18/07/2024 17:02 GMT+7

Mua thủ lợn sống về làm món ăn, bị nhiễm khuẩn huyết nguy kịch

Sau khi mua thủ lợn (đầu heo) về tự chế biến để chiêu đãi bạn bè, người đàn ông ở tỉnh Thanh Hóa đã phải nhập viện gần 2 tuần sau đó với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 18-7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (52 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có sốc do liên cầu lợn, viêm phổi và theo dõi xơ gan.

Người nhà bệnh nhân cho hay trước khi vào viện 12 ngày bệnh nhân có chế biến thủ lợn mua tại chợ để chiêu đãi bạn bè.

Một ngày sau khi chế biến thủ lợn, ông xuất hiện sốt cao, nổi các ban xuất huyết trên da. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhà và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức, tụt huyết áp, được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu.

Mặc dù bệnh nhân được hồi sức tích cực trong một tuần nhưng tình trạng không cải thiện, tiến triển suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng. Kết quả cấy máu ra Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn).

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Phan Văn Mạnh - khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết nghi ngờ bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn trong quá trình chế biến.

"Bệnh liên cầu lợn thông thường sẽ gây ra 2 bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não.

Với bệnh nhân này đã được chọc dịch não tủy và loại trừ viêm màng não. Tuy nhiên ở bệnh nhân này tình trạng nhiễm khuẩn huyết tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như rối loạn đông máu, suy đa tạng kéo dài", bác sĩ Mạnh cho hay.

Bác sĩ Mạnh thông tin thêm bất kỳ người khỏe mạnh nào cũng có thể nhiễm bệnh liên cầu lợn khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy có thể hay gặp hơn trên nền bệnh nhân lạm dụng rượu.

Những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh lý nền, tuổi cao thì bệnh càng diễn biến nặng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo trong quá trình tiếp xúc với lợn, người dân nên đặc biệt chú ý đeo găng tay và khẩu trang.

Bản chất vi khuẩn liên cầu lợn quần cư ở trên đường hô hấp của lợn, nên không có gì có thể loại khỏi vi khuẩn đó, mà chỉ có cách tránh để hạn chế lây nhiễm vào người.

"Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, nên ăn chín uống sôi rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn lợn chết, lợn bệnh, không ăn các chế phẩm từ lợn chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn", bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.

Không ăn thịt chua, tiết canh, người đàn ông vẫn nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợnKhông ăn thịt chua, tiết canh, người đàn ông vẫn nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn

Sau khi đi mổ lợn về, người đàn ông ở Yên Bái sốt nhẹ, tăng huyết áp, phát ban toàn thân,… sau đó được chuyển đến bệnh viện do mắc liên cầu lợn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên