lưu thông trên thị trường. Người dân cần tra cứu kỹ các thông tin này.

Thứ tư chỉ sử dụng thuốc khi có tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn. Thực tế nhiều người dân vẫn sử dụng thuốc kê đơn bừa bãi, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ kháng kháng sinh cao, vì vậy không mua thuốc kê đơn khi không có bác sĩ chỉ định.

Tại sao mua thuốc trên mạng giá rẻ?

Theo các chuyên gia, giá thuốc trực tuyến rẻ hơn là do các nhà bán hàng không phải chịu chi phí như thuê mặt bằng, nhân viên và các khoản chi khác như trong các hiệu thuốc truyền thống.

Điều này giúp giảm giá thành các loại thuốc, từ đó thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải cứ giá rẻ là mừng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay hiện nay chưa có quy định về bán thuốc trên mạng, vì vậy hầu hết chất lượng thuốc, cơ sở bán thuốc trên nền tảng này chưa có chế tài quản lý. Vấn đề bán thuốc online đã được đưa vào dự thảo Luật Dược sửa đổi.

Trong đó quy định về cơ sở bán thuốc, không được bán thuốc kê đơn, vận chuyển thuốc… để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Cục Quản lý dược cũng lưu ý người mua cẩn thận với quảng cáo sai sự thật. Thuốc khác với các sản phẩm thông thường ở chỗ các quảng cáo liên quan đến thuốc phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt.

Nếu thấy thuốc được quảng cáo với những lời hứa hẹn phi thực tế, hiệu quả "kỳ diệu" hoặc không đề cập đến các tác dụng phụ, hãy cảnh giác.

Mua thuốc trên mạng giá rẻ chỉ hơn nửa so với nhà thuốc, liệu có an toàn? - Ảnh 2.Mua thuốc bán công khai trên mạng về soi thử, Viện Kiểm nghiệm thuốc toát mồ hôi

Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM vừa gửi văn bản báo cáo Bộ Y tế để có biện pháp xử lý việc pha trộn thuốc bán trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên