Phóng to |
Một cảnh trong phim Mùa thứ 5 |
Cảm quan đầy nữ tính
Kịch bản của Mùa thứ 5 đoạt giải trong một cuộc thi viết kịch bản phim ngắn do Hãng phim TPD Movie tổ chức, sau đó, chính biên kịch Nguyễn Hoàng Điệp, lúc đó đang là sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, được tài trợ để làm phim.
Câu chuyện về một người vợ trẻ luôn khát khao hạnh phúc, phải ở nhà một mình trong khi người chồng bận túi bụi với công việc, luôn trở về nhà muộn và mệt đừ người. Cuộc sống chăn gối tẻ nhạt khiến người vợ chỉ tìm thấy niềm vui khi cảm nhận chồng mình qua... mùi quần áo của anh. Từ đó, chị chăm chút giặt quần áo cho anh, coi đó như một cơ hội của hạnh phúc.
Việc giặt giũ thường xuyên của chị cũng kéo theo niềm vui của một cậu bé hàng xóm - luôn sang nhà chị xin nước xàphòng để thổi bong bóng. Vào phần cuối của câu chuyện, người chồng quyết định mua tặng cho vợ mình một món quà để xoá đi khoảng cách giữa hai người mà chính anh là người dựng nên. Món quà đó là một chiếc máy giặt.
Bộ phim được đánh giá là rất mạnh mẽ, táo bạo trong từng chi tiết, cảnh quay, nhưng lại thể hiện những cảm quan rất nhạy cảm, rất riêng của một nữ đạo diễn trẻ làm phim đầu tay và đồng thời là bộ phim tốt nghiệp. Nhân vật nữ chính được chính đạo diễn "chọn mặt gửi vàng" cũng chỉ là một diễn viên nghiệp dư, được khai thác triệt để ở khuôn mặt gai góc, khắc khổ và diễn xuất tốt.
Theo như một nhà phê bình phim, thì cảnh đẹp nhất phim là hình ảnh người vợ đứng bên gian bếp, nhìn nồi nước đang sôi trên bếp lửa than, dưới ánh đèn vàng và hành lang hẹp sau lưng bộn bề đồ đạc. Còn cảnh táo bạo, mãnh liệt khiến người xem bất ngờ, thú vị nhất cũng chính là nhân vật người vợ, khi cô bắt đầu vui thú với đám bọt xàphòng, mơn trớn những bộ quần áo, vuốt ve chính mình trong sự tưởng tượng về một hạnh phúc mà cô khao khát.
Từ từng hình ảnh, góc quay đến toàn bộ nội dung, bộ phim toát lên một cái nhìn rất có cá tính về hình ảnh người phụ nữ, mà điều này, có lẽ chỉ một nữ đạo diễn mới có thể làm được.
Nhân tố trẻ
Nguyễn Hoàng Điệp là một trong một số lượng khá đông các sinh viên nữ - bắt đầu quan tâm và "lấn sân" sang một lĩnh vực trước đây họ chỉ là số ít: đạo diễn. Sinh năm 1982, thủ khoa Sân khấu - Điện ảnh, bài tốt nghiệp, bộ phim Mùa thứ 5 được đánh giá cao, nhưng Hoàng Điệp chưa từng tham gia bất kỳ một liên hoan phim trong nước nào.
Thậm chí cả trong Liên hoan phim ngắn quốc tế Rio De Janeiro lần này, Mùa thứ 5 cũng được gửi đi bởi TPD Movie, còn chính chủ nhân của nó thì không hay biết gì cho đến tận khi nó vượt qua 2100 đối thủ để lọt vào vòng công chiếu.
Mặc dù vậy, so với 43 bộ phim ngắn đến từ các nước, Mùa thứ 5 gần như là tác phẩm hiếm hoi nhất, chưa từng "giắt lưng" một giải thưởng trong nước nào. Điều này cho thấy, những tác giả 8X trẻ tuổi - dù mới toanh với ngay cả các khán giả và những nhà phê bình phim trong nước, dù phim của họ chỉ là bộ phim đầu tay với kinh phí thực hiện 20 triệu đồng - họ vẫn hoàn toàn có thể gây được ấn tượng tại các liên hoan phim lớn bởi những góc nhìn mới lạ về cuộc sống và con người VN.
Điều này hứa hẹn một lớp đạo diễn mới sẽ mang đến những đổi thay cho điện ảnh VN.
Được sự khích lệ và tài trợ của Hội Điện ảnh VN, Nguyễn Hoàng Điệp sẽ lên đường tới Brazil trong thời gian 10 ngày từ 1 đến 11-12 diễn ra liên hoan phim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận