01/07/2019 10:26 GMT+7

Mùa thi qua, băn khoăn còn ở lại

TRẦN NAM THẮNG
TRẦN NAM THẮNG

TTO - Kỳ thi THPT quốc gia đã từng nhận được những ý kiến cho rằng đây là một kỳ thi căng thẳng, tốn kém để có kết quả luôn gần 100% thí sinh tốt nghiệp - dù kỳ thi này còn dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.

Mùa thi qua, băn khoăn còn ở lại - Ảnh 1.

Chuẩn bị thuốc uống cho các thầy cô trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đi làm nhiệm vụ coi thi tại Tỉnh Đắk Nông sáng 23-6. - Ảnh: NHƯ HÙNG

Kỳ thi năm 2019 vừa kết thúc, Tuổi Trẻ nhận được ý kiến từ một cán bộ tham gia kỳ thi vừa qua, xem ra vẫn còn những băn khoăn để trao đổi.

Cảm giác kỳ thi của... giáo viên?

Tôi là một giáo viên, được phân công tham gia hội đồng coi thi quốc gia tại một tỉnh ở Tây Nguyên. Là phó trưởng điểm thi, công việc của tôi không quá vất vả, nhưng cũng không thể nói là nhẹ nhàng. Tôi phải trực tại phòng canh giữ đề thi và bài thi 24/24 giờ/ngày và trọn vẹn 5 ngày trong suốt thời gian thi. 

Cùng trực với tôi là 2 chiến sĩ an ninh được phân công ngủ chung với tôi trong một căn phòng có kê 2 cái giường, 2 tủ đựng đề thi và bài thi được khóa mỗi tủ 2 khóa, niêm phong. Bên ngoài phòng này là 2 cảnh sát trực bảo vệ vòng ngoài.

Mỗi lần mở tủ lấy đề thi, cất bài thi vào đều có đủ mặt trưởng điểm thi, phó điểm thi, thanh tra, an ninh và lập biên bản tháo niêm phong tủ, biên bản dán niêm phong khi đóng và khóa tủ. Ngoài ra còn có camera ghi hình toàn bộ diễn biến trong căn phòng trong thời gian 5 ngày nói trên.

Với rất nhiều quy định, quy trình cho từng vị trí: trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, thanh tra, cán bộ giám sát, cán bộ coi thi, an ninh, bảo vệ..., việc sai sót trong kỳ thi luôn là nỗi ám ảnh của các điểm thi và từng cán bộ tham gia coi thi. Từ đó, cán bộ coi thi chúng tôi luôn cảm thấy áp lực. 

Quy trình coi thi và các quy định quá nhiều, quá chi tiết và gây áp lực quá lớn đến cả hội đồng; dường như tất cả hội đồng dành toàn tâm trí để tránh không mắc phải sai sót chứ ít quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ và tình cảm của thí sinh. Trong khi đây là kỳ thi của các em chứ không phải của các thầy cô!

Chuyện về một lực lượng khổng lồ

Trường tôi có gần 400 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, thì có 114 người được phân công thực hiện nhiệm vụ đi coi thi tại Kon Tum. Cán bộ giáo viên còn lại được phân công đi coi tại địa phương và các khu vực phụ cận khác. 

Tại Kon Tum còn có 80 cán bộ, giảng viên của trường khác; chưa kể lực lượng an ninh, công an, cảnh sát được huy động bảo vệ vòng trong, vòng ngoài ở mỗi điểm thi khoảng 20 người. 

Trong thời gian 1 tuần này, toàn bộ hoạt động ở trường tôi dường như bị đình trệ, việc thi học kỳ của sinh viên cũng được dời lại 1 tuần và sinh viên được nghỉ chơi không trong thời gian này.

Tỉnh Kon Tum không nhiều thí sinh như các tỉnh thành khác, từ đây cứ nhân lên số tỉnh thành trên cả nước có thể thấy một con số khổng lồ. 

Thông tin trên báo chí cho thấy ở Hà Nội, để phục vụ cho 125 điểm thi năm nay với trên 74.000 thí sinh đã có 7.755 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi (trên 3.700 cán bộ, giảng viên trường ĐH; trên 4.000 cán bộ, giáo viên trường phổ thông); 1.400 nhân viên, an ninh; 12.000 sinh viên tình nguyện. Tính ra có 21.155 người phục vụ trên 74.000 thí sinh; cứ 3,5 thí sinh có 1 người phục vụ là một ví dụ.

Kèm theo đó sẽ là chi phí di chuyển, ăn ở, sinh hoạt trong toàn bộ thời gian trước, trong và sau khi kỳ thi diễn ra. Ngoài phần coi thi sẽ là một hoạt động quy mô và tốn kém không kém trong các công việc liên quan đến việc ra đề thi, photocopy, in ấn, bảo mật, vận chuyển đề thi đến từng điểm thi, bảo quản đề thi và bài thi, chấm thi... dưới sự hộ tống và giám sát toàn phần của lực lượng an ninh và công tác thanh tra. 

Tôi không có con số cụ thể và cũng có lẽ chưa ai ngồi tính toán cụ thể kinh phí trực tiếp và các chi phí cơ hội khác của xã hội phải bỏ ra cho hoạt động coi thi này. Đó là chưa kể đến công sức, tiền của cho giai đoạn chấm thi, thanh tra chấm thi đang diễn ra hiện nay.

Kỳ thi THPT quốc gia cần được giảm việc sử dụng nguồn lực quá lớn và lãng phí ngân sách nhà nước, xã hội, gia đình và cá nhân thí sinh; tăng tính minh bạch, đánh giá nhanh và chính xác hơn năng lực của học sinh; hạn chế được những gian lận trong tất cả các khâu của quá trình từ chuẩn bị, làm đề, vận chuyển và bảo quản đề, tổ chức thi, chấm thi... như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Qua đó, dành thêm được một nguồn lực không hề nhỏ này cho các hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học, thay vì dùng vào việc tổ chức thi như hiện nay.

Kỳ thi THPT Quốc gia:

TTO - Chiều 27-6, Bộ Giáo dục và đào tạo họp báo, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nghiêm túc và nhẹ nhàng.

TRẦN NAM THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thi THPT