Đặc biệt là các bà mẹ, tăng tốc chạy theo bồi dưỡng để con cái có sức vượt vũ môn.
Đâu cứ ăn gì bổ nấy!
Chị Thanh ở Phú Nhuận khăng khăng là ăn óc bổ óc, nên mỗi ngày chị phải hẹn người bán thịt heo dành cho 2 bộ óc, mua gia vị rồi hấp lên cho cậu quý tử sắp hết lớp 9 ăn. Nghe đồn là trong não chứa Lecithin là “chất thông minh” nên cu cậu ráng... ăn liền 1 tuần hết chịu nổi phải xin “đình chiến” mà mẹ cứ không chịu. Nghe thế, nhiều người cười thầm: Óc nó có chất thông minh sao người ta lại nói ngu như heo nhỉ!
Thật ra muốn cho con ăn Lecithin thì kho thực phẩm có cả… rổ: nào là trứng gà vịt, thịt... Nếu chẳng may gia đình nào hơi bị thiếu thốn cũng có thể chọn món đậu hũ. Các nhà dinh dưỡng đã từng ca ngợi đậu nành là “thiên thần của nhân loại” vì nó chứa đủ những chất cơ bản, cần thiết lại rẻ tiền.
Một món rẻ tiền, dễ kiếm khác lại bổ ngang, bổ dọc mà các bà mẹ cứ xem thường đó là bí đỏ. Nấu canh bí đỏ ăn khi đau đầu, khi học căng thẳng lại thấy dịu thần kinh... Ngoài ra các loại rau, đậu có màu xanh đậm chứa canxi, vitamin C, giá đậu lại chứa vitamin E giúp tăng miễn dịch, chống lão hóa.
Cá cũng là món không thể thiếu trong bữa ăn của sĩ tử. Đạm của cá dễ tiêu hóa lại chứa Omega 3 được xem là “kiến trúc sư của trí thông minh”. Vậy mà có bà mẹ lại tưởng cá tanh thế thì não con mình cũng “tanh” làm sao tiếp thu được. Ngoài ra các loại hải sản chứa đạm dễ tiêu hóa lại bổ sung kẽm, sắt, ma-nhê, can-xi, phốt-pho… tha hồ kích thích hoạt động của các neuron thần kinh.
Trong thời điểm cận thi này mà có giỏ trái cây với đủ các loại như đu đủ, thanh long... chứa nhiều bê-ta caroten có thể coi là thực phẩm “bổ mắt”; bưởi, chanh, cam chứa nhiều vitamin C giúp giảm mệt mỏi thì... sướng như tiên. Nếu các bà mẹ chế biến hoa quả thành món đa sinh tố lại càng tuyệt vời. Đang ngồi học, mẹ đặt trên bàn ly sinh tố nhiều màu sắc mát rượi uống tới đâu “thấm” tới đó, tinh thần phấn chấn hẳn lên.
Chị Huyền ở Quận 3 than rằng cô “công chúa” có loại hình thần kinh yếu cứ hồi hộp, lo lắng, học không vô, đi tới đi lui, kêu mệt, sợ thi rớt khiến mẹ cháu cũng mất ngủ, phờ phạc. Một chén chè hạt sen, nhãn nhục sẽ giúp cô gái bình tâm.
Đừng ăn cắp giấc ngủ tối!
Nhiều sĩ tử dùng trà, cà phê để thức thanh toán bài vở. Quả là chất cafein đã kích thích, tạo ra trạng thái tỉnh táo. Tuy nhiên, não bị “kích” kéo dài sẽ mệt mỏi, chai lì. Đến khi cô cậu tới lớp thì chỉ còn “đồng ý lia lịa” với thầy cô, vì không sao chống chọi đựơc với cơn buồn ngủ. Tối về lại tiếp tục với bài trà, cà phê....
Tuổi học đường phải được ngủ đủ từ 7 - 8 giờ/ngày. Giấc ngủ buổi tối rất quan trọng cho sự tăng trưởng của xương, là một cách để não thư giãn, để tiếp thu bài tốt hơn. Xin các bậc cha mẹ đừng thấy con nhà hàng xóm thức tới 1 - 2 giờ sáng cũng dựng con dậy để “đua”, dù cháu nói đã học đủ rồi. Và dù muốn “đua” đến cỡ nào thì trước khi thi, nên cho các cháu ngủ sớm.
Còn nếu các bà mẹ định bồi dưỡng thêm cho con ở ca 3 này thì chỉ nên cho ăn nhẹ như một chén súp, một ly sữa. Có bà “nhồi” con để đi thi để rồi kết quả thi tỉ lệ nghịch với thân hình “bí phèo”.
Nhiều bà mẹ rất chú ý nhồi nhét thịt thà nhưng lại quên nhắc con uống nước, không biết rằng cơ thể thiếu nước sẽ mệt mỏi, chuyển hóa trong tế bào chậm lại, và với các neuron thần kinh thì tình trạng thiếu nước sẽ làm khả năng nhận thức kém hẳn đi, thời gian học bài lâu hơn.
Chị Quỳnh bán rau, chữ nghĩa ít, thương con chị bảo: “Ngủ đi con, sáng dậy con sẽ nhớ hết”. Câu này giống như liều doping mạnh, khiến trẻ tự tin hơn. Trong khi các bà mẹ có tí trình độ thường hay than: “Giời ạ, đến giờ này chưa ra đâu vào đâu thì mai thi cử ra sao?”. Cách nói này sẽ giống như “phản xạ dập tắt” khiến cô cậu rối tinh rối mù. Yếu tố tâm lý khi đi thi thật quan trọng, tự tin sẽ làm cô cậu bình tĩnh, sáng suốt và kết quả tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận